Các đối tượng đã nhập viên con nhộng, vỏ hộp nhựa chưa dán tem nhãn của sản phẩm nhãn hiệu ALIPAS mang về đóng gói, bán thông qua công ty vận chuyển đưa đến cho khách hàng.
Ngày 26/9, Công an TP Hà Nội thông tin, đơn vị này đang trong quá trình điều tra làm rõ vụ án mua bán thực phẩm chức năng ALIPAS giả thông qua công ty vận chuyển đưa đến cho khách hàng.
Cơ quan điều tra xác định, vào đầu tháng 1/2024, tổ công tác Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội phối hợp Phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an phát hiện Trịnh Ngọc Phương (SN 1994) trú tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đang mang theo 1 kiện hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn.
|
Sản phẩm thực phẩm chức năng nhãn hiệu Men’s Ginseng ALIPAS giả bị cơ quan chức năng phát hiện. |
Quá trình kiểm tra, cơ quan công an phát hiện bên trong thùng carton có chứa 40 hộp sản phẩm thực phẩm chức năng nhãn hiệu ALIPAS không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, cơ quan chức năng xác định 40 hộp sản phẩm thực phẩm chức năng này là hàng giả. Khám xét khẩn cấp tại nơi ở của Trịnh Ngọc Phương, cơ quan công an phát hiện, thu giữ thêm 124 hộp thực phẩm chức năng nhãn hiệu Men’s Ginseng ALIPAS giả.
Tại cơ quan điều tra, Trịnh Ngọc Phương khai nhận 40 hộp sản phẩm thực phẩm chức năng nhãn hiệu ALIPAS mua của đối tượng Phùng Thị Mai (SN 1993) ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Cơ quan công an đã thu giữ tại nơi ở của Phùng Thị Mai 1.000 gam viên con nhộng màu xám, 700 gam viên con nhộng màu xanh, 440 tem niêm phong đề chữ Alipas, 76 vỏ hộp đề chữ Alipas, 350 giấy hướng dẫn sử dụng sản phẩm Alipas, 120 chiếc tem dán lọ sản phẩm in chữ Alipas, 162 vỏ lọ thủy tinh, 9kg bột nguyên liệu, 3 bộ khay dập viên thuốc con nhộng, 2.400 nắp lọ.
Phương cũng khai, số hộp ALIPAS giả còn lại Phương khai mua của Trần Thanh Xuân (SN 2000) trú tại xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Cơ quan công an cũng xác định, Trần Thanh Xuân là chủ gian hàng có tên “Trung tâm thuốc nam” đang có 90 hộp sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu Men’s Ginseng ALIPAS giả gửi tại kho hàng Công ty CP Giao hàng tiết kiệm. Khám xét nơi ở của Trần Thanh Xuân, cơ quan công an tiếp tục phát hiện và thu giữ 22 hộp sản phẩm thực phẩm chức năng nhãn hiệu Men’s Ginseng ALIPAS cũng là hàng giả.
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội xác định từ khoảng cuối tháng 7/2023, Xuân bắt đầu kinh doanh thực phẩm chức năng ALIPAS giả cùng với nhóm Mai Văn Phương (SN 1999) trú tại xã Nga Trung, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Vũ Quang Trường (SN 1999) ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm.
Tại nhà của Mai Văn Phương, cơ quan điều tra đã phát hiện, thu giữ 163 hộp sản phẩm thực phẩm chức năng nhãn hiệu Men’s Ginseng ALIPAS; 2.000 lọ thủy tinh; 3 khay nhựa đếm thuốc viên nang thủ công; 17 kg tem, nhãn, mác, vỏ hộp; 10 kg nắp chai, lọ bằng nhựa; 6kg túi bột màu xám.
Quá trình điều tra xác định, tháng 9/2023, Mai Văn Phương rủ và thỏa thuận với Vũ Quang Trường cùng kinh doanh thực phẩm chức năng ALIPAS giả. Trong đó, Phương đặt mua viên con nhộng, vỏ hộp nhựa chưa dán tem nhãn của sản phẩm nhãn hiệu ALIPAS còn Trường có vai trò chạy quảng cáo, maketing trên các nền tảng mạng xã hội. Sau một thời gian kinh doanh có lãi, Phương thuê thêm nhân viên chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.
Hàng tháng, Mai Văn Phương nhập mỗi lần 5.000 - 7.000 viên nhộng giả ALIPAS và 500 - 600 vỏ hộp tương ứng cùng bộ tem nhãn giả mang về nhà. Ban ngày Phương cho viên nhộng vào vỏ hộp, đến đêm mới dán tem nhãn giả ALIPAS để hoàn thiện sản phẩm. Sau khi hoàn thiện, Phương trực tiếp vận chuyển đến kho hàng của công ty vận chuyển ship cho khách.
Sau khi điều tra, tổng hợp chứng cứ, căn cứ vào hành vi của các đối tượng, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Mai Văn Phương, Trịnh Ngọc Phương, Phùng Thị Mai, Trần Thanh Xuân và Vũ Quang Trường.
Hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Do đó, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS). Về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả: Điều 192 BLHS quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc các trường hợp được quy định thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với hành vi này là từ 07 năm đến 15 năm tù, khi có tình tiết sau: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Điều 226 BLHS quy định người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Xâm phạm với quy mô thương mại; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng. Nếu thực hiện hành vi giả mạo nhãn hiệu thuộc một trong các trường hợp sau, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu 500.000.000 đồng trở lên; Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên. |