Tết Trung Thu ở Việt Nam là ngày được rất nhiều trẻ em mong đợi vì chúng thường được người lớn tặng đồ chơi, ăn bánh nướng, bánh dẻo, múa hát và phá cỗ. Không chỉ Việt Nam, nhiều nước châu Á cũng náo nức đón Tết Trung thu với những nét đặc sắc riêng, thể hiện tinh hoa dân tộc mình.
Tin nên đọc
"Nghệ nhân nhí" ở Hà Nội làm đầu sư tử dịp Tết Trung thu
Ngắm Phố lồng đèn rực rỡ mùa Trung thu
Vụ Trường Pascal hoạt động không phép: Phụ huynh yêu cầu nhà trường phải trung thực, hoạt động đúng pháp luật
Hà Nội: Phát hiện cơ sở kinh doanh bánh trung thu, thực phẩm chức năng không rõ ngồn gốc
Việt Nam
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Cha mẹ thường bày cỗ cho các con, mua và làm nhiều loại lồng đèn thắp bằng nến, treo trong nhà hoặc tổ chức cho trẻ em rước đèn.
Trung thu còn có các đám múa lân gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Đám múa lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Đầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa. Ngoài ra, còn có thanh la, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân...
|
Mâm cỗ Trung Thu cổ truyền của người Hà Nội. Ảnh: Pháp luật & Dân sinh |
Bánh trung thu tượng trưng cho sự đoàn viên, là thứ không thể thiếu để cúng trăng và những người thân đã khuất vào mỗi mùa trung thu. Bánh trung thu có hai loại chính, bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thường có vị mặn, làm bằng nhân lạp xưởng và lòng đỏ trứng gà. Còn bánh dẻo có vị ngọt làm bằng nhân đậu xanh hay đậu đỏ được nấu nhừ và đánh nhuyễn như bột.
Ngoài ý nghĩa vui chơi, Tết Trung Thu còn là dịp để người dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Hàn Quốc
Tết Trung thu, hay lễ hội Chuseok ở Hàn Quốc còn có tên gọi Hangawi. Vào ngày này, người Hàn Quốc đi xa đều quay trở về quê hương và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh songpyeon và rượu sindoju hay dongdongju.
Bắt đầu từ sáng sớm ngày Trung thu, người Hàn Quốc đã chuẩn bị nghi lễ cúng tổ tiên. Họ tới thăm mộ tổ, dọn cây dại và làm sạch khu vực quanh mộ, truyền thống này giống với nghi thức tảo mộ ở Việt Nam. Sau khi cúng bái mọi người cùng nhau ăn thức ăn dâng lên tổ tiên và việc này được gọi là “ẩm phúc” tức “thụ lộc”.
|
Trẻ em Hàn Quốc được mặc trang phục truyền thống trong dịp Tết Trung Thu. Ảnh: visitkorea.org.vn |
Bánh Songpyeon là một loại bánh gạo nhân đậu. Bánh có nhiều màu sắc bắt mắt và có hình lưỡi liềm tượng trưng cho hình mặt trăng hứa hẹn cho sự viên mãn, tròn đầy, sự mở rộng và phát triển.
Mỗi vùng có thể tổ chức những trò chơi riêng mang đặc trưng của địa phương mình, nhưng ở đâu chúng ta cũng bắt gặp mọi người múa điệu Ganggangsullae - điệu múa mà phụ nữ và trẻ em sẽ quây thành những vòng tròn lớn nhảy múa dưới trăng.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, ngày tết trung thu sẽ được diễn ra 2 lần trong 1 năm. Ngày thứ nhất là vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, hay còn được gọi là ngày Zyuyoga, vào ngày này trăng tròn và sáng nhất và được người Nhật yêu thích nhất. Ngày Trung thu thứ 2 của người Nhật là ngày 13 tháng 10 âm lịch, còn được gọi là ngày Zyusanya. Dịp Trung thu người dân Nhật Bản sẽ quây quần bên gia đình và lựa chọn địa điểm thích hợp nhất để cùng nhau ngắm trăng và hàn huyên chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống.
Nếu như người Việt Nam tưởng tượng có cây đa và chú Cuội thì người Nhật Bản lại tin rằng trên cung trăng có sự hiện diện của chú thỏ đang sinh sống và cứ vào đêm trung thu hàng năm chú thỏ lại giã bột để làm bánh giày mochi.
Bánh Trung thu truyền thống của người Nhật có tên gọi là Tsukimi Dango. Theo phong tục, bánh Tsukimi Dango sẽ được bày biện vào ngày Trung thu đầu tiên để dâng lên thần linh, cầu nguyện cho thành viên trong gia đình dồi dào sức khoẻ, trường thọ và mùa màng bội thu.
|
Ảnh: cookpad.com |
Trong lễ hội ngắm trăng Otsukimi của Nhật Bản, vật trang trí phổ biến là bảy loại cỏ nổi tiếng của mùa thu Nhật Bản: cỏ lau (Susuki), hồ chi (Hagi), sắn dây rừng (Kuzu), hoa nữ lang (Ominaeshi), trạch lan (Fujibakama), cát cánh (kikyo) và cẩm chướng (Nadeshiko), cùng nhiều loại hoa dại gần gũi khác.
Tết trung thu ở Việt Nam có đèn ông sao thì trong ngày Tết Trung thu ở Nhật Bản, trẻ em cũng được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.
Trung Quốc
Người dân Trung Quốc từ xưa đã có phong tục ngắm trăng. Trên bàn lễ họ bày biện rất nhiều thứ: bánh Trung thu, dưa hấu, táo, mận, nho,… Nhiều nơi còn thắp hương cầu khấn, dựng cây Trung thu, thắp đèn tháp, thả đèn trời, đi dạo dưới trăng, múa lân...
Người dân Trung Quốc cũng ó thói quen ăn bánh Trung thu. Không chỉ có nhân bánh thơm ngon, vỏ bánh còn được in nhiều hình cầu kỳ bắt mắt: Hằng Nga bay lên cung trăng, đêm trăng ngân hà,...
Việc thả đèn xuống sông trong ngày Trung thu có ý nghĩa rất đặc biệt đối với thiếu nữ và các em nhỏ. Những chiếc đèn có hình hoa hay hình chiếc thuyền được làm từ giấy dầu, sau đó thắp một ngọn nến, thả xuống sông hồ. Trước khi thả đèn phải thành tâm cầu nguyện, để chiếc đèn mang những nguyện ước của mình trở thành sự thực.
|
Ảnh: todata.vn |
Đêm rằm Trung thu ở những nơi công cộng người dân treo rất nhiều đèn lồng, mọi người tập trung lại với nhau, cùng nhau giải những câu đố ghi trên đèn lồng. Đây là hoạt động mà nam thanh nữ tú rất ưa chuộng, trò chơi này đã làm nên vô số giai thoại tình yêu. Vì thế, giải câu đố trong đêm Trung thu trở thành phương pháp bày tỏ tình yêu của các đôi nam nữ.
Singapore
Tại Singapore, số người có gốc Hoa chiếm tới 72,4% dân số chính vì thế hơn nửa số lễ hội truyền thống hàng năm tại Singapore đều xuất phát từ họ. Tết trung thu được người Hoa tổ chức tại Singapore thường rơi vào tháng 9 dương lịch nhằm tưởng nhớ đến công lao to lớn của nàng Hằng Nga - người vợ thảo hiền nhưng có một ông chồng cai trị độc ác.
Truyền thuyết kể lại rằng, nàng đã uống tiên dược có tác dụng trường sinh bất tử với mục đích chấm dứt những hành động đầy tội ác của chồng mình.
|
Ảnh: singaporesensettravel.com |
Tết Trung thu ở Singapore còn có tên gọi khác là lễ hội bánh trung thu hay lễ hội lồng đèn. Ở trung tâm của quảng trường Sengkang, tất cả mọi người đều đến đây đông đủ để cùng nhau trải nghiệm nhiều trò chơi thú vị.
Điều tuyệt vời nhất trong lễ hội trung thu tại Singapore chính là chương trình biểu diễn đèn lồng có tên Kính vạn hoa. Người ta đã ghép 580 đèn lồng các loại để tạo ra 1 chiếc đèn lồng khổng lồ duy nhất.