Vở rối dây dung dị, nhẹ nhàng, nhưng mang đậm tính nhân văn “Vũ điệu hoa quỳnh”, sẽ được giới thiệu tới khán giả Thủ đô tối 15/1.
Một câu chuyện dung dị, nhẹ nhàng nhưng mang đậm tính nhân văn, vở rối dây “Vũ điệu hoa quỳnh”, Huy chương vàng duy nhất Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ IV sẽ được giới thiệu tới khán giả Thủ đô tối 15/1. Đây là vở diễn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Với thể loại rối dây đặc sắc, được điều khiển bằng kỹ thuật điêu luyện của các nghệ sĩ múa rối tài năng, “Vũ điệu hoa quỳnh” để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Tác phẩm đạt Huy chương vàng và mang lại thành công vang dội cho Nhà hát Múa rối Việt Nam tại Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ IV - Hà Nội 2015. Ngoài ra, vở diễn còn mang lại cho đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng Giải Đạo diễn xuất sắc nhất và họa sỹ, NSƯT Vương Tất Lợi Giải Họa sỹ tạo hình xuất sắc nhất.
Sân khấu - chiếc gương phản chiếu
Bối cảnh vở “Vũ điệu hoa quỳnh” kể lại rằng: Vì mắc tội “quá xinh đẹp”, hoa quỳnh bị loài bướm cùng lũ sâu nham hiểm bắt nộp cho chúa đất - vốn là một tên độc ác khét tiếng trong vùng. Thế nhưng, trước vẻ đẹp thanh tú, trắng trong của hoa quỳnh cũng như những vũ điệu đẹp mê hồn của nàng, chúa đất đã được cảm hóa và trở thành người bảo vệ cho hoa quỳnh…
|
Nàng Hoa quỳnh mong manh, lộng lẫy đã cảm hóa chúa đất bằng chân - thiện - mỹ. |
Phó Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Vũ điệu hoa quỳnh” nói về loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thủy chung, khiêm nhường, lặng lẽ bốn mùa nắng mưa, sớm nở tối tàn. Nhưng sâu xa hơn, tác phẩm gửi đến người xem một thông điệp dung dị, mang đậm tính nhân văn. Câu chuyện lấy chân - thiện - mỹ để cảm hóa cái xấu, cái ác đã, đang và luôn tồn tại trong mỗi giai đoạn xã hội.”
|
"Bằng nghệ thuật múa rối tinh tế, độc đáo Vở diễn “Vũ điệu hoa quỳnh” kể một cách sinh động câu chuyện rất đời.", Phó Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng nói. |
“Với vở diễn này, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã khôi phục loại hình rối dây, một loại hình rối mà lâu nay ít được quan tâm sử dụng. Vở diễn không những là sự sáng tạo trong cách tạo hình nhân vật, mà còn thể hiện kỹ thuật điều khiển con rối nhuần nhuyễn của các nghệ sỹ múa rối.”, Nghệ sỹ Nguyễn Nga chia sẻ.
|
Những nhân vật trong "Vũ điệu hoa quỳnh" được các nghệ sỹ múa dối "nhân háo" một cách tối đa. |
Qua sự trải nghiệm, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã khéo léo đẩy vào câu chuyện đơn giản một hơi thở của cuộc sống đương đại. Bằng tài những mảng miếng, của nghệ thuật múa rối tinh tế, độc đáo Vở diễn “Vũ điệu hoa quỳnh” kể một cách sinh động câu chuyện rất đời. Trên sân khấu với không gian, nhân vật ảo khán giả lại nhìn, cảm nhận được triết lý, cuộc sống thực. Điều đó là như sợi dây vô hình gắn kết hiện tại với các nhân vật trên sân khấu. Và rồi, bỗng sân khấu như chiếc gương phản ánh thực tại để con mỗi chúng ta có thể soi mình vào đó là cái tài của những nghệ sỹ của Nhà hát Múa rối Việt Nam.
|
Điều đó là như sợi dây vô hình gắn kết hiện tại với các nhân vật trên sân khấu. |
Chính vì thế, những nhân vật không đơn giản là một con rối vô tri có thể cử động theo dây, mà còn có tâm trạng, nỗi niềm. Nhất là “Nàng hoa quỳnh” đẹp mong manh, lộng lẫy đầy cuốn hút bằng những vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng. Động tác tinh tế, quyến rũ đầy sức hấp dẫn tự thân của mỗi con rối, không hề dựa vào sự hỗ trợ nào của âm thanh, ánh sáng.
Sáng tạo trên chất liệu truyền thống
Ở “Vũ điệu hoa quỳnh”, chất liệu tạo hình con rối được cho là điểm cộng của tác phẩm. Chia sẻ niềm tâm huyết này, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho hay, sau nhiều ngày suy tính anh quyết định lựa chọn chất liệu mây, tre cho tạo hình của các con rối. Kết quả đã vượt ngoài sức tưởng tượng, khi ý tưởng được thực hiện thu hút khán giả bởi một hoa quỳnh trắng trong hé nở, một đàn công đẹp đến diệu kỳ, một cô bướm và đám sâu bọ gân guốc, khúc khuỷu… “Có thể thấy, con rối được làm từ mây, tre cầu kỳ hơn rất nhiều so với những chất liệu cũ như mút, gỗ... Thế nhưng, bù lại, những dụng ý về mặt nghệ thuật mà tôi đưa ra gần như được thể hiện một cách tốt nhất” - NSND Nguyễn Tiến Dũng nói.
|
Bằng bàn tay khéo léo của người nghệ sỹ múa rối, những cô hoa quỳnh khoe trọn vẻ đẹp thuần khiết, tinh tế trên sân khấu. |
Đạo diễn Tiến Dũng chia sẻ, từ lâu anh đã luôn tâm đắc với chất liệu mây, tre. Đây là chất liệu không chỉ khiến con rối đẹp hơn, độc đáo hơn mà còn mang hồn dân tộc. Bởi, thông thường khi nhắc đến Việt Nam, nhiều người hay nghĩ tới lũy tre làng, đôi khi nói về hình tượng người phụ nữ cũng là cây tre, hình ảnh người anh hùng chống giặc cũng là tre, mềm mại uyển chuyển nhất cũng là tre, gan dạ anh hùng nhất cũng chỉ có tre. Có thể xem tre là một biểu tượng của người Việt. Bóng tre luôn hiện hữu trong các vở diễn về làng quê, về dân tộc.
|
Những nàng rối dây bằng tre mang lại sức hút và sự uyển chuyển lạ kỳ. |
“Khi tôi trao đổi với tác giả và họa sỹ, họ lo ngại chất liệu tre sẽ làm mất đi vẻ mềm mại, quyến rũ của hoa quỳnh, vốn chỉ thích hợp với chất liệu vải voan, long lanh, trong sáng. Sau đó tôi nghĩ, mỗi hình dung lại một khác. Nếu tre cứng, mình làm uyển chuyển được sẽ là thành công, diễn viên điều khiển nó khéo léo và mềm mại thì đó lại là một thành công hơn nữa. “Vũ điệu hoa quỳnh”, là sự “liều lĩnh” khi kết hợp con rối được tạo hình từ mây tre với rối dây, lại do các nghệ sĩ trẻ lần đầu thể hiện. Tuy nhiên với tôi, nếu không mạnh dạn sáng tạo thì nghệ thuật sẽ rơi vào những cũ mòn, đơn điệu…”, NSND Tiến Dũng tâm sự.
|
Vũ điệu hoa quỳnh chính là nét dân gian pha lẫn hiện đại được lồng ghép mềm dẻo trong nội dung cũng như hình thức thể hiện. |
Không chỉ khéo léo, sáng tạo trong cách tạo hình nhân vật từ chất liệu tre truyền thống, sự kết hợp hài hòa giữa ánh sáng, âm nhạc và cảnh trí sân khấu đã trở thành điểm nhấn quan trọng góp phần làm nổi bật từng nhân vật rối. Yếu tố tạo nên sự khác biệt của Vũ điệu hoa quỳnh chính là nét dân gian pha lẫn hiện đại được lồng ghép mềm dẻo trong nội dung cũng như hình thức thể hiện. Một con rối ít nhất cũng mang đến cả 10 sợi dây mà nhiều nhất thì lên đến gần 30 sợi dây. Có lúc trên sân khấu 10 con rối xuất hiện, đồng thời theo đó phải có trên 10 diễn viên điều khiển. Phải đứng khuất sau tấm rèm đen và điều khiển rối từ trên cao nên không có gì là dễ dàng.
|
Đưa chất liệu mây tre vào tạo hình con rối là truyền lửa cho nghệ sỹ trẻ và công chúng yêu nghệ thuật. |
Các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã không chỉ thực hiện được mà còn rất xuất sắc, điêu luyện thu hút khán giả bằng những động tác xoay, nghiêng uyển chuyển… Vũ điệu hoa quỳnh được Ban giám khảo đánh giá cao những bởi những sáng tạo mới. Dấu ấn của đạo diễn được thể hiện rõ rệt bằng cách kể chuyện vừa logic vừa tinh tế; bằng cách đưa chất liệu mây tre vào tạo hình con rối cũng như sự truyền lửa cho nghệ sỹ trẻ trong việc tiếp nhận và sáng tạo cho nghệ thuật rối dây.