Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh Hải quân được biết đến là vị tướng của biển đảo. Thế nhưng thành tích khiến ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân là trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc đời binh nghiệp của Tướng Vĩnh gắn với những chiến công vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.
|
Anh hùng LLVT nhân dân Mai Xuân Vĩnh (người đứng giữa) trong buổi lễ phong tặng Anh hùng. |
Sáng 13/4/2017, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 Quân đoàn 2 đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân phong tặng Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh (bí danh Hải Bình), nguyên Trung đội trưởng Đại đội 88, Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101.
Dự buổi lễ có Thượng tướng Phạm Ngọc Minh - Phó Tổng Tham mưu trưởng, Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh nguyên là Tư lệnh Hải quân. Ông là chắt nội của Lãnh binh Mai Lượng - người đã cùng đề đốc Lê Trực làm cho thực dân Pháp thất điên bát đảo trong phong trào Cần Vương.
Ông sinh năm 1930, tại làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Ngày 27/3/1947, giặc Pháp đổ bộ lên cửa biển Nhật Lệ, đánh chiếm Quảng Bình.
Sau đó, chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét và đóng đồn tại Minh Lệ. Khi tản cư vào rừng sâu, đói khát và bệnh tật đã cướp đi người mẹ cùng em gái thân yêu khiến chàng trai trẻ Mai Xuân Vĩnh càng nung nấu quyết tâm giết giặc.
|
Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân gắn Huân chương Độc lập hạng Ba cho Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh. Ảnh Duy Khánh |
Mai Xuân Vĩnh lặn lội tìm lên Tuyên Hóa, chiến khu của tỉnh Quảng Bình xin vào bộ đội nhưng không được vì chưa đến tuổi.
Ngày 1/5/1950, khi đang học tại Trường Trung học Phan Bội Châu ở Đạm Thủy, huyện Tuyên Hóa, anh được tuyển vào Trung đoàn 18, chỉ huy một tiểu đội thuộc Đại đội 88, Tiểu đoàn 436.
Tiểu đoàn này sau đó sáp nhập vào Trung đoàn 101 - Trần Cao Vân, Mặt trận Bình Trị Thiên 101 ở Thừa Thiên-Huế. Mai Xuân Vĩnh đã cùng đồng đội đánh thắng địch ở An Gia, diệt gọn đồn Phổ Lại, đập tan phòng tuyến Phú Ốc-Sịa.
Ngày 11/3/1951, Trung đoàn 101 chống trận càn Thanh Hương, làm thiệt hại nặng Binh đoàn Butin của Pháp. Binh đoàn Sockel từ Huế ra tăng viện cũng bị đánh tơi bời phải rút chạy.
Cuối tháng 8/1952, thực dân Pháp mở cuộc hành quân “Châu chấu” đánh vào khu vực Trung đoàn 101 đóng quân. Sau đó, chúng mở cuộc hành quân “Cá sấu” có hỏa lực của máy bay và xe bọc thép ồ ạt tấn công. Trung đoàn ông theo những đồi cát phá vòng vây của địch, lập nên chiến công lớn.
Năm 1954, phối hợp tốt với chiến dịch Trần Đình, Tiểu đoàn 436 đã cùng Đại đội 200, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp quân dân mặt trận Hạ Lào loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 quân địch, giải phóng một vùng rộng lớn hàng chục ngàn km2 với 300 ngàn dân.
Sau hòa bình, tháng 6/1961, ông Vĩnh được cử đi đào tạo sĩ quan chỉ huy Hải quân tại Trường Hải quân Ki-rốp ở thủ đô Ba-cu, nước Cộng hòa A-déc-bai-gian (Liên Xô cũ).
Đây là trường đào tạo Hải quân lớn nhất Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp Trường Hải quân Bacu, ông được điều động về công tác tại Quân chủng Hải quân.
Trung tuần tháng 4/1964, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc. Ông Vĩnh đến nhận nhiệm vụ trợ lý tác chiến ở khu Tuần phòng 2.
Ngày 2/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ xâm phạm vùng biển Việt Nam và bị tàu phóng lôi của ta đánh đuổi.
Ngày 5/8/1964, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã viết nên trang sử hào hùng đánh thắng trận đầu, cùng quân dân cả nước bắn rơi 8 máy bay giặc Mỹ.
Ngày 28/4/1965, máy bay Mỹ tập kích tàu của ta ở sông Gianh. Ông Mai Xuân Vĩnh được giao nhiệm vụ chỉ huy bộ đội hải quân làm một chiếc tàu giả bằng tre nứa ở Quảng Trường (Quảng Trạch) để phục kích đánh lũ cướp trời.
7 giờ sáng ngày 14/7/1965, hai chiếc máy bay AD6 của Mỹ phát hiện được “tàu”, bắn đạn khói chỉ thị mục tiêu gọi đồng bọn tới. Lúc này có 36 nòng pháo phòng không từ 14,5mm đến cao xạ 37mm của các đơn vị Quân khu 4 và Quân chủng Hải quân đang chờ sẵn. Kết quả quân địch bị bắn cháy và bị thương 4 chiếc.
Đầu năm 1966, khu Tuần phòng 2 giải thể, ông Mai Xuân Vĩnh được điều về phụ trách Tiểu đoàn 8 ra-đa bờ biển. Tiểu đoàn 5 có trạm ra-đa tạo thành những “con mắt thần” rải từ Nghệ An đến Vĩnh Linh.
Trạm ra-đa 535 đã phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho Đại đội 10 bảo vệ bờ biển bắn chìm 2 tàu biệt kích của ngụy đêm 24/3/1966 tại vùng biển Ròn (Quảng Trạch, Quảng Bình).
Một hôm, ông Vĩnh đang đến sở chỉ huy bố trí trên đồi cát thì nghe một tiếng nổ to từ phía biển. Ông ra lệnh cho trạm ra-đa 530 mở máy quan sát thì thấy chiếc khu trục của Mỹ ở bãi thủy lôi không cơ động được.
Tàu khu trục của địch có tên là “Oa-sinh-tơn DD843” bị trúng thủy lôi của ta không chìm tại chỗ nhưng phải kéo về Su-bic (Philippines), bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Một thời gian ngắn sau, tàu khu trục “Giô-dép Xtơ-rao DDG16” cũng bị thương nặng ở bãi thủy lôi của K4. Trong 5 năm từ năm 1964 đến 1968, Hải quân Việt Nam đã góp phần cùng quân dân cả nước bắn rơi 3.243 máy bay và bắn chìm 143 tàu biệt kích và khu trục của Mỹ, ngụy.
Đất nước thống nhất, ông Mai Xuân Vĩnh giữ nhiều vị trí trọng trách trong Quân chủng Hải quân.
Năm 1994, ông được phong quân hàm Phó đô đốc, được giao giữ trọng trách Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ông nghỉ hưu vào tháng 3/2000.
Trong chiến đấu và công tác, ông Mai Xuân Vĩnh luôn phát huy sự mưu trí, sáng tạo, quyết đoán, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Ông đã có những cống hiến, đóng góp quan trọng trong xây dựng Quân chủng Hải quân trưởng thành, phát triển lớn mạnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với những thành tích xuất sắc đó, Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Đặc biệt là thành tích xuất sắc mà ông đạt được tại trận chống càn “Cá sấu” của Trung đoàn 101, Đại đoàn 325 (nay là Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) kể trên. Với thành tích này, ông đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.