Quá trình điều tra, truy tố, xét xử một vụ án hình sự nói chung đã vô cùng khó khăn phức tạp. Thế nhưng, đối với vụ án dâm ô trẻ em còn phức tạp hơn nhiều. Vì sao lại như vậy?
Như thế nào được coi là hành vi dâm ô trẻ em?
Để phân tích mổ sẻ về mặt pháp lý trong giải quyết vụ án dâm ô trẻ em, Phapluatplus.vn đã có cuộc phỏng vấn LS Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
PV: Vừa qua trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ án dâm ô trẻ em khiến dư luận bức xúc và hoang mang. Điều đáng nói là nhiều vụ án chưa được khởi tố, có vụ khởi tố nhưng chưa được kịp thời. Tại sao lại như vậy thưa ông?
LS Nguyễn Văn Chiến: Thực trạng xâm phạm tình dục đối với trẻ em ngày càng gia tăng, với tính chất, mức độ nghiêm trọng và phức tạp, báo hiệu về suy đồi đạo đức của một bộ phận người lớn.
Để phát hiện và xử lý những vụ xâm hại tình dục trẻ em là rất khó khăn, bởi hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em, không bắt được quả tang, không có người làm chứng. Nhiều vụ, do bị hại là các cháu bé, quá nhỏ không nhận thức được mình bị xâm hại hoặc nhận thức hạn chế;
Nhiều gia đình có trẻ bị xâm hại có tâm lý xấu hổ, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, sự phát triển tâm sinh lý và cuộc sống của trẻ sau này, nên không trình báo cơ quan chức năng mà tự gặp nhau thương lượng, giải quyết.
Đối tượng xâm hại tình dục thì nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi và không chỉ là người Việt Nam mà cả người nước ngoài, xuất hiện xâm hại tình dục trẻ em cả trên môi trường mạng internet.
|
LS Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam trao đổi với phapluatplus.vn (Ảnh Lương Liễu). |
Bên cạnh đó, để khởi tố một vụ án hình sự phải đầy đủ các bước theo luật định. Ở đây tôi không phân tích đi sâu về trình tự tố tụng mà chỉ đưa ra những mảng khuyết miêu tả về hành vi dâm ô trẻ em.
Cụm từ ấu dâm là miêu tả hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ em dưới 14, thậm chí có trường hợp các cháu đang ở lứa tuổi mẫu giáo. Trong khi đó, những đối tượng xâm hại trẻ em khó tiên lượng.
Có thể là người trẻ, có thể là người già, người thân, từ học thức tới không có học thức, ở mọi lúc mọi nơi, thậm nhập cả vào trong nhà trường. Có thể nói là rất khủng khiếp.
Đối với vấn nạn ấu dâm, bao gồm hai trường hợp; đó là dâm ô trẻ em và hiếp dâm trẻ em. Đối với hành vi hiếp dâm trẻ em thì những dấu hiệu của tội này là rất rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, đối với tội dâm ô trẻ em thì trong Bộ luật miêu tả chưa đầy đủ, chưa rõ. Vì hành vi dâm ô không để lại dấu vết đặc trưng.
Hành vi nào được gọi là dâm ô, thế nào là dâm ô? Đây là câu hỏi khó trả lời. Nói như vậy để bạn hiểu, việc quy kết một đối tượng dâm ô là vô cùng khó khăn. Do đó, một số vụ án dâm ô trẻ em nếu không được phát hiện kịp thời, không bắt quả tang thì không đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
PV: Thưa ông, với những viện dẫn như trên thì tội dâm ô trẻ em khó xác định, đồng nghĩa là khó xử lý. Vì sao lại khó xác định?
LS Nguyễn Văn Chiến: Đúng như vậy, hành vi dâm ô trẻ em có nghĩa là, đối tượng không có ý định giao cấu, không thực hiện giao cấu với trẻ em.
Đối với nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em, Bộ luật hình sự 1999 và 2015, đã đề cập liên quan nhiều tới hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Như vậy, trong bộ luật hình sự chưa có miêu tả rõ ràng về hành vi đối với tội dâm ô trẻ em. Định nghĩa về tội dâm ô trẻ em cũng chỉ miêu tả như sau: Dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất loạn dâm dục đối với người dưới 16 tuổi, nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.
Để phân tích đặc trưng về hành vi dâm ô trẻ em, trong luật chưa phân tích cụ thể. Tuy nhiên, tại Điều 116 Bộ luật hình sự quy định về tội dâm ô trẻ em chỉ vỏn vẹn là; “Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”.
PV: Thưa ông, với vấn nạn hiếm dâm, dâm ô trẻ em ngày càng gia tăng. Ông có quan điểm như thế nào trong việc xử lý, giải quyết đối với vấn nạn này?
Đối với tội hiếp dâm thì việc xử lý (điều tra, truy tố. xét xử) đã có quy định rất rõ và cụ thể trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, đối với tội dâm ô (trong bộ luật không miêu tả, không chỉ rõ rằng hành vi nào được cho là hành vi dâm ô).
Do đó, đối với tội dâm ô trẻ em, để xử lý phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mang tính trừng trị nghiêm khắc. Câu chuyện đặt ra có nên áp dụng án lệ đối với tội dâm ô trẻ em hay ko? Theo cá nhân tôi đó là sự cân thiết.
PV: Thưa ông có ý kiến cho rằng cần áp dụng án lệ đối với cả tội hiếp dâm trẻ em và tội dâm ô trẻ em. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
LS Nguyễn Văn Chiến: Đối với tội hiếp dâm trẻ em đã được miêu tả tỉ mỉ, rõ ràng trong bộ luật hình sự, do đó không cần thiết áp dụng án lệ.
Đối với án lệ chỉ áp dụng đối với những vụ án mà hành vi tương tự.
Hay nói cách khác; Là những nguyên tắc không theo luật định được đưa ra từ các quyết định tư pháp, hay là hệ thống những nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của Tòa án.
PV: Để pháp luật có tính định hướng và đi trước thực thực tiễn, theo quan điểm của ông, cần phải làm gì để có được quy định án lệ sớm nhất để áp dụng trong giải quyết vụ án đối với tội dâm ô trẻ em?
LS Nguyễn Văn Chiến: Trước tiên, đây là trách nhiệm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC). Trên thực tế, hiện tại chưa có Nghị quyết nào của (TANDTC) để hướng dẫn cụ thể về hành vi dâm ô.
Dự thảo 2015 cụ thể hơn chút; người nào đã thành niên mà dâm ô với trẻ em nhưng ko có mục đich giao cấu thì bị xử phạt ….
Do đó, Hội đồng thẩm phán TANDTC cần đưa ra Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, trong việc áp dụng án lệ trong xét xử đối với tội dâm ô trẻ em. Để đảm bảo tính công bằng trong xét xử. Đồng thời vẫn giữ được bí mật cho nạn nhân, gia đình người bị hại.
Trân trọng cảm ơn ông!
Còn bao nhiêu tảng băng chìm chưa được phát giác? Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Số liệu thống kê và báo chí đưa tin nêu trên mới chỉ là bề nổi của thực trạng các vụ án bị phát hiện và bị xử lý. Thực tế còn rất nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại gia đình xã hội không biết, cha mẹ các em biết nhưng không cung cấp thông tin, không tố giác hoặc tố giác nhưng không đủ bằng chứng để xử lý. |