Đà Nẵng sôi động với Hội nghị Thượng đỉnh APEC và cuộc họp bên lề giữa 11 nền kinh tế APEC thành viên TPP bàn thảo số phận khi không còn Mỹ.
|
Ở Đà Nẵng, TPP đã lột xác, trở thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ảnh: T.L |
Sau những ngày đàm phán căng thẳng, cuối cùng số phận đó đã được quyết định. TPP sẽ tái sinh dưới tên gọi mới - “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương”, với nội dung không thay đổi so với TPP, chỉ tạm hoãn một số cam kết, chờ Mỹ quay lại. Một kết quả không thể tốt hơn.
Những cung bậc cảm xúc
Mừng rỡ là cảm giác chung của nhiều người khi nghe thấy những thông tin phát đi từ Đà Nẵng trong cuộc họp báo trưa ngày 11-11-2017 về TPP.
Sáng 8-11, các bộ trưởng các nền kinh tế thành viên TPP bước vào cuộc họp về số phận hiệp định này. Trước đó, các đoàn đàm phán đã cật lực làm việc từ đầu tuần để chuẩn bị về kỹ thuật cho cuộc họp cấp bộ trưởng này. Đặt cược hy vọng!
Chiều 9-11, tại cuộc họp báo về Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM), khi được săn đón về TPP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam nói nước đôi, với một kiểu rất quen, rằng các bên đang rất nỗ lực, nhưng vẫn còn nhiều thứ để bàn. Gần một tuần đàm phán nước rút mà TPP “tiến bộ” chỉ thế thôi ư? Bắt đầu gờn gợn!
22 giờ đêm 9-11, các bộ trưởng TPP rời phòng họp. Bộ trưởng Kinh tế Mexico giơ ngón cái, ý chừng rất hài lòng. Bộ trưởng Bộ Thương mại Úc phấn khởi “cuộc họp rất tốt”. Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật tổ chức họp báo chớp nhoáng, khẳng định “đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc”. Thật là mừng rỡ!
Không thể tốt hơn bởi 20 điểm thống nhất tạm hoãn tuyệt đại đa số đều là các cam kết từng xuất phát từ yêu cầu cứng rắn của Mỹ mà nhiều thành viên TPP đã phải ngậm đắng nuốt cay mà chấp nhận, để đổi lấy các lợi ích khác từ nước này.
Rạng sáng 10-11, trên Twitter, Bộ trưởng Bộ Thương mại Canada bất ngờ viết “Dù có các thông tin, vẫn chưa có thỏa thuận căn bản về TPP”. Một thành viên trong đoàn của ông cáo buộc “Tình hình vẫn chưa rõ ràng, Nhật Bản đã vội vàng. Vẫn chưa có thỏa thuận căn bản (về TPP)”. Ngơ ngác!
10 giờ sáng ngày 10-11, các trưởng đoàn đàm phán TPP bước vào cuộc họp vốn không có trong lịch trình, để “giải quyết một số vướng mắc không thể không xử lý”. Tới trưa, từ câu nói loáng thoáng của Thủ tướng Malaysia, người ta mới biết ngay trước nửa đêm qua, các bộ trưởng TPP đã phải quay lại, thảo luận tới tận 3 giờ sáng. Cũng buổi trưa ấy, cuộc họp giữa Thủ tướng Nhật và Thủ tướng Canada kéo dài gấp đôi so với dự kiến. Lo lắng từ từ lan!
Chiều 10-11, cuộc họp lãnh đạo cấp cao nhất các nền kinh tế TPP dự kiến lúc 13 giờ 45 phút đã không thể bắt đầu do Thủ tướng Canada không đến dự họp. Tin lập tức lan như bão, nói Canada muốn rút khỏi đàm phán TPP, chưa rõ lịch trình tiếp theo của TPP. Thất vọng tràn đầy!
Tối 10-11, lại có tin các bộ trưởng TPP, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Canada, đang đàm phán rất cấp tập suốt từ chiều để giải quyết những tồn tại giữa các bên. Hy vọng nhen nhóm!
Đêm 10-11, tan họp, các Bộ trưởng TPP, kể cả Canada, hồ hởi xác nhận các bên đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc. Lại khấp khởi mừng!
Trưa 11-11, tại cuộc họp báo do Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đồng chủ trì, Tuyên bố chung chính thức, bằng văn bản của các bộ trưởng TPP, đã được công bố. Kèm theo đó, hơn cả ngạc nhiên, còn có hai phụ lục nêu rõ các nội dung hiệp định dự kiến. Kết quả đã được xác nhận, đàm phán đã tiến được một bước rất dài, và chỉ còn một số việc cuối cùng, để TPP chính thức tái sinh.
Vậy là ở Đà Nẵng, TPP đã lột xác, trở thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Một cuộc lột xác không thể ngoạn mục hơn.
Chiếc áo mới CPTPP
“Bình mới rượu cũ” là một cách nói mang hàm ý chê bai. Hoàn toàn không thích hợp để nói về CPTPP.CPTPP là tên mới của Hiệp định TPP không Mỹ. Đúng là một cái vỏ mới với ruột là nguyên vẹn cam kết TPP cũ, điểm khác biệt duy nhất là sẽ có một số cam kết tạm hoãn, chưa thực thi.
Nhưng “bình mới”, là để hiệp định có thể có hiệu lực ngay, mang lại lợi ích sớm ngày nào tốt ngày ấy cho các thành viên TPP, trong hoàn cảnh chưa có Mỹ. “Rượu cũ”, là để giữ nguyên trạng người cũ cảnh đây, đặng Mỹ có thể quay về bất kỳ khi nào. “Bình mới rượu cũ” này, vì vậy, lại là điều được chờ mong, là kết quả mà 11 nước phải rất vất vả mới có thể đạt được.
Suy xét cẩn thận nội dung Tuyên bố chung và hai phụ lục kèm theo, người khó tính cũng chỉ có thể nói: đây là kết quả không thể tốt hơn.
Không thể tốt hơn bởi theo kết quả này thì TPP gần như sẽ được tái sinh toàn vẹn qua CPTPP, với việc tiếp tục thực hiện toàn bộ 8.000 trang cam kết TPP, chỉ trừ có 20 điểm tạm hoãn và bốn điểm còn xem xét. Kể cả khi bốn điểm đang xem xét đó cũng được thống nhất tạm hoãn đi nữa, thì tỷ lệ rất nhỏ các cam kết tạm hoãn sẽ khiến CPTPP hầu như không sứt mẻ gì so với TPP.
Nếu CPTPP với các nội dung này trở thành hiện thực, các nước TPP có thể thực hiện hoàn hảo lời hứa, rằng sẽ tiếp tục một hiệp định tiêu chuẩn cao về tự do hóa thương mại và đầu tư, một hiệp định “toàn diện và tiến bộ”.
Không thể tốt hơn bởi 20 điểm thống nhất tạm hoãn tuyệt đại đa số đều là các cam kết từng xuất phát từ yêu cầu cứng rắn của Mỹ mà nhiều thành viên TPP đã phải ngậm đắng nuốt cay mà chấp nhận, để đổi lấy các lợi ích khác từ nước này.
Nhìn mà xem. Một nửa trong đó là các cam kết về sở hữu trí tuệ kiểu Mỹ, nghiêng hẳn về phía bảo vệ quyền lợi của người sở hữu sáng chế (đặc biệt là dược phẩm), mở rộng các trường hợp được bảo hộ, thời gian bảo hộ, phạt nặng các trường hợp phá mã, vi phạm... Một số liên quan tới chủ trương của Mỹ trong gia tăng bảo hộ quyền của nhà đầu tư của mình ở nước ngoài, trong hoạt động bình thường cũng như tranh chấp với cơ quan phụ trách đầu tư nước sở tại. Ngoài ra, còn có một vài cam kết khác về lao động, dịch vụ chuyển phát... cũng từ các đòi hỏi của các nhóm lợi ích ở Mỹ.
Việc các cam kết này bị tạm hoãn rõ ràng sẽ là một lý do thu hút Mỹ quay trở lại với TPP, cũng không làm mất vốn liếng để các thành viên TPP đàm phán với Mỹ, nếu cần, giả dụ như Canada, Mexico. Trong khi đó, với số lượng ít ỏi, chúng sẽ không cản trở các tiêu chuẩn cao khác trong CPTPP.
Đêm dài lắm mộng
Những ai đã từng phập phồng theo dõi diễn biến cuộc lột xác ba ngày của TPP tuần rồi ở Đà Nẵng có lẽ rất thấm thía câu nói này.
Mặc dù kết quả mà các thành viên TPP đạt được ở Đà Nẵng là trên cả kỳ vọng. Mặc dù các vấn đề đã thống nhất hay chưa thống nhất đều đã được khoanh vùng rất rõ ràng, thỏa thuận giấy trắng mực đen khó có thể rút lại tùy tiện. Mặc dù con đường trước mắt chỉ còn vài bước chân để tới đích...
Nhưng, cho tới khi CPTPP chính thức được ký kết, ai có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra?
Liệu ở đâu đó các nhóm ý kiến phản đối TPP có lại trỗi dậy như hồi tháng 7 ở Malaysia? Canada-Mexico liệu có gặp khó với Mỹ như lúc tháng 8? Liệu có cá nhân nào đặc biệt quan trọng trong sự đồng thuận cho TPP ở một nước nào đó từ chức như ở Nhật hồi tháng 9? Hay một lãnh đạo mới nào đó có thể yêu cầu xem xét lại điều khoản nào đó trong TPP như ở New Zealand giữa tháng 10?
Thật mong thời gian tới các thành viên TPP có thể tiếp tục tinh thần quyết liệt trong APEC tại Đà Nẵng. Để các bên có thể nhanh chóng thống nhất về bốn điểm còn lại, để xây dựng Thỏa thuận chính thức, để hoàn tất rà soát. Và để sớm ký kết chính thức CPTPP.
Đừng để đêm dài lắm mộng.