Ngày 23/10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị "Triển khai chuyển đổi số ngành Tư pháp và vai trò của người đứng đầu", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Mai Lương Khôi đồng chủ trì Hội nghị.
|
Hội nghị Triển khai chuyển đổi số ngành Tư pháp và vai trò của người đứng đầu. (Ảnh: PLVN/ Lê Hồng) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết rất quan trọng về chuyển đổi số với tựa đề "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới".
Đây chính là lời hiệu triệu để toàn đảng, toàn dân cùng quyết tâm thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.
Chỉ trong 03 tháng vừa qua, Chính phủ, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức 03 hội nghị, sự kiện quan trọng dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với thông điệp xuyên suốt là: Quyết tâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả!
“Bộ Tư pháp đã, đang và sẽ làm gì để thể hiện quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, đóng góp vào thành công chung của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, hiện thực hoá chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm "nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số", "đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại"?” - Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: PLVN/ Lê Hồng) |
Để đánh giá những kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của Bộ, Ngành Tư pháp trong năm 2025 và giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị các đồng chí tại Hội nghị trao đổi, thảo luận, hiến kế làm rõ các vấn đề sau: Phân tích, đánh giá vai trò của người đứng đầu đơn vị trong việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số;
Tập trung thảo luận đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ, ngành Tư pháp những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số tại Bộ, ngành Tư pháp; Xác định các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của Ngành Tư pháp trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; Đề xuất các cách tiếp cận mới, cách làm hay, cách làm đột phá để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp.
Chú trọng xây dựng thể chế, thúc đẩy các nhiệm vụ về số hóa, tạo lập dữ liệu số
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu đã báo cáo kết quả nổi bật trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp tính đến tháng 10 năm 2024 và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Cụ thể, hiện tại Bộ Tư pháp có 70 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, trong đó: có 24 thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến toàn trình, 34 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến một phần, 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Bổ trợ tư pháp được tiếp nhận và trả kết quả tại Sở Tư pháp.
Về tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến, tiêu biểu là lĩnh vực Đăng ký biện pháp giao dịch bảo đảm, số lượng hồ sơ chiếm khoảng 94% của toàn Bộ Tư pháp: Tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến đạt +84%; Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt +89%; Tỷ lệ hồ sơ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 96%.
Về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 53.17%; Tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt: 52.06%.
|
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: PLVN/ Lê Hồng) |
Tính đến tháng 6/2024, đã thu nhận hơn 1 triệu hồ sơ liên thông khai sinh; hơn 240 nghìn hồ sơ liên thông khai tử. Việc thực hiện liên thông điện tử đã giúp cắt giảm lượng hồ sơ, giấy tờ và thời gian thực hiện, tiết kiệm chi phí đi lại (nhóm khai sinh từ 21 ngày làm việc giảm xuống 04 ngày làm việc; nhóm khai từ từ 25 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc) được người dân ủng hộ, đồng tình cao.
Về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025. Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin) đã phối hợp với Bộ Công an (C06) thực hiện đợt cao điểm hỗ trợ các địa phương thực hiện kiểm thử toàn trình việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng VneID để sẵn sàng triển khai từ ngày 02/10/2024. Đến 10/10/2024, đã có 60/63 tỉnh/thành phố đã hoàn thành kết nối trên môi trường thử nghiệm; chờ rà quét, đánh giá an toàn an ninh thông tin để triển khai chính thức, trong đó có 10 địa phương đã sẵn sàng chạy chính thức.
Để thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024 “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số”, Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai các nhiệm vụ xây dựng thể chế, thúc đẩy các nhiệm vụ về số hóa, tạo lập dữ liệu số; đồng thời, chú trọng tập trung nguồn lực xây dựng, triển khai các CSDL quan trọng của ngành tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động quản trị nội bộ; Kinh tế số và Xã hội số (trong hoạt động công chứng, đăng ký biện pháp bảo đảm, đấu giá tài sản, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, PBGDPL, Trợ giúp pháp lý,...); công tác bồi dưỡng, phát triển nhân lực; Hạ tầng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng; Công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số; Công tác triển khai các dự án đầu tư ứng dụng CNTT đều có những kết quả tích cực.
Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Bkav đã trình bày chuyên đề về Phương pháp luận chuyển đổi số; Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Xuân Quý đã trình bày tham luận về “ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản trị nội bộ, cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính”; Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm Nguyễn Hồng Hải trình bày tham luận “Một số kinh nghiệm trong triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình về đăng ký biện pháp bảo đảm”,… Theo đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã trao đổi, cho ý kiến nhằm nâng cao vai trò của người đứng đầu và hiệu quả công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp.
Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan... phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số
Năm 2025 là năm cuối triển khai các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số theo Chiến lược, Chương trình của Chính phủ và Bộ Tư pháp giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư pháp tập trung, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu cơ bản của Chính phủ về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của giai đoạn 2021-2025, bao gồm cả các dự án CNTT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi. (Ảnh: PLVN/ Lê Hồng) |
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhận định, báo cáo, tham luận và các ý kiến góp ý tại Hội nghị đã đánh giá khá toàn diện các kết quả đạt được trong việc xây dựng, triển khai các ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian qua. Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được thực hiện từ sớm, đầy đủ; nhiều ứng dụng CNTT đã được xây dựng, triển khai phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ; phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công chức trong Ngành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Đặc biệt là kết quả ấn tượng của Hệ thống Đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản đã được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024; Triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; Nghị định 63/2024/NĐ-CP về thực hiện liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất; Triển khai thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác ứng dụng CNTT tin của Bộ ta còn một số tồn tại, hạn chế trước bối cảnh công nghệ phát triển rất nhanh, liên tục thay đổi, nâng cấp, đặc biệt là xu hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thời gian qua,... đặt ra rất nhiều thách thức tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai chuyển đổi số tại Bộ, ngành Tư pháp.
Để triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; khắc phục được hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện ứng dụng CNTT thời giai đoạn vừa qua - nhất là những tồn tại mang tính chủ quan, Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ quán triệt sâu rộng tới tất các cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị về tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan... phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số".
Đồng thời, Thủ trưởng các đơn vị phải thống nhất nhận thức về vai trò và yêu cầu của công tác chuyển đổi số, là nhiệm vụ chính trị và phải chịu trách nhiệm về kết quả chuyển đổi số trong đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách.
Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Công nghệ thông tin - đơn vị chuyên trách về CNTT, chuyển đổi số của Bộ chịu trách nhiệm về các hoạt động mang tính nền tảng, sử dụng chung trong toàn Bộ, Ngành Tư pháp; tập trung tham mưu triển khai hiệu quả các hoạt động nâng cao nhận thức, quy chế chính sách, giải pháp kỹ thuật công nghệ tới các hoạt động phối hợp công tác để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các hoạt động chuyển đổi số, nhất là cho Trung tâm Dữ liệu điện tử của Bộ Tư pháp; tăng cường các lớp đào tạo về chuyển đổi số, lãnh đạo trong thời kỳ chuyển đổi số…
Trong thời gian tới, Cục Kế hoạch - Tài chính tham mưu bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động chuyển đổi số của các đơn vị, nhất là các nhiệm vụ phát triển hạ tầng số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng; và các nhiệm vụ có tính nền tảng, dự án CNTT của Bộ Tư pháp.