Trung tướng Nguyễn Thành Út - nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 5, từng có 46 năm trong quân ngũ, 27 năm gắn bó với chiến trường, 7 lần bị thương… Đền đáp cho sự cống hiến, hi sinh đó, ông được Nhà nước tặng thưởng một căn nhà công vụ ngay tại trung tâm thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng khi nghỉ hưu, ông đã tự nguyện trả nhà công vụ và chọn Pleiku, Gia Lai làm nơi an hưởng tuổi già.
Vị tướng tài ba
Tôi được diện kiến Trung tướng Nguyễn Thành Út (SN 1942, nguyên quán huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên) vào một buổi sáng trời đầy mây của những ngày đầu mùa mưa Tây Nguyên. Trong căn nhà bình dị, ánh hào quang rõ nhất là trên mỗi bức tường là những bằng khen, tấm huy chương đã ngả màu thời gian.
Dù đã bước sang tuổi 82 những chất “lính” vẫn rất rõ nét trong con người của vị tướng. Đó là giọng cười đầy hào sảng, tiếng nói to, mạnh mẽ mà trầm ấm. Những câu chuyện ông kể vẫn rành rọt từng chi tiết, tất cả ký ức vẫn vẹn nguyên như vừa mới hôm qua...
Trung tướng Nguyễn Thành Út - nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 5. |
Ở tuổi ngoài 80 nhưng tướng Út vẫn duy trì thói quen đọc sách, xem thời sự mỗi ngày. Ở dãy phố nơi gia đình tướng Út sinh sống, người dân đã quen với hình ảnh hai ông bà bình dị dắt tay nhau đi uống cà phê rồi cùng nhau chăm sóc vườn rau nhỏ.
Nhắc nhớ chuyện cũ, Trung tướng Nguyễn Thành Út kể: Ông sinh tỉnh Phú Yên, năm 18 tuổi, ông khoác ba lô “nhảy núi” theo bộ đội. Những năm chống Mỹ, ông trải qua nhiều vị trí công tác. Những năm tháng đầu quân ngũ ông từng làm công vụ cho Tỉnh đội trưởng Nguyễn Lầu (Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Sau đó ông thành chiến sĩ đặc công rồi lần lượt được điều về Sư đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Quân khu 7.
“Sau khi giải phóng miền Nam, cứ tưởng hòa bình rồi được về với gia đình, quê hương nhưng tiếng súng lại vang lên trên vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Tôi lại cùng đồng đội sang tận Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nước bạn khỏi họa diệt chủng của Khmer đỏ. Đến năm 1990, từ Quân khu 7, tôi được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam điều về làm Phó Chủ nhiệm Chính trị, rồi Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh Chính trị-Bí thư Đảng ủy Quân khu 5”-Trung tướng Nguyễn Thành Út hồi nhớ.
Nhấp ngụm trà nóng, ông bồi hồi xúc động trải lòng: “Thời điểm những năm 60-70, chiến trường rất khốc liệt. Với cái tầm giác ngộ, hiểu biết của một thanh niên tuổi mới mười tám đôi mươi, nếu không phải sinh ra trong gia đình cách mạng có khi tư tưởng tôi cũng dao động vì nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng cuối cùng, tôi đã trụ vững. Trước khi trở thành tướng lĩnh trong quân đội, tôi đã từng là một chiến sĩ lâu năm. Đây chính là khoảng thời gian đủ để tôi thấu hiểu và dành trọn tình thương của mình cho chiến sĩ. Vì vậy, dù ở vị trí nào, người chỉ huy cấp nào, kể cả lúc đảm nhận chức Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 5, tôi vẫn luôn quan tâm, gần gũi với chiến sĩ của mình”.
Trở lại Tây Nguyên để trả nợ ân tình
Tháng 8/2006, sau khi được nghỉ hưu theo chế độ, Trung tướng Nguyễn Thành Út quyết định đưa cả gia đình lên phố núi Pleiku sinh sống. Khi biết quyết định của ông, nhiều bạn bè, người thân phản đối, thậm chí còn nói ông “gàn dở”. Họ đặt câu hỏi: “Tại sao không ở Đà Nẵng, một thành phố đáng sống? Hay trở về quê hương Phú Yên, thành phố biển trong lành, có bà con dòng họ thân thuộc với bao kỷ niệm”. Lý do ông lựa chọn Pleiku giản dị như một mối lương duyên, mà đã là duyên thì không thể khác. Cũng may vợ ông, bà Lê Thị Hiền Linh rất hiểu và ủng hộ quyết định của chồng. Bà giống ông ở lối sống giản dị, thiện lành, yêu mến và luôn hòa mình với thiên nhiên.
Một trong những điều mà tướng Út cho rằng không thể thay đổi được là khí hậu. “Tôi đã đi một số nước trên thế giới và rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng thấy không đâu bằng phố núi Pleiku. Đất đai ở đây màu mỡ, khí hậu tốt, 1 ngày có 4 mùa: sáng mùa xuân, trưa mùa hè, chiều mùa thu và tối mùa đông. Mùa hè không quá nóng, mùa đông không quá lạnh, rất tốt cho sức khỏe tuổi già”- Tướng Út nói về lý do chọn Pleiku để gắn bó những năm cuối đời.
Tuy nhiên lý do lớn nhất níu chân ông đến với Gia Lai đó là khi trở lại đây sinh sống, ông được trở về với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, về với đồng bào các dân tộc một thời đã giúp đỡ, cưu mang “Bộ đội Cụ Hồ” nói chung, các đơn vị của Quân đoàn 3, Quân khu 5 nói riêng. Nơi đây, đã có những năm tháng tuổi trẻ của ông gắn bó với mảnh đất này.
Vị tướng ngoài tuổi 80 bộc bạch, chiến tranh đi qua nhưng nhiều đồng đội của ông vĩnh viễn gửi lại thanh xuân cho Tổ quốc. Bản thân ông cảm thấy rất may mắn khi còn được trở về, được tiếp tục sống và cống hiến. “Không ít người trong số đồng đội của tôi còn sống nhưng bị bệnh tật dày vò do di chứng của chất độc hóa học, do những mảnh đạn bom còn nằm trong cơ thể nhưng ngày ngày vẫn phải vật lộn với cuộc sống để lo miếng cơm manh áo nuôi gia đình. Có những người mẹ đã hiến dâng chồng con mình cho đất nước và họ đã hy sinh những gì quý giá nhất của bản thân để cho thế hệ trẻ được hạnh phúc vẹn toàn. Nhiều gia đình bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai, Tây Nguyên đã nhịn ăn, nhịn uống để hỗ trợ gạo, muối, nước cho bộ đội huấn luyện, chiến đấu. Những ân nghĩa đó cả đời này tôi khắc ghi, không bao giờ quên”, vị tướng nói về mối ân tình với vùng đất Tây Nguyên.
Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, mang trong mình nhưng thương tật của chiến tranh (ông là thương binh hạng 2/4) thế nhưng những ngày lễ, tết nếu sức khoẻ ổn định, ông đều đến các nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho đồng đội. Đặc biệt, vị tướng luôn khao khát được về từng buôn làng. Ông bảo “Mỗi khi về làng, được sống trong không khí chân chất của bà con Jrai, Bana lòng tôi lại như trẻ lại. Lại thấy mình không còn là ông già ngoài 80 mà vẫn là một “thằng Út” ngày nào. Đầy sức sống!
Chia tay ông giữa trời Tây Nguyên xanh trong lồng lộng, tôi vẫn nhớ câu nói của ông trước khi ra về: Thời gian trôi qua đã làm thay đổi nhiều thứ, nhưng có một thứ chắc chắn vẫn còn nguyên vẹn trong tôi, trong đồng đội tôi, đó là nghĩa tình, là ký ức về một thời cùng nhau sống chết, về những người dân không sợ hiểm nguy mà bao bọc, cưu mang che chở bộ đội. Rồi chính sự mộc mạc của những con người phố núi đã như níu bước chân tôi trở lại nơi này. Ngọn lửa nghĩa tình ấy càng khiến tôi yêu thương, gắn bó với Tây Nguyên, với phố núi Pleiku như quê hương ruột thịt”.
UYÊN THU