Rác thải nhựa xuất hiện trên cả đất liền và đại dương. (Ảnh: Baochinhphu.vn) |
Những con số báo động
Đây là thông tin được Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại Diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên” do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 28/2/2024. Diễn đàn nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilon khó phân hủy.
Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilon mỗi tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Trong khi đó, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Chia sẻ về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam nêu thực tế, năm 2023 Việt Nam nhập khẩu khoảng 7,5 triệu tấn hạt nhựa, đồng thời sản xuất trong nước khoảng hơn 2 triệu tấn. Như vậy, nguyên liệu để sản xuất hạt nhựa nguyên sinh ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn, đây là một con số rất lớn.
Trong đời sống hàng ngày, các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, do đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường, đặc biệt với sức khỏe con người. Những con số báo động nói trên cho thấy Việt Nam đang đối mặt với cuộc khủng hoảng rác thải nhựa nghiêm trọng, có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương.
Nhấn mạnh vai trò của người trẻ
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Việt Nam cũng không ngoại lệ, từ lâu “cuộc chiến” rác thải nhựa tại nước ta vẫn luôn nhức nhối khi “dấu chân” rác thải nhựa đang len lỏi khắp mọi nơi trên cả đất liền và đại dương. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn xem việc xử lý rác thải nhựa là “nhiệm vụ ưu tiên” với các cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa.
Trong Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1316/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2021 cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, thay thế cho túi nilon khó phân hủy; Góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa cũng chỉ rõ: Từ ngày 01/01/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Tại Diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”, ông Đặng Quốc Khánh - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng đang là vấn đề của toàn cầu. Theo ông Khánh, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.
Các chuyên gia tham gia diễn đàn đều cho rằng, để hạn chế và giảm thiểu rác thải nhựa, các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là thế hệ trẻ, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
Đoàn thanh niên các cấp cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường; kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nhằm hạn chế xả ra môi trường, góp phần bảo vệ đại dương...