Trên 50.000 lon "Bò húc" có dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu Redbull đang chuẩn bị đưa ra tiêu thụ phục vụ Tết 2025 cùng hàng trăm nghìn vỏ lon chưa qua sử dụng vừa bị lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, kiểm tra và tạm giữ.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm. (Ảnh: dms.gov.vn) |
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường, triển khai biên bản hợp tác giữa Tập đoàn TCP Thái Lan - nhà sản xuất nước tăng lực Red Bull với Tổng cục QLTT trong công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngay khi nhận được thông tin phản ánh của Công ty luật TNHH IP MAX – Đại diện Sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu Redbull tại Việt Nam, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục Nghiệp vụ QLTT chủ trì, phối hợp với Cục QLTT thành phố Hà Nội và Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh nhanh chóng triển khai hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.
Theo đó, ngày 03/12/2024, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất điểm kinh doanh đồ uống trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện 3.000 lon nước uống tăng lực đang được tiêu thụ trên thị trường Hà Nội mang các dấu hiệu xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu được bảo hộ của Tập đoàn TCP.
Kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra phát hiện, trên sản phẩm vi phạm thể hiện thông tin sản phẩm được sản xuất tại một cơ sở trên địa bàn thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngay khi nhận được thông tin, Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT đã khẩn trương phối hợp với Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra cơ sở sản xuất số sản phẩm vi phạm này ngay trong ngày.
Theo đó, chiều ngày 03/12, Đoàn kiểm tra số 2 Cục Nghiệp vụ QLTT, phối hợp với Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh và các lực lượng chức năng địa phương tiến hành kiểm tra đối với Chi nhánh Công ty cổ phần chế biến thực phẩm và nước giải khát V.M., do ông H.T.Đ. làm Giám đốc.
|
Lượng lớn sản phẩm thành phẩm mang nhãn hiệu RedBlue, được đóng gói trong các thùng carton.(Ảnh: dms.gov.vn) |
Nhà máy vẫn hoạt động bình thường thời điểm lực lượng chức năng có mặt kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận tại Nhà máy đã sản xuất lượng lớn sản phẩm thành phẩm mang nhãn hiệu RedBlue, được đóng gói trong các thùng carton cùng nhãn hiệu, sẵn sàng cho việc vận chuyển đi tiêu thụ. Bên cạnh đó, tại Nhà máy cũng chứa trữ rất nhiều các vỏ lon nước tăng lực chưa quả sử dụng.
Kiểm đếm thực tế, Đoàn kiểm tra đã ghi nhận 2.100 thùng nước tăng lực, tương đương với 50.400 lon sản phẩm mang nhãn hiệu RedBlue đang chuẩn bị đưa ra tiêu thụ phục vụ Tết 2025 cùng gần 114.000 vỏ lon nước uống tăng lực RedBlue, trên 37.000 vỏ lon nước uống tăng lực mang nhãn hiệu RedBest chưa qua sử dụng.
Bước đầu kiểm tra, Đoàn kiểm tra nhận định toàn bộ số hàng hóa lực lượng QLTT phát hiện tại Chi nhánh Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm và Nước giải khát V.M có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ. Theo đó, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm.
Nhãn hiệu là gì? Theo Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, khoản 83 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 và điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 thì: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Theo quy định này thì nhãn hiệu được phân loại như sau: - Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. - Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. - Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam. Thế nào là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu? Điều 77 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định: Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn với hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ. Theo đó, yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn với hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ. |