Đà Nẵng vừa có một Đề án tiến cử cán bộ trẻ, dưới 35 tuổi đảm nhận các chức vụ chủ chốt của thành phố.
|
Cán bộ trẻ dưới 35 tuổi ở Đà Nẵng với những tiêu chuẩn nhất định theo theo đề án sẽ được tiến cử làm lãnh đạo chủ chốt. (Ảnh: Thanh niên) |
Đây là đề án xuất hiện đầu tiên của nước ta, kết quả cần phải có thời gian để kiểm nghiệm, song rõ ràng đã thể hiện một tư duy mới trong việc đề bạt và bổ nhiệm cán bộ.
Trước hết, việc tiến cử được tiến hành công khai, minh bạch, khác xa với thực tế hiện nay là có sự giới thiệu dấm dúi, nhờ vả bí mật để bất ngờ người ta thấy một cán bộ lãnh đạo trẻ xuất hiện và các cán bộ già hỏi nhau: “Đồng chí này là con đồng chí nào?”.
Đề án cũng nêu rõ trách nhiệm cá nhân của người tiến cử, ông ta không vô can mà chịu chế tài nếu người được ông ta tiến cử không xứng đáng, bộc lộ những sai sót trong công việc, không “đủ tâm, đủ tầm”.
Quy định này đã loại bỏ việc tiến cử người nhà chứ không phải người tài và do việc tiến cử công khai nên những người tự trọng chẳng bao giờ lại tiến cử con cháu mình cả.
Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp cán bộ lãnh đạo nhờ nhau tiến cử hộ. Đề án này khuyến khích những cán bộ cao tuổi “nhường ghế” cho lớp trẻ.
Thực tế, không ít trường hợp và có thể trở thành xu hướng chung là tâm lý “tham quyền cố vị”, cứ lỳ ra với lý do chưa tìm được người thay thế xứng đáng.
Hoặc nếu buộc phải về hưu thì cũng tìm cách nán lại cơ quan với chức danh “trợ lý” hoặc “cố vấn”, nếu không được ở lại thì “dọn sẵn” cho mình một con đường là về hội nọ, hội kia, tổ chức này, tổ chức khác.
Hiện tượng bị phanh phui cách đây không lâu là một số vị Thứ trưởng trở lên cứ về hưu là xin lập hội đã chứng minh điều này.
Hoặc, có hiện tượng bố nghỉ thì con thế chỗ, cái kiểu “tập ấm” thời phong kiến manh nha quay trở lại trong xã hội hiện đại.
Thêm nữa là tình trạng mẹ bổ nhiệm con, chồng quy hoạch vợ khiến cơ quan có tính chất của “gia đình trị”. Tình trạng “cả nhà làm quan” không chỉ ở 9 đơn vị vừa được Bộ Nội vụ kiểm tra mà còn xuất hiện ở một số nơi, từ cấp xã trở đi.
Vậy, Đề án này của Đà Nẵng vừa là sự công khai hóa và đồng thời cho phép một hình thức hợp pháp trong lĩnh vực tổ chức cán bộ là “tiến cử”, thế hệ trước có trách nhiệm với thế hệ sau và người tài thực sự lọt vào “mắt xanh” của các bậc tiền bối khỏi phải “đi đêm”.
Mới đây, Hà Nội vừa tuyển thẳng 25 thủ khoa xuất sắc vào biên chế và đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội “trải thảm đỏ” đón người tài.
Ở một số địa phương từng tổ chức các cuộc gặp gỡ rầm rộ, hứa hẹn ưu đãi người tài, thế nhưng, sau đó mọi việc đi vào quên lãng. Các cử nhân tốt nghiệp thủ khoa, loại giỏi lại phải tự kiếm việc làm hoặc nếu muốn vào biên chế chẳng có con đường nào khác là “đi chui”.
Nhân cách một cán bộ nhà nước bị phá hỏng ngay từ đầu thì làm sao anh ta trở thành một công chức gương mẫu, mẫn cán được. Yếu tố con người là quan trọng nhất, ai cũng hiểu điều đó quyết định mọi thành công hay thất bại ở bất cứ lĩnh vực nào.
Nếu hành động không hay, sẽ dẫn đến một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, số công chức “cắp ô” tăng lên và tất yếu những người thực sự tài năng không có môi trường phát triển.