|
Ảnh minh họa. |
Dư luận những ngày qua đang xôn xao trước thông tin đi xe máy không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 1/1/2017, mức phạt lên tới 400 ngàn đồng theo Nghị định 46/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Thực hư câu chuyện này như thế nào và lý giải của ngành Công an ra sao, có phải tất cả mọi trường hợp xe lưu thông không chính chủ đều bị phạt?
Thông tin nêu trên được người dân hết sức quan tâm bởi xe máy là phương tiện lưu thông chủ yếu hàng ngày và rất nhiều trường hợp tham gia giao thông là “không chính chủ”.
Anh Nguyễn Viết Bình, ở Mỹ Đình, Hà Nội tỏ ra lo lắng: xe máy nhà anh mang tên vợ nhưng thực tế là anh thường xuyên sử dụng. Trước đây dù đã kết hôn nhưng để thuận tiện, khi đăng ký xe anh chỉ đề tên vợ.
“Tài sản sở hữu chung của vợ chồng nhưng đứng tên một người, người kia sử dụng không biết có bị phạt không”, anh Bình băn khoăn.
Tương tự, bác Kiều Đình Mai ở Đan Phượng, Hà Nội thi thoảng mượn xe của con trai ra phố ăn cỗ cưới hay gặp gỡ bạn bè cũng tỏ ra ái ngại: lấy xe của con đi tạm thì lấy đâu ra chính chủ, chả lẽ bị phạt lại gọi con ra để chứng minh với cảnh sát giao thông (CSGT) đây chỉ là xe đi mượn?
Đây không phải là lần đầu tiên việc phạt xe không chính chủ thu hút sự chú ý đặc biệt từ dư luận mà cách đây hơn 3 năm, khi Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ và đường sắt đã đưa vào quy định này.
Tuy nhiên, thời điểm đó có nhiều quan điểm trái chiều, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng, tính khả thi của quy định chưa cao, chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số quần chúng.
Sau đó, Nghị định 171/CP ban hành cũng đã quy định việc xử phạt hành vi “không chính chủ”. Tuy nhiên, quy định nói trên được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
Nghị định 46/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng tiếp nối các quy định nêu trên.
Theo đó, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm, trong đó có “Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô”.
Nghị định này có hiệu lực từ 1/8/2016 nhưng quy định nói trên có hiệu lực từ 1/1/2017.
Được biết, Cục CSGT vừa có chỉ đạo CSGT các tỉnh, thành phố phối hợp cơ quan truyền thông, báo chí tại địa phương mình tổ chức tuyên truyền cho nhân dân và thông báo cho cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục sang tên di chuyển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ, thực hiện đến ngày 31/12/2016.
Theo đó, Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe cho phép: “Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người được giải quyết đăng ký sang tên theo quy định tại Điều 24 Thông tư này đến hết ngày 31/12/2016”.
Vì vậy, Cục CSGT đã yêu cầu cơ quan đăng ký xe Công an các địa phương giải quyết đăng ký sang tên cho người đang sử dụng với các trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ xe theo quy định Điều 24 (Thông tư 15) trước ngày 01/01/2017. Thông tư 15 của Bộ Công an cũng hướng dẫn cụ thể các hồ sơ người dân cần mang theo khi đi đăng ký sang tên xe.
Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp (Bộ Công an): Không dừng phương tiện để kiểm tra lỗi chưa sang tên đổi chủ
Quy định xử phạt với những chủ sở hữu cố tình không sang tên, đổi chủ khi mua bán xe máy, xe mô tô đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện vì phải điều chỉnh. Sau nhiều năm, công tác đăng ký, sang tên, đổi chủ được đơn giản hóa nhưng một bộ phận người dân cố tình không chấp hành nên phải có biện pháp xử phạt hành chính, mốc cuối với các chủ phương tiện là cuối năm 2016.
Từ ngày 1/1/2017, chủ phương tiện cố tình không sang tên, đổi chủ sẽ bị CSGT xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Căn cứ Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an, nếu không thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện, người đứng tên đăng ký xe phải tiếp tục chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đã bán, cho, tặng.
Có nghĩa là nếu có tranh chấp, điều tra, khởi tố vụ việc có liên quan đến chiếc xe đã bán, cho, tặng thì chủ xe phải chịu trách nhiệm liên đới. Trên thực tế, việc xử phạt để tác động tới ý thức của chủ phương tiện về việc đảm bảo tài sản, phương tiện của mình, tránh những trường hợp tranh chấp không đáng có khi không sang tên.
Trong công tác giải quyết tai nạn giao thông, việc đăng ký chính chủ sẽ giúp ích rất nhiều cho cảnh sát trong quá trình điều tra, không mất thời gian đi tìm chủ sở hữu của phương tiện.
Hơn nữa, việc đăng ký xe chính chủ sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của chủ phương tiện như sau này chỉ cần đăng ký qua mạng, chuyển khoản để mua vé, phí đường bộ; hay áp dụng việc xử phạt nguội cũng rất dễ dàng...
Cũng theo quy định, CSGT không được dừng bất cứ phương tiện nào để kiểm tra với lỗi chưa sang tên đổi chủ. Cảnh sát chỉ được phép kiểm tra các phương tiện khi phát hiện ra lỗi vi phạm giao thông. Chẳng hạn như người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, cảnh sát dừng xe kiểm tra, nếu phát hiện, chiếc xe mua bán qua nhiều lần, quá thời gian không sang tên đổi chủ thì sẽ bị phạt thêm lỗi xe không sang tên, đổi chủ.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Đội CSGT số 1 - Công an TP Hà Nội: Nên chủ động đề nghị người mua xe làm thủ tục sang tên đổi chủ
Nếu chồng đi xe máy của vợ và vi phạm luật giao thông, bị CSGT thổi phạt, lỗi phải giữ xe 30 ngày. Lúc này, CSGT sẽ xem giấy tờ và xác minh người vợ có phải là chủ xe hay không.
Nếu CSGT thấy chị vợ đúng là chủ xe thì chồng sẽ không bị phạt lỗi “xe không chính chủ” mà chỉ chịu phạt lỗi giao thông. Bên cạnh đó, chi phí giữ xe 30 ngày do chủ xe tức người vợ trả. Hiểu đơn giản là “lỗi ai người đấy chịu”.
Người điều khiển xe chịu lỗi giao thông, nhưng chủ xe chịu lỗi liên quan đến hành chính. Không luật nào xử lý người đi mượn xe máy cả. Bản thân người bán xe cho người khác nên chủ động đề nghị người mua xe làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Nếu không, sau này xảy ra trường hợp xấu như tai nạn, trộm cướp, hay mượn xe để vận chuyển hàng cấm, gây án... cơ quan có thẩm quyền sẽ liên hệ với chủ cũ để điều tra, gây ra nhiều phiền toái”.
Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Hòa Lợi, Hà Nội): Đi xe mang tên vợ, không cần thiết phải cầm theo đăng ký kết hôn
Trước hết, cần phải hiểu rằng, khoản 2 Điều 30 Nghị định 46/2016 không quy định về xử phạt xe “không chính chủ” mà thực chất là xử phạt chủ phương tiện có hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế.
Như vậy thì rõ ràng, việc mượn xe hoặc những người trong gia đình đi xe của nhau thì sẽ không bị xử phạt. Nhưng vấn đề đặt ra là, người điều khiển phương tiện có cần phải chứng minh với CSGT rằng mình mượn xe hoặc sử dụng xe của người nhà để tránh bị xử phạt oan?
Người dân khi đi xe của người nhà, đi xe mượn không nên lo lắng quá về việc mình bị CSGT xử phạt “oan” mà phải cầm theo Giấy đăng ký kết hôn, Sổ hộ khẩu… khi sử dụng xe vì nếu cầm đi như vậy thì các giấy tờ này dễ bị mất mát, hư hỏng mà việc làm lại thì cũng khá phức tạp, mất thời gian.