Trường ĐH Thủy lợi dự kiến sẽ mở mới 3 ngành là: Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung và Luật Kinh tế với chỉ tiêu dự kiến là 40 sinh viên/ngành.
Năm 2023, trường ĐH Ngoại thương mở thêm 2 ngành: Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế. Trường dự kiến tuyển 4.100 chỉ tiêu (tăng 50 thí sinh so với năm 2022).
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.
Trường ĐH Kinh tế TP HCM sẽ mở thêm các ngành như sau: Robot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ Marketing, Công nghệ logistics, Công nghệ Tài chính và Kinh doanh số.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM dự kiến mở mới 5 ngành như: Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử.
Năm nay, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM bắt đầu tuyển sinh ngành đào tạo Digital Marketing.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) mở thêm hai ngành mới là: Quản lý tài nguyên và môi trường và Công nghệ vật lý điện tử và tin học.
Trường ĐH An Giang quyết định mở và xét tuyển sinh ngành đào tạo trình độ Đại học ngành Thú y, ngành đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Điều kiện mở ngành mới:
Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 4/3/2022, Bộ GDĐT đã quy định về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ ĐH.Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu, cơ sở đào tạo phải đáp ứng điều kiện chung khi mở ngành đào tạo trình độ ĐH bao gồm ngành đào tạo và trình độ đào tạo dự kiến mở, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.
Trong đó, ngành đào tạo và trình độ đào tạo dự kiến mở phải phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước và của lĩnh vực đào tạo bảo đảm hội nhập quốc tế; Bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt; Có trong Danh mục thống kê ngành đào tạo (trừ trường hợp có quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ); Việc đề xuất bổ sung ngành mới vào Danh mục thống kê ngành đào tạo thực hiện theo Thông tư quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục ĐH.
Đội ngũ giảng viên phải đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (bao gồm giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng), đáp ứng yêu cầu đội ngũ giảng viên theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo của trình độ đào tạo, lĩnh vực, nhóm ngành và ngành đào tạo. Đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe (theo quy định tại Danh mục thống kê ngành đào tạo), giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.
Về cơ sở vật chất, các trường phải đáp ứng các yêu cầu sau: Có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu; Có đủ phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, cơ sở sản xuất thửnghiệm, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quản lý hỗ trợ học tập, quản lý đào tạo cùng các thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của chương trình đào tạo, phù hợp với quy mô đào tạo ở từng trình độ đào tạo và phải có kế hoạch sử dụng phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành...
Có hợp đồng hợp tác đào tạo thực hành, thực tập với các cơ sở thực hành, thực tập bên ngoài nhà trường phù hợp với kế hoạch giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học cho toàn khóa học; Các cơ sở thực hành đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khoẻ phải có hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành bảo đảm tuân thủ theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe; Có thư viện truyền thống và thư viện điện tử bảo đảm đủ giáo trình, tài liệu hỗ trợ giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên và người học…