Cách trung tâm TP Tuyên Quang chừng 20km, chúng tôi tới thăm người nông dân, ông Nguyễn Văn Hoàn (trú tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), người chưa học hết cấp 3 nhưng chính ông là tác giả, người sáng chế, chế tạo thành công nhiều máy móc phục vụ cho nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc chè.
Tại đây, phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hoàn về những thành quả lao động, sáng tạo của ông.
PV: Xuất phát từ những lý do gì đã thúc đẩy ông, một người thuần nông, chưa từng qua đào tạo lại có thể chế tạo được những máy móc, thiết bị hữu ích cho người nông dân?
Ông Nguyễn Văn Hoàn: Thời còn là học sinh phổ thông, tôi rất thích học môn vật lý cộng với trong sản xuất gặp nhiều khó khăn nên cái khó ló cái khôn. Hàng ngày, tôi cùng bà con mưu sinh bằng cây chè. Vì thế, chúng tôi dồn toàn tâm, toàn ý vào việc chăm sóc cho cây chè để phát triển cả về chất lượng và số lượng.
Việc chăm sóc cho cây chè cũng không đơn giản chút nào, vừa phải có kỹ thuật, vừa phải có kinh nghiệm, làm thế nào để cho năng suất cao nhưng sức lao động của con người phải giảm đi.
Trong việc chăm sóc chè thì hàng năm phải đốn chè một lần, công việc này rất vất vả. Trong đầu tôi nghĩ làm thế nào để giảm bớt nỗi nhọc nhằn trong việc đốn nhiều ha chè.
Chính vì những suy nghĩ đó, năm 2003, tôi đã cải tiến và thiết kế lưỡi của dao đốn chè. Khi đốn chè, người nông dân phải cầm trên tay máy đốn chè và phải chịu lực rung trong nhiều giờ đồng hồ. Do đó, tôi tập trung vào chất liệu con dao xén chè và hình dáng, trọng lượng con dao, vì chất liệu không tốt dễ gây nguy hiểm tính mạng cho người sử dụng.
Mấy ông người Nhật tới nhà tôi chơi, họ xem con dao xén chè của tôi họ thích lắm, họ chụp ảnh mang về nước họ. Họ cũng tỏ ra rất mến tôi trong buổi tiếp xúc, điều đó khiến tôi rất vui và tự hào vì tôi là một nông dân ở nơi đèo heo hút gió mà họ cũng biết tới thăm tôi.
PV: Sau máy xén chè, còn thiết bị, máy móc gì đề chăm sóc vườn chè được tốt và thuận tiện?
Ông Nguyễn Văn Hoàn: Với phương châm sản xuất ra những sản phẩm chè sạch nên chúng tôi không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật mà sâu chè thì nhiều vô kể.
Trong khi đó công việc bắt sâu phải làm thủ công, đây là công việc tốn nhiều thời gian, công sức và hiệu quả không cao. Vì thế, tôi đã thiết kế chiếc máy bắt sâu ra đời vào năm 2008. Từ khi có máy bắt sâu, gia đình tôi và bà con trong xã chuyển đổi sản xuất chè đại trà sang sản xuất chè sạch, chè đặc sản.
PV: Ngoài dao xén chè, máy hút sâu, ông còn sáng chế ra thiết bị máy móc nào để phục vụ cho công việc nhà nông nói chung?
Ông Nguyễn Văn Hoàn: Tôi lao động ở công đoạn nào mà thấy vất vả thì tôi liền nảy ra ý tưởng để sáng chế, cải tiến. Ví dụ năm 2012, tôi sáng chế ra máy vừa gieo hạt, vừa bón phân hay như thang nâng mía thay hoàn toàn sức người, tăng năng suất và hiệu quả.
PV: Tôi rất ngưỡng mộ về thành quả lao động của ông trong sáng chế, chế tạo và cải tiến máy móc phục vụ trong nông nghiệp. Điều tôi băn khoăn là tại sao ông không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ từ những sản phẩm máy móc do chính ông sáng chế, cải tiến?
Ông Nguyễn Văn Hoàn: Tôi chỉ nghĩ đơn giản, trước tiên là giúp chính bản thân mình, gia đình mình, sau đó giúp bà con nông dân để họ bớt vất vả nhọc nhằn. Nếu có thể, tới đây tôi sẽ đăng ký cho mình một sản phẩm mà tôi đã sáng chế và cải tiến, đó là chiếc ghế có điều khiển. Chiếc ghế có thể nâng lên, hạ xuống, xoay nghiêng dành cho người bị liệt chi.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tags: