Mối quan hệ thân thiết của GKM – APG được "phác hoạ" thông qua hàng loạt giao dịch, góp cổ phần của GKM Holdings.
Không chỉ đứng ra làm trái chủ và phân phối lô trái phiếu của GKM Holdings, mối quan hệ thân thiết của GKM – APG còn được thể hiện qua hàng loạt giao dịch, góp cổ phần của GKM Holdings.
Ngày 20/6 vừa qua, CTCP GKM Holdings (GKM Holdings) đã công bố phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ mã GKMH2427001 với tổng giá trị không vượt qua 44,9 tỷ đồng. Mức lãi suất danh nghĩa dự kiến là 11%/năm.
Lô trái phiếu được GKM Holdings dự kiến phát hành trong bối cảnh trái phiếu GKMH2124 (phát hành tháng 9/2021) chuẩn bị đáo hạn vào tháng 9/2024. Thực tế, GKM cũng cho biết mục đích phát hành trái phiếu GKMH2427001 nhằm cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành, nhiều khả năng là động tác “đảo nợ” cho trái phiếu sắp đến hạn GKMH2124.
Tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, và đại diện người sở hữu trái phiếu (theo công bố của GKM Holdings) là CTCP Chứng khoán APG. Dù vậy, vai trò của Chứng khoán APG không dừng lại ở đó…
Để hiểu được điều này, cần ngược lại về trái phiếu GKMH2124 (phát hành tháng 9/2021), với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất trái phiếu 12,6%/năm trước thuế TNCN. Ở thời điểm chào bán thành công trái phiếu riêng lẻ GKMH2124, GKM Holdings cho biết, trái chủ là 1 công ty chứng khoán (chiếm 9,09% tổng giá trị) và 10 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp (tỷ lệ 90,9%).
Cần nhấn mạnh thêm, các tài liệu mà PV thu thập được lại thể hiện Chứng khoán APG là trái chủ nắm 100% lô trái phiếu này. Đáng chú ý, 2021 cũng là năm Chứng khoán APG nâng tỷ lệ sở hữu tại GKM Holdings từ 0% lên 18% (tính đến tháng 6/2024, Chứng khoán APG nắm hơn 4,5 triệu cổ phiếu GKM, tỷ lệ 14,41%).
Luận điểm này phần này càng được thêm củng cố khi Chứng khoán APG trong năm 2022 đã thực hiện giao dịch bán 73,34 tỷ đồng trái phiếu GKMH2124. Công ty cũng cho biết, tại tại thời điểm cuối năm 2022 khoản đầu tư vào trái phiếu này có giá trị còn 37,08 tỷ đồng (thấp hơn so với số đầu kỳ là hơn 86,15 tỷ đồng).
Sang đến năm 2023, giá trị lô trái phiếu được nâng lên 43,88 tỷ đồng và duy trì đến thời điểm cuối quý I/2024, chiếm đa số dư trái phiếu còn lại của GKM Holdings sau khi đơn vị này nhiều lần thực hiện mua lại trái phiếu (còn 44,9 tỷ đồng).
Giai đoạn GKM Holdings phát hành trái phiếu cũng là thời điểm thị trường trái phiếu doanh nghiệp nở rộ. Thường các bên thực hiện sẽ là công ty chứng khoán và tổ chức/các thể nhân cùng nhóm đứng ra mua toàn bộ để đảm bảo đợt phát hành thành công, sau đó sẽ phân phối cho các thành viên khác trong nhóm, và kế đến là các nhà đầu tư cá nhân “nhỏ lẻ”.
Vừa qua, GKM Holdings bị xử phạt 85 triệu đồng do thực hiện phân phối chứng khoán riêng lẻ không đúng quy định pháp luật (Công ty phân phối trái phiếu riêng lẻ mã GKMH2124001 quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu).
Phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (Công ty công bố thông tin (CBTT) định kỳ không đúng thời hạn đối với trái phiếu riêng lẻ trên Chuyên trang trái phiếu doanh nghiệp (CBONDS) của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Phạt 55 triệu đồng do CBTT không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật (Công ty CBTT không đầy đủ về giao dịch giữa Công ty với người nội bộ, cổ đông lớn của Công ty tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022).
Trước hết, đó là Nghị quyết HĐQT về việc GKM Holdings góp 85,5 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ vốn góp 19%) vào CTCP ECO HT. Dữ liệu chỉ ra ECO HT mới thành lập vào tháng 5/2024, với 4 cổ đông sáng lập ban đầu là CTCP APG Eco Hòa Bình (40%), Trần Thanh Hằng (24%), Lê Văn Dương (1%) và Nguyễn Thị Lợi (35%).
Trong đó, bà Trần Thanh Hằng là cá nhân tham gia mua 3,5 triệu cổ phiếu Chứng khoán APG trong đợt công ty phân phối số cổ phiếu không chào bán hết cho cổ đông hiện hữu (tháng 7/2021). Đặc biệt, cập nhật tại thời điểm tháng 6/2024, bà Hằng cũng là Chủ tịch HĐQT APG Eco Hòa Bình.
Ngoài ra, đó còn là thương vụ GKM Holdings đặt mua cổ phần CTCP APC Holdings. Theo đó, tại thời điểm tháng 12/2023, GKM Holdings đã đặt cọc với ông Nguyễn Tùng Lâm và Nguyễn Đoàn Mạnh Hiếu lần lượt 33,75 tỷ đồng và 46 tỷ đồng để mua 2,25 triệu cổ phần và 3,069 triệu cổ phần APC Holdings. Mức giá chuyển nhượng cùng là 15.000 đồng/CP. Nếu giao dịch hoàn tất, GKM Holdings sẽ sở hữu 11,82% vốn công ty.
APC Holdings có tiền thân là CTCP Than Quốc Tế (thành lập năm 2015). Như báo giới từng phản ánh, Chứng khoán APG từng chào bán trái phiếu của Than Quốc Tế. Cập nhật dữ liệu gần nhất bà Lê Thị Mai Hòa là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật công ty.
Bà Hòa cũng tham gia mua 3,5 triệu cổ phiếu Chứng khoán APG trong đợt công ty phân phối số cổ phiếu không chào bán hết cho cổ đông hiện hữu (tháng 7/2021), cùng bà Trần Thanh Hằng – Chủ tịch HĐQT APG Eco Hòa Bình.
Mặt khác, một dữ liệu cho thấy Chứng khoán APG cũng từng có thời gian sở hữu trái phiếu của Than Quốc Tế.
Vào cuối năm 2023, GKM Holdings còn góp vốn tại CTCP Power Trade cùng CTCP An Trường An, CTC Đầu tư TDG Global, ông Võ Quí Lâm, bà Trần Thanh Hằng với tỷ lệ cùng 20%. Trong đó, bà Trần Thanh Hằng là thể nhân nhiều liên hệ với Chứng khoán APG, như đã phân tích.