Ngày 19/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho ý kiến về dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.
Tại Phiên họp, các Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đại diện các Ban, Bộ, ngành, địa phương đã có những trao đổi góp ý đối với Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, tập trung vào quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và một số chỉ tiêu cụ thể đối với các bậc học đảm bảo phù hợp cho từng giai đoạn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá quá trình xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 được thực hiện công phu, trong đó lồng ghép cùng với quá trình tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Đã nhìn nhận được được kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, chỉ ra được những hạn chế, tồn tại của giai đoạn này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Phiên họp. |
Nhấn mạnh các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW là đúng đắn và cần kiên trì thực hiện đến cùng, Phó Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh mới, Chiến lược có thể đưa thêm các quan điểm, mục tiêu nhưng phải kỹ lưỡng, tính toán. Do thời điểm đến năm 2025 chỉ còn một năm, vì vậy, Phó Thủ tướng thống nhất Chiến lược phát triển giáo dục sẽ xác định các mục tiêu đến năm 2030.
Để xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại, xác định rõ những mục tiêu đã đạt được, chưa đạt được của giai đoạn trước, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ, chọn lọc.
Việc đảm bảo phối hợp liên ngành dọc, ngang; Xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, vai trò quan lý nhà nước của Bộ GD&ĐT… trong tổ chức thực hiện Chiến lược cũng là những lưu ý của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Trước ý kiến cho rằng cần cụ thể hơn nữa về tầm nhìn phát triển giáo dục đến 2045, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, càng tầm nhìn xa càng không cụ thể được. Cần thống nhất những gì đã là trường tồn, bất biến của giáo dục và việc trang bị kiến thức nền tảng, khả năng thích ứng, điều chỉnh của học sinh đến năm 2045 mới là quan trọng. Đó chính là “lấy bất biến để ứng vạn biến trong giáo dục”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. |
Trao đổi tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về quá trình xây dựng Chiến lược công phu và khó khăn trong gần 2 năm qua, trong đó Bộ GD&ĐT đã làm việc lấy ý kiến nhiều lần từ các Bộ, ngành về từng chỉ tiêu của Chiến lược. Bộ trưởng cũng đồng thời làm rõ thêm một số nội dung được đại biểu đề cập, nêu ý kiến tại Phiên họp như hệ thống giáo dục mở, liên thông, phổ cập giáo dục, vấn đề đầu tư cho giáo dục.
Riêng về tỷ lệ phân luồng sau THCS, Bộ trưởng cho rằng, hiện chưa có căn cứ thuyết phục về tỷ lệ này. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, căn cứ của phân luồng, hướng nghiệp là dựa trên nhu cầu tự nguyện của học sinh, còn nhà nước phải đảm bảo 100% chỗ học nếu các cháu có nhu cầu. Do đó, cần giải toả cho các địa phương về tỷ lệ phân luồng, hướng nghiệp để đảm bảo đầu tư đủ trường học cho 100% học sinh.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, quá trình xây dựng chiến lược tích hợp được nhiều nguồn đánh giá, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 sẽ sớm được ban hành để các bên tổ chức thực hiện.