Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ gây chú ý với việc nghiên cứu bổ sung quy hoạch, xây dựng cảng hàng không, sân bay nhỏ trên đất liền và tại các đảo... Các chuyên gia hàng không cho rằng đây là tiềm năng lớn chưa được khai thác, cần mở rộng rãi nhưng có chọn lọc.
Đánh thức tiềm năng
Ngày 27.3 vừa qua, Thủ tướng có Quyết định số 470 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với tổng vốn đầu tư trên 1.547 tỉ đồng với thời hạn hoạt động 50 năm. Theo đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ đầu tư mới công trình khu bay đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; cải tạo nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm; cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên - ông Lê Thành Đô, đây là dự án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn thuộc vùng kinh tế động lực của tỉnh Điện Biên. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025 thêm khoảng 15.000 tỉ đồng. Thu ngân sách địa phương năm 2025 sẽ tăng thêm ít nhất 170 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 189 USD năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo giảm thêm khoảng 2% so với phương án hoàn thành sân bay sau năm 2025.
Cũng theo ông Lê Thành Đô, Điện Biên có vai trò vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc và quốc tế với địa danh mang tầm vóc toàn cầu “Chiến thắng Điện Biên Phủ”; có tiềm năng về du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử khu vực Trung du miền núi và được xác định là một trong các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của Vùng trung du miền núi phía Bắc.
Trong khi đó theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, một trong những điểm nghẽn khiến du lịch huyện đảo Lý Sơn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là do bất tiện về phương tiện đi lại, hạ tầng giao thông, còn thiếu vắng sân bay để du khách có thể di chuyển tới Lý Sơn bằng đường hàng không… Hạ tầng hạn chế cũng khiến Lý Sơn nói riêng, Quảng Ngãi nói chung khó thu hút được các nhà đầu tư lớn. Nếu Cảng hàng không Quốc tế Lý Sơn được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch, Quảng Ngãi sẽ tìm nhà đầu tư xây sân bay này theo hình thức BOT mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Xã hội hoá có trọng điểm các sân bay
Theo các chuyên gia, tại nhiều nước trên thế giới, sân bay quốc tế được xây dựng trên các hòn đảo diện tích nhỏ và đã sớm trở thành cầu nối cho các đảo này vươn ra thế giới, đem lại lợi ích kinh tế cho cả khu vực. Trao đổi với Báo Lao Động, TS Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không VN cho rằng, tài nguyên vùng trời của chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng, thậm chí là rất yếu. Nếu cứ kéo dài tình trạng này sẽ khó khăn trong việc kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, vì hiện nhiều tỉnh có 5 đến 6 khu công nghiệp mà không có sân bay nên việc mở sân bay là hoàn toàn hợp lý. Ngoài việc chở khách còn vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu, do đó cần giao Bộ GTVT hoạch định chính sách để phát triển mạng lưới cảng hàng không.
Theo ông Lê Thành Đô, những năm gần đây, Điện Biên đã được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn khảo sát đầu tư trên các lĩnh vực có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp và phát triển đô thị... Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn cầm chừng do các nhà đầu tư đang trông đợi tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Việc nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên sẽ có những tác động quan trọng trong việc thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng thêm tối thiểu khoảng 15.000 tỉ đồng, từ đó góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động.
TS Trần Quang Châu cho rằng, tiềm năng hàng không của Việt Nam rất lớn với một địa hình đẹp với chiều dài có biển, đảo mà chưa khai thác hết. Do đó cần mở rộng mạng lưới sân bay để phát triển kinh tế xã hội đất nước theo mô hình xã hội hoá một cách rộng rãi nhưng có chọn lọc, cái nào làm trước cái nào làm sau. Hàng không không chỉ mang lại lợi ích của bản thân nó mà mang lại lợi ích cho nhiều ngành kinh tế khác, do đó việc mở sân bay cần phải có tính toán kỹ lưỡng, không thể mở theo trào lưu, sân bay mở ra sẽ mang lại nhiều lợi ích cho địa phương như: Thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp…
“Cần phải xã hội hoá các cảng hàng không với tính toán cụ thể về địa điểm đầu tư sân bay, dân số, GDP, đất đai, độ gió, kết nối kinh tế vùng… đặc biệt là cần phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và các văn bản dưới luật để công khai, minh bạch đảm bảo lợi ích hài hoà giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người dân”, TS Trần Quang Châu cho hay.
(Link gốc: https://laodong.vn/kinh-te/xay-dung-co-chon-loc-cac-san-bay-quy-mo-nho-974966.ldo)
Tags: