Vừa qua, dư luận xôn xao với thông tin do Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Hà Nội đưa ra. Theo đó, trong số hơn 700 cán bộ, phóng viên, người lao động ở cơ quan báo chí này, có tới 40% người làm việc yếu kém, mà trong đó có bộ phận “con ông này, cháu bà kia”.
|
Ảnh minh họa |
Trong khi nghề báo là một trong những nghề chọn người rất khắt khe, không phải ai tốt nghiệp đại học, kể cả chuyên ngành báo chí - truyền thông cũng theo được. Vì ngoài những kiến thức cơ bản được đào tạo trên ghế nhà trường, người làm báo phải có tố chất, năng khiếu báo chí.
Thực ra, câu chuyện của Đài PTTH Hà Nội không phải cá biệt. Không ít cơ quan, đơn vị sự nghiệp vẫn được ví von vui là “nhà trông trẻ” vì tình trạng “gửi gắm” con em quan chức vào trong bộ máy. Cách đây 50 năm, chắc chắn thế, dân gian đã tổng kết “chủ nghĩa 4C” – “con cháu các cụ” rồi thành “nhiều C” – “con cháu, chút chít các cụ” trong bộ máy nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Bởi có 2 lý do: “vào Nhà nước” được coi là “phát triển” ổn định, bền vững nhất của một đời người và tâm lý phong kiến của người Việt Nam trải hàng ngàn năm đã là “một người làm quan cả họ được nhờ”. Người ta thấy một sự thật hiển nhiên, không “quan” nào từ cấp xã, phường, thị trấn nghèo. Tội gì không đưa nhau vào, chắc “lộc lá” hẳn nhiều?
Thậm chí, cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước bằng cấp rất nhiều nhưng không biết làm gì, thạo việc, được việc nhiều khi không phải ở những cán bộ có lý lịch “hoành tráng”, nhiều bằng. Phải nói bộ máy ngày càng trì trệ, gần 20 năm qua thực hiện Chương trình cải cách hành chính không đạt được kết quả mong muốn cũng chính do cán bộ con em cháu cha, khép kín.
Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề: làm thế nào để “khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền hay thân quen, cánh hẩu?”. Không chỉ thế, còn phải chỉ ra “chủ nghĩa con em”, “chủ nghĩa hậu duệ” nữa. Để có thể giải quyết gốc rễ của vấn đề, trước tiên cần một bước đột phá quan trọng trong chính sách, và không có gì tốt hơn là phải công khai, minh bạch trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm.
Sáng 11/7 làm việc với Bộ Công Thương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt đánh giá cao việc Bộ này đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh. “Đây là điểm nhấn và Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong cải cách hành chính”; “Buổi làm việc hôm nay và thực tế cho thấy chúng ta đang có khí thế, đang có quyết tâm mới, có ý chí mới, xốc lại đội ngũ, tiếp tục tiến lên. Đây là việc vô cùng quan trọng”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Vâng, không xốc lại đội ngũ thì sẽ không bao giờ bắt kịp xu thế nữa, không chỉ riêng ngành Công Thương.