Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính vừa công bố Báo cáo đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính năm 2018 (ICT Index ngành Tài chính 2018). Kết quả, ở khối TƯ, năm 2018, Tổng cục Hải quan xếp vị trí thứ 3.
|
Cán bộ hải quan làm thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa. |
Bắt đầu từ năm 2008, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính triển khai xây dựng ICT Index hàng năm của ngành Tài chính để xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Ngành từ Trung ương đến địa phương, đồng thời phục vụ trực tiếp việc cung cấp số liệu hàng năm để xây dựng ICT Index của Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam thực hiện.
ICT Index ngành Tài chính giúp cho các đơn vị của ngành Tài chính hiểu rõ về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị để có các biện pháp, chính sách phù hợp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả phục vụ các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Ngành, địa phương và doanh nghiệp.
ICT Index ngành Tài chính 2018 được xây dựng hoàn chỉnh hơn so với các năm trước trên cơ sở các nhóm đối tượng theo tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính, trong đó có nhóm các đơn vị cấp tỉnh, TP theo hệ thống ngành dọc và nhóm các Sở Tài chính được tách riêng để phù hợp trong việc đánh giá, xếp hạng.
Các chỉ tiêu trong phiếu điều tra năm 2018 đã được lược bỏ khá nhiều chỉ tiêu không phù hợp nhằm đơn giản hóa công tác thu thập số liệu, chỉ tiêu được điều chỉnh dễ hiểu hơn, khắc phục được những số liệu sai lệch thiếu chính xác do người cung cấp số liệu hiểu không đúng với yêu cầu của phiếu điều tra.
Tổng cục Hải quan cho biết, 2018 là năm đầu tiên Cục Tin học và Thống kê tài chính áp dụng phương pháp tính của Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc, thay cho phương pháp Phân tích thành phần chính đã được sử dụng suốt trong 9 năm vừa qua.
ICT Index ngành Tài chính 2018 được khảo sát trên 2 khối với 252 đối tượng gồm: Khối các cơ quan Trung ương của các hệ thống có 6 đối tượng; khối các đơn vị cấp tỉnh, thành phố (Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước) có 246 đối tượng.
Với 27 nhóm chỉ tiêu, ICT Index ngành Tài chính 2018 tập trung vào các lĩnh vực sau: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (6 chỉ tiêu); ứng dụng công nghệ thông tin (9 chỉ tiêu); nhân lực công nghệ thông tin (8 chỉ tiêu); đầu tư cho công nghệ thông tin (4 chỉ tiêu).
Kết quả đánh giá cho thấy, ở khối TƯ: Năm 2018, Tổng cục Thuế dẫn đầu, vị trí thứ 2 thuộc về Cơ quan Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xếp vị trí thứ 3.
Ở nhóm Sở Tài chính tỉnh, TP, Sở Tài chính Hà Nội tiếp tục dẫn đầu, vị trí thứ 2 thuộc về Sở Tài chính Đà Nẵng và sau đó là Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long.
Trong nhóm Kho bạc Nhà nước tỉnh, TP, Kho bạc Nhà nước tỉnh Hậu Giang vươn từ vị trí thứ 3 năm 2017 lên xếp thứ 1, tiếp đó là Kho bạc Nhà nước tỉnh Bạc Liêu và Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang.
Nhóm Cục Thuế tỉnh, thành phố, Cục Thuế tỉnh Kon Tum đã có bước chuyển ngoạn mục từ vị trí 30 năm 2017 lên vị trí dẫn đầu trong năm 2018; vị trí thứ 2 thuộc về Cục Thuế tỉnh Lai Châu và vị trí thứ 3 thuộc về Cục Thuế tỉnh Đồng Nai.
Trong bảng xếp hạng của các Cục Hải quan địa phương, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam cũng bứt phá từ vị trí thứ 3 năm 2017 lên vị trí thứ 1. Các vị trí sau đó thuộc về Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk và Cục Hải quan Quảng Ninh.
Đối với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình tiếp tục giữ vị trí đứng đầu, dẫn trước Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ.
Các chỉ số được Cục Tin học và Thống kê tài chính đánh giá trên cơ sở các số liệu thu thập được từ các nguồn tin cậy và từ các số liệu thực tế. Có thể nói, thông qua số điểm và thứ hạng của ICT Index, có thể đánh giá được tương quan phần nào thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị thuộc ngành Tài chính.