Cụ thể, Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm.
Sáng nay (11/12), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố các Luật đã được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua.
|
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm phát biểu tại buổi họp báo. |
Có 9 luật được Chủ tịch nước công bố, bao gồm: Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Đặc xá, Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định: bí mật Nhà nước là thông tin quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc.
Theo quy định của luật thì bí mật nhà nước có 3 thuộc tính cơ bản. Thứ nhất, bí mật nhà nước là thông tin quan trọng; thứ hai, là thông tin chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất sẽ gây hại đến lợi ích quốc gia dân tộc; thứ ba, phải được người đứng đầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền xác định theo quy định tại Luật này.
Đáng chú ý, nếu Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 và các văn bản trước Pháp lệnh đều không quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước thì tại Luật này, một trong những điểm mới là quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước.
|
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm. |
Cụ thể, Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm. “Đây là quy định tiến bộ của Luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật cũng quy định khi hết thời hạn bảo vệ nếu xét thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ như nêu ở trên”- Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Luật đã quy định việc đương nhiên giải mật đối với trường hợp bí mật nhà nước không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước; trường hợp bí mật nhà nước chỉ cần bảo vệ trong khoảng thời gian nhất định hoặc đã hết thời hạn bảo vệ theo quy định của Luật mà cơ quan có thẩm quyền không quyết định gia hạn.
|
Đại diện các cơ quan, ban ngành liên quan đến các luật được công bố cùng tham dự Họp báo. |
Làm rõ hơn một số nội dung mới của Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, tại buổi họp báo, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, về hạm vi điều chỉnh, so với luật hiện hành, Luật PCTN năm 2018 đã thay cụm từ “xử lý người có hành vi tham nhũng” bằng cụm từ “xử lý tham nhũng” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN.
Đối với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị... Luật đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu. Đặc biệt, những quy định về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, so với luật hiện hành, đây là chương mới và nội dung mới của Luật năm 2018, thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong PCTN.
Luật quy định của tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, Luật năm 2018 cũng quy định việc áp dụng Luật PCTN đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân hoạt động từ thiện.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học gồm 03 điều, trong đó: sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung mới 01 điều, bãi bỏ, thay thế một số cụm từ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật.
|
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho biết hiện Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng 2 Nghị định hướng dẫn (Dự kiến ban hành tháng 5/2019) và rà soát lại các văn bản có liên quan để thực thi Luật từ 1/7/2019. |
Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng GDĐH, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể:
Luật đã quy định rõ hệ thống cơ sở GDĐH gồm đại học và trường đại học, tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, khắc phục một số vấn đề bất cập nhưng vẫn đảm bảo ổn định hệ thống để phát triển. Luật cũng làm rõ vấn đề sở hữu; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở GDĐH công lập và tư thục và thúc đẩy sự phát triển của cơ sở GDĐH tư thục.
Bên cạnh đó, Luật mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống; Đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế thông qua việc xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế; xây dựng các chuẩn GDĐH như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH… tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới.
Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.