Hôm qua (14/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
|
Ảnh minh họa |
Chỉ còn 15 ngày nữa là hết quý I/2024, dù kinh tế Việt Nam có khởi sắc, tiến bộ, phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Có đi vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mới hiểu được những thách thức, khó khăn đang phải đối mặt. Một số DN thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; chi phí sản xuất kinh doanh cao; nên không có nhu cầu vay vốn. Một số người dân tăng dự phòng... Những điều đó ảnh hưởng lớn đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.
Có một thực tế dễ nhận ra: vì sao DN kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm? Chắc chắn phải có “nút thắt”, nguyên nhân.
Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh? Làm thế nào để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, DN? Đây là hai trong những “bài toán” cần “lời giải” hiện nay.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu lên “tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, đưa đất nước phát triển, đi lên”. Làm sao các tổ chức tín dụng kiểm soát, nới lỏng được ít nhiều tính thận trọng theo kiểu máy móc, giảm bớt được thời gian trong việc xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp, là sự chờ đợi mong mỏi của nhiều DN.
Nói cách khác, đâu đó vẫn còn thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn. Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia tài chính và lãnh đạo DN về việc phải khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan tín dụng. Ví dụ, kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024; hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung 16/2021/TT-NHNN phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và thực tiễn thị trường; sửa đổi đồng bộ các thông tư quy định về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng để đồng bộ với các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024... Đó là những ý kiến cần được nghiên cứu xem xét.