Chứng kiến cảnh anh trai mình qua đời trước sự thờ ơ của các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, em gái nạn nhân kêu gào: "Anh tôi đã chết rồi sao các người không cho anh tôi vào khoa cấp cứu ngay?!".
Liên quan đến vụ việc một số y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng bị tố là có dấu hiệu tắc trách khiến bệnh nhân tử vong.
Mới đây, tòa soạn Pháp luật Plus tiếp tục nhận được đơn thư phản ánh của gia đình bệnh nhân đã tử vong. Theo đó, gia đình bệnh nhân đề nghị xem xét biểu hiện vi phạm Luật khám chữa bệnh và các quy chế chuyên môn dẫn đến hậu quả chết người của các bác sĩ tại đây.
|
Gia đình bệnh nhân tiếp tục đề nghị xem xét biểu hiện vi phạm Luật khám chữa bệnh và các quy chế chuyên môn dẫn đến hậu quả chết người của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cao Bằng. |
Trước đó, theo đơn phản ánh của chị Nông Thị Ngọc Mai, trú thôn Ngọc Quyên, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), một số y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng có dấu hiệu tắc trách khiến bệnh nhân (bố chị) bị tử vong.
Cụ thể, sáng ngày 8/6, bố chị có biểu hiện nôn thốc nôn tháo và được gia đình đưa đến cấp cứu tại phòng khám ngoài giờ, thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng.
Sau khi thăm khám, ekip trực của Bệnh viện này cho biết huyết áp thời điểm đó của bố chị là 70/40. Bác sĩ tên Hoa đã ghi vào bệnh án của bố chị là bị tiêu chảy cấp, bảo chị đi nộp tiền vào viện rồi ra hiệu cho chị và người nhà đưa bố chị lên khoa Nội tổng hợp.
Tại khoa Nội tổng hợp, bố chị không được thăm khám gì và chỉ 2 phút sau lại được điều chuyển về phòng bệnh số 5, giường 28 nằm. Lúc này, điều dưỡng tên Vân nói với chị rằng, "huyết áp 70/40, hơi thấp nhưng không sao".
|
Chị Nông Thị Ngọc Mai buồn rầu trước di ảnh của bố. |
Khoảng 10 phút sau đó, bố chị Mai kêu khó thở và khát nước. Sau khi uống nước được 5 phút, bố chị lại tiếp tục kêu khó thở. Lúc này, chị Mai chạy đi gọi bác sĩ, nhưng khi có mặt, bác sĩ tên Phượng chỉ vén áo lên, không thăm khám gì và nói, "ôi, còn tỉnh táo thế này thì không khó thở đâu", rồi bỏ đi.
Khi vị bác sĩ này vừa về thì bố chị lên cơn co giật và tắt thở. Chị Mai và những người thân khác của bệnh nhân này cho rằng, nguyên nhân cái chết của bố chị có sự "tắc trách" của các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng bởi nếu như ngay sau khi được kết luận huyết áp bất thường 70/40 mà được cấp cứu ngay thì bố chị có lẽ đã qua được cơn nguy kịch.
Hơn một tuần sau khi xảy ra sự việc, ngày 17/6, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cùng Trưởng khoa Nội tổng hợp và ekip trực khoa Nội tổng hợp mới đến thăm hỏi và chia buồn, nhận lỗi với gia đình sau khi chị cùng những người thân chia sẻ những bức xúc lên mạng xã hội.
Tại lá đơn mới đây nhất mà gia đình bệnh nhân đã tử vong này gửi Bộ trưởng Bộ y tế, Cục khám chữa bệnh và các cơ quan chức năng, Bà Khuyên (sinh năm 1969, tổ 11, phường Hợp Giang, TP Cao Bằng, là em gái ruột của bệnh nhân đã tử vong) kể lại, thời điểm bà quay lại hành lang tầng 2 thì thấy các bác sĩ đẩy băng ca đưa anh trai bà xuống khoa cấp cứu.
Bà Khuyên chạy lại sờ mặt và banh mắt anh trai mình ra thì thấy con ngươi đã đờ ra nên bật khóc và nói: "Anh tôi đã chết rồi sao các người không cho anh tôi vào khoa cấp cứu ngay?".
Để rồi, khi xuống đến phòng cấp cứu, các bác sĩ yêu cầu người nhà ra ngoài, ép lồng ngực bệnh nhân và quay ra trả lời người nhà rằng: "Khi tôi tiếp nhận bệnh nhân thì mạch tim, tuần hoàn đã ngừng hoàn toàn, giờ chúng tôi không dám đảm bảo điều gì"...
Sự tắc trách của ekip y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng không chỉ gây nên cái chết vô lý cho bệnh nhân mà còn tạo nỗi bức xúc lớn đối với những người ở lại. Liệu rằng, "lương y" có còn như "từ mẫu" hay không?
Trả lời phóng viên Pháp luật Plus về vụ việc này, ông Lục Văn Đại, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho biết đã báo cáo lên Bộ Y tế, "nguyên nhân do bệnh nhân bị bệnh nặng nhưng khi vào bệnh viện thì “quân” mình cũng có sơ suất"...
Cũng theo lời ông Đại, Sở Y tế Cao Bằng cũng đã cho tạm đình chỉ hành nghề vài tháng đối với bác sĩ ca trực hôm đó và chuyển sang bộ phận khác, đình chỉ đối với một điều dưỡng.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.