Mới đây, Pháp luật Plus (Báo Pháp Luật Việt Nam) nhận được nội dung đơn phản ánh của hộ gia đình bà Khúc Thị Hương trú tại tổ dân phố Hổ Đội 4, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trình bày về việc gia đình bà bất bình về các phán quyết mà Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Thái Thụy và TAND tỉnh Thái Bình ban hành liên quan đến vụ án tranh chấp chia thừa kế tài sản giừa bà là bị đơn và các ông Đào Trọng Sơn, bà Đào Thị Dư, bà Đào Thị Dự và bà Đào Thị Xuân là nguyên đơn.
Nội dung Đơn cầu cứu của bà Khúc Thị Hương gửi tới toà soạn Pháp luật Plus (Báo Pháp Luật Việt Nam). |
Tóm tắt nội dung vụ án theo bản án, năm 1985 bà Khúc Thị Hương kết hôn với ông Đào Trọng Minh và sinh sống trên mảnh đất của bố mẹ ông Minh là cụ Đào Trọng Bồ (đã chết năm 1980) và cụ Lê Thị Bông (chết năm 2003) tại tổ dân phố Hổ Đội 4, TT Diềm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Cụ Bông và cụ Bồ có 5 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất là ông Sơn, bà Dự, bà Dư, bà Xuân và ông Minh. Cụ Bông và cụ Bồ tạo lập được khối tài sản gồm: đất ở tại thửa đất 321 tờ bản đồ 299, diện tích 290m2 nay là thửa đất số 810, tờ bản đồ địa chính số 3, diện tích 328m2 (290m2 đất ở và 38m2 đất vườn).
Các cụ còn xây dựng nhà chính 57m2, sân gạch 36m2, một nhà ngang rộng 25m2, bể nước mưa 7m2, giếng nước, nhà tắm.
Từ năm 1985 khi chị Hương về làm dâu, cụ Bông đã già yếu; ông Sơn, bà Dư, bà Dự, bà Xuân đều đã có gia đình và ở riêng.
Bà Hương và ông Minh có 3 người con chung là: Đào Trọng Nghĩa, Đào Trọng Hòa và Đào Thị Vân (anh Nghĩa và anh Hòa đã chết). Năm 2008 ông Minh chết, từ đó đến nay chỉ có bà Hương và chị Vân sinh sống và quản lý thửa đất trên.
Bản án số 05/ 2022 DS-ST ngày 29/4/2022 về việc tranh chấp, thừa kế tài sản của TAND huyện Thái Thuỵ |
Đến tháng 9/2020 do nhà ở hơn 40 năm xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn, không thể ở và sinh hoạt trong ngồi nhà này, do đó chị Hương đã buộc phải xây dựng nhà mới để làm nơi sinh sống và thờ cúng bố mẹ, chồng và con.
Khi chị Hương tiến hành xây nhà thì các nguyên đơn đã có đơn ngăn cản đến chính quyền, UBND thị trấn Diêm Điền đã ra Văn bản đình chỉ thi công nhưng vì nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nên chị Hương vẫn xây dựng và hoàn thiện căn nhà 2 tầng khang trang.
Như vậy toàn bộ di sản thừa kế là nhà chính, nhà chăn nuôi, bể nước, sân, tường nhà tắm không còn, chỉ còn lại nhà ngang 25m2 đang để không.
Cụ Bồ và cụ Bông chết không để lại di chúc. Ngày 19/10/2020 các nguyên đơn đã gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế.
Ngày 29/4/2022, TAND huyện Thái Thụy đã xét xử sơ thẩm lần 1 vụ án tranh chấp thừa kế tài sản, căn cứ vào hồ sơ, tòa ra phán quyết (Bản án số 05/2022/DS-ST): Đình chỉ giải quyết đối với phần di sản thừa kế của cụ Đào Trọng Bồ đã hết thời hiệu khởi kiện là 123m2 đất (trong đó có 19m2 đất vườn) trong thửa 810 theo quy định tại Điều 623 bộ luật dân sự. Chia cho ông Sơn diện tích 110m2 đất (trong đó có 10m2 đất vườn) tại thửa đất 810.
Bản án số 08/ 2023 DS-ST ngày 25/9/2023 về việc tranh chấp, thừa kế tài sản của TAND huyện Thái Thuỵ. |
Tuy nhiên, các nguyên đơn và bị đơn đã kháng cáo Bản án sơ thẩm. Ngày 12/5/2022 Viện KSND huyên Thái Thụy có quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án số 05/2022/DS-ST.
Đến ngày 09/12/2022, TAND tỉnh Thái Bình đã xét xử phúc thẩm lần 1 vụ án tranh chấp tài sản bằng Bản án số 44/2022/DS-PT, hủy bản bán sơ thẩm số 05/2022/DS-ST của TAND huyện Thái Thụy. Chuyển hồ sơ cho TAND huyện Thái Thụy giải quyết lại vụ án theo quy định.
Ngày 25/9/2023, TAND huyện Thái Thụy xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án tranh chấp thừa kế tài sản (Bản án số 08/2023/DS-ST).
Tòa ra phán quyết: Chia cho các nguyên đơn diện tích 191,7m2 đất (gồm 169,5m2 đất ở và 22,2m2 đất trông cây lâu năm); Giao cho ông Sơn tài sản trên phần đất này là 1 nhà mái ngói vì kèo xà gỗ xây dựng năm 2020, diện tích 39m2.
Về phía bị đơn là bà Hương có trách nhiệm tháo dỡ, di chuyển và tự chịu chi phí tháo dỡ, di chuyển để trả lại nhà mái ngói vì kèo xà gỗ diện tích 39m2 cho ông Sơn; Giao cho bà Hương diện tích 136,3m2 đất trong đó 120,5m2 đất ở và 15,8m2 đất trồng cây lâu năm (phần diện tích ngôi nhà 2 tầng).
Không chấp nhận phán quyết của toà án, bà Hương tiếp tục kháng cáo vì cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình không được đảm bảo.
Bà Khúc Thị Hương tại buổi làm việc với PV Pháp Luật Việt Nam. |
Nhằm làm rõ những nội dung phản ánh của người đứng đơn, phóng viên Pháp Luật Việt Nam đã có buổi làm việc trực tiếp với bà Khúc Thị Hương, tại buổi làm việc bà Hương cho hay "Vụ án được xét xử đi, xét xử lại bằng một phiên xử phúc thẩm và hai phiên xét xử sơ thẩm, nhưng những phán quyết của tòa đều không đảm bảo được những quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình tôi".
"Tôi về đây làm dâu đến nay đã 40 năm, từ khi khu đất này còn hoang hoá, sau đó gia đình tôi mới quật lập, mở rộng và cải tạo sau nhiều năm mới có được khu đất như ngày hôm nay", chị Hương cho hay.
Phiên xét xử phúc thẩm lần 2 dự kiến được đưa ra xét xử vào ngày 30/5. |
Theo bà Hương, Bản án sơ thẩm lần 2 (Bản án sơ thẩm số 08/2023/DS-ST ngày 25/9/2023) của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy đã quyết định giao phần diện tích ngôi nhà 39m2 mà bà Hương đã bỏ tiền ra xây dựng mới làm nơi thờ cúng cho nguyên đơn là không thấu tình, đạt lý, trái với quy định của pháp luật, gây ra thiệt hại cho bà, đồng thời sẽ kéo dài sự tranh chấp trong quá trình thi hành án, khiến vụ án không thể được giải quyết triệt để.
Qua đó, bà Hương bày tỏ mong muốn Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đưa ra phán quyết công tâm trong phiên xét xử phúc thẩm lần 2 dự kiến diễn ra vào ngày 30/5.
Phân tích về những vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án, luật sư Lê Văn Bình, thuộc Văn phòng Luật sư Dân Chính – Đoàn luật sư tỉnh Thái Bình đưa ra quan điểm "Đề làm rõ được những quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan, TAND tỉnh Thái Bình cần xem xét 3 vấn đề mấu chốt của vụ án, có thể làm thay đổi bản chất của vụ án. Cụ thể, thứ nhất: Bản án sơ thẩm lần 2, Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy đã xét xử ngoài phạm vi yêu cầu của Đơn khởi kiện của nguyên đơn (được quy định tại Điều 5 BLTTDS). Thứ hai: Việc xác định phần quyền sử dụng đất của cụ Bồ trong quyền sử dụng đất chung vợ chồng với cụ Bông vẫn còn thời hiệu khởi kiện là không khách quan, không đúng với nội dung hướng dẫn tại Công văn giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao ngày 05/01/2018. Cụ thể: “Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia”… Thứ ba: Cần phải áp dụng tương tự pháp luật, vận dụng các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình để xem xét và tính toán lại công sức tôn tạo, duy trì và quản lý phần tài sản chung của cụ Bông đối với công sức duy trì quản lý, tôn tạo của vợ chồng bị đơn trong quá trình chung sống cùng hộ gia đình. Bởi Sau khi cụ Bồ chết (1980), bị đơn kết hôn với ông Đào Trọng Minh (năm 1985) khi đó cụ Bông đã hết tuổi lao động. Bị đơn và chồng đã cùng với cụ Bông trực tiếp quản lý di sản, cải tạo, sửa chữa, tôn tạo, giữ gìn giá trị phần di sản riêng của cụ Bồ, khối tài sản riêng của cụ Bông. Khi ông Đào Trọng Minh cùng các con trai chết thì bị đơn vẫn là người trực tiếp quản lý toàn bộ di sản của cụ Bồ, cụ Bông và trực tiếp tổ chức thờ cúng, tổ tiên, bố mẹ chồng, chồng và các con. "Đây cũng là một trong những vấn đề cần phải được lưu ý và làm rõ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho phía bị đơn", luật sư Bình bày tỏ. |