Sau khi tiếp nhận kết quả chấm thẩm định cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2019 của Bộ GD&ĐT, các phụ huynh đã có những phản ứng về kết quả này.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có phản hồi chính thức về việc một số phụ huynh đã có ý kiến không “phục” một vài giải nhất đã được trao sau khi kết thúc cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2019 (VISEF) khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, sau khi đơn vị tổ chức công bố kết quả chấm thẩm định đã vấp phải sự phản mạnh mẽ từ các phụ huynh.
Cụ thể, bốn dự án được Bộ GD&ĐT chấm thẩm định đợt này là các dự án đã được trao giải nhất. Các phụ huynh cho rằng những đề tài này không tương xứng, không có điểm mới và sao chép ý tưởng.
Đó là các dự án "Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm"; "Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắcquy và pin năng lượng mặt trời"; "Nghiên cứu chỉ số hạnh phúc học đường của học sinh trung học phổ thông" và "Học sinh thủ đô quảng bá giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để phát huy truyền thống hiếu học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".
|
Học sinh giới thiệu đề án tham dự tại cuộc thi. |
Sau khi chấm thẩm định lại, bốn dự án từng được trao giải nhất này vẫn được giữ nguyên kết quả. Sau khi tiếp nhận kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT các phụ huynh từng có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng Bộ GD&ĐT tiếp tục có đơn phân tích những điểm “bất thường” trong kết quả chấm thẩm định lần này.
Tại nội dung Đơn kiến nghị gửi Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ và Ban tổ chức cuộc thi ViSEF, phụ huynh Nguyễn Thanh S., Nguyễn Văn T., có con em tham gia cuộc thi đã dẫn chứng những điểm “bất cập” tại nội dung kết quả chấm thẩm định.
Nội dung đơn kiến nghị nêu: “Ngày 22/03/2019, chúng tôi đã nhận được Công văn số 1148/BGDĐT-GDTrH: “Thông báo kết quả thẩm định dự án Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018 – 2019”.
Trong Công văn khẳng định đã tiến hành chấm thẩm định các dự án “Chế tạo máy tự hành chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả mô phỏng hoạt động của con người”, “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm” và “Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời”.
|
Nội dung đơn kiến nghị của các phụ huynh có con em tham gia cuộc thi gửi tới Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ GD&ĐT. |
Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (ViSEF), việc thành lập hội đồng thẩm định, quy trình chấm thi và các tiêu chí chấm thi đã được nêu ra chi tiết và cụ thể.
Tuy nhiên, việc thành lập hội đồng cũng như các quy trình, phương pháp và tiêu chí ở lần đánh giá và thẩm định lại đề tài này lại không hề được nói đến trong Công văn.
“Vậy Bộ GDĐT đã thành lập hội đồng dựa trên những tiêu chí nào, cơ cấu và thành phần ban giám khảo (BGK) như thế nào, nhiệm vụ và quyền hạn BGK gồm những gì? Quy trình thẩm định lại đề tài ra sao? và các tiêu chí đánh giá được thực hiện dựa trên thang điểm nào?”, các phụ huynh đặt câu hỏi.
Phân tích về thang điểm chấm các đề án, dựa vào Điều 18, Thông tư 38 /2012/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT, các phụ huynh cho rằng quá trình thẩm định lại đề tài được thực hiện sau khi cuộc thi đã kết thúc nên việc thẩm định chỉ dựa vào hồ sơ dự án (tổng 45 điểm).
Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh còn nêu quan điểm, cũng như phân tích những điểm được cho là bất thường trong công tác chấm thẩm định các đề án tham dự cuộc thi, trong đó có những tiêu chí quan trọng như Tính sáng tạo của đề tài, Gian trưng bày (các thiết bị, mô hình và mô phỏng của dự án kỹ thuật, cách thức hoạt động và khả năng thực tế của sản phẩm…) và Trà lời phỏng vấn (Sự hiểu biết về cơ sở khoa học, sự giải thích và hạn chế của dự án, sự thừa nhận khả năng tác động về khoa học, xã hội hoặc kinh tế, …) lại bị lược bỏ.
Do đó, việc đánh giá, thẩm định đề tài chỉ với nửa non số điểm 45/100 hoàn toàn thiếu sự chính xác, tính khách quan và vi phạm quy chế đánh giá được quy định ở Điều 17, 18 trong Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT.
|
Nhóm các thí sinh đoạt giải tại cuộc thi nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT. |
Ngoài ra, nội dung đơn thư kiến nghị cũng nêu rõ nhiều vấn đề, trong đó một số các đề tài tham dự cuộc thi và đạt giải, có nhiều đề tài đã vi phạm quy chế dự thi theo khoản 1, 2, 7, 8 Điều 4 Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT.
Một số đề tài đã vi phạm quy chế về những vật không được phép trưng bày tại cuộc thi (khoản 16, phụ lục II, Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT) nhưng vẫn được cấp phép trưng bày và chứng nhận gian hàng đủ điều kiện.
Hơn nữa, có 5 dự án đạt giải nhất, 13 giải nhì và 4 giải ba, có đề tài trùng lặp về mặt giải pháp, kết quả với các nghiên cứu, sản phẩm thị trường đã công bố, hoàn toàn không có tính mới, tính sáng tạo (vi phạm điều 1, 2, 7 Điều 4 Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT và tiêu chí đánh giá số 4 trong Phụ lục III kèm Thông tư 32/2017/TT_BGDĐT).
Tuy nhiên, các dự án này vẫn được hội đồng thẩm định phê duyệt cho đủ điều kiện tham gia dự thi, thậm chí đạt giải cao trong cuộc thi khoa học lớn nhất toàn quốc. Điều này làm dấy lên nghi vấn về việc thẩm định đề tài trước khi đánh giá còn chưa được chính xác, đầy đủ và chặt chẽ.
“Từ những căn cứ, dẫn chứng được nêu, các phụ huynh mong muốn các cơ quan có thẩm quyền có thể làm minh bạch, làm đúng kết quả đánh giá cuộc thi ViSEF năm nay, nhằm đảm bảo sự công bằng và tạo niềm tin cho các thế hệ học sinh”, nội dung đơn kiến nghị nêu rõ.
Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.