Trong mấy ngày liền, nghị trường sôi động bởi các tranh luận của các đại biểu xung quanh các vấn đề “nóng” đang xảy ra trong xã hội như vụ việc ở Đồng Tâm, vụ án VN Pharma, vụ khăn lụa Khaisilk...
|
Đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) - Ảnh: Quochoi.vn |
Đặc biệt hấp dẫn là trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày hôm qua (2/11) khi đưa việc Thuận Phong (Đồng Nai) nghi sản xuất phân bón giả với vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng như việc xử lý chưa rõ ràng, thiếu nhất quán trong vụ rất nhiều tai tiếng này.
Rõ ràng rất nhiều cử tri đồng tình với ý kiến của hai đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Bá Sơn là không thể để vụ này “chìm xuồng”, “Quốc hội, Chính phủ đeo bám, chỉ đạo quyết liệt vụ này thì nhân dân mới yên lòng”.
Trước đó, tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Hồ Văn Năm, Trưởng ban Nội chính Đồng Nai khẳng định quan điểm của tỉnh là kiên quyết xử lý vụ Thuận Phong vì vụ này ảnh hưởng lớn tới người nông dân.
Vụ Thuận Phong nghi sản xuất phân bón giả được các cơ quan Trung ương phát hiện rồi giao lại cho Đồng Nai xử lý về tội buôn bán hàng giả nhưng rốt cuộc Đồng Nai không xử lý được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao cho Bộ Công an xử lý, Bộ Công an lại giao về cho Đồng Nai xử lý và cuối cùng “Các cơ quan tố tụng của Đồng Nai đã họp và nhận định không có dấu hiệu hình sự nên không khởi tố” — lời đại biểu Năm.
Đấy là toàn bộ quá trình của việc đẩy xuống, đẩy lên, kiên quyết xử lý, vì người nông dân của các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã được thể hiện một cách quá ư rõ ràng giữa lời nói và việc làm như vậy đấy!
Vụ Thuận Phong âm ỷ và gây bức xúc trong lòng xã hội từ đã lâu. Chỉ có những đại biểu thực sự vì nông dân, không hưởng tý gì từ “lợi ích nhóm” thì mới có thể đứng vững trên đôi chân của mình mà đòi hỏi sự thật phải được minh bạch hóa, chỉ có giả hoặc thật chứ không có một khái niệm nửa vời “kém chất lượng” ở đây.
Cái vụ Khaisilk chỉ làm thiệt hại túi tiền của giới trung lưu và tổn hại đến thanh danh lụa Việt còn sản xuất hoặc buôn bán phân giả nó hại đến bà con nông dân, tầng lớp yếu thế và đông đảo nhất cần được bảo vệ, sau đó là nó phá hoại sản xuất, đe dọa an ninh lương thực,... hành vi phi nhân tính đó không thể “thống nhất nhận định” mà cho qua được!