Mua đất vườn, “bao” xây dựng
Xây nhà trên đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch, quản lý đất đai và trật tự xây dựng đang diễn ra ngang nhiên tại địa bàn nhiều xã thuộc huyện Long Thành trong nhiều năm qua.
Theo phản ánh của người dân, phóng viên Báo PLVN có mặt tại thửa đất có diện tích 4.385m2 (tờ số 25, thửa 45) xã Lộc An, huyện Long Thành. Tại đây, hàng chục căn nhà ngang nhiên mọc lên trên thửa đất nông nghiệp đã phân thành hàng chục lô. Qua ghi nhận, trong hàng chục căn nhà ở trên thửa đất, nhiều căn xây tầng kiên cố bằng bê tông cốt thép, bên cạnh những căn đã xây cách đây 3-4 năm, hiện vẫn còn những căn nhà vẫn đang làm móng.
Tại một dự án lậu (thôn 8 xã Bình Sơn, huyện Long Thành) hàng chục căn nhà ngang nhiên mọc lên trên thửa đất nông nghiệp đã phân thành hàng trăm lô. |
Điều thấy rõ nhất là chủ mảnh đất “lách luật” bằng cách để hàng chục người mua đứng tên chung “đồng sở hữu” trên sổ đỏ toàn bộ thửa đất (bản chất là phân lô đất nông nghiệp), sau đó xây dựng trái phép. Thế nhưng, hiện tượng một thửa đất nông nghiệp lớn (sử dụng chung) được lập bản vẽ, phân lô, tiến hành xây dựng hàng chục, thậm chí hàng trăm căn nhà lại không phải là điều xa lạ tại huyện Thành và một số huyện khác thuộc tỉnh Đồng Nai.
Rời khỏi xã Lộc An, chúng tôi xuống xã Long Phước (huyện Long Thành). Liên lạc với các “cò” đất, ngoài chuyện bán đất vườn phân lô, không ít “cò” còn bao luôn việc xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. Một “cò” tên Thường ở khu Bà Ký, Long Phước thông tin: từ 900 triệu đến một tỷ đồng sẽ có đất và nhà khang trang. Theo ông Thường, từ đầu năm đến nay, khách hỏi mua đất nhiều, ông đã bán được mấy miếng. Ở đây, bên cạnh các “cò”, nhiều chủ thầu kiêm “bao xây” nhà không phép vì “có qua lại với xã”. “Quy trình” xây khá rõ ràng, trước khi xây sẽ báo với người phụ trách quản lý xây dựng ở xã, thống nhất xong thì xây. Lúc xây, xã vẫn vào lập biên bản theo hướng sử dụng đất sai mục đích, công trình tạm ngưng ít ngày rồi xây tiếp. Như để tăng độ xác tín, ông Thường khoe, mấy hôm trước vừa đi ăn tân gia căn nhà hai tầng vừa xây xong. Căn nhà cũng xây trên đất nông nghiệp phân lô tự phát.
Một căn nhà một trệt, lửng không phép đang xây tại ấp Tân Cang, phường Phước Tân (TP.Biên Hòa), “cò” ra giá 120 triệu đồng để “bao” xây dựng |
Giá cả cụ thể, theo ông Thường, trước khi xây, chủ đất, chủ nhà ngồi lại, thống nhất xây loại nhà nào, sau đó sẽ báo cho xã. Tùy vào quy mô xây nhà, giá khoảng từ 50 – 100 triệu đồng. “Cò” Thường khẳng định với chúng tôi nhiều lần: “Xưa giờ chưa bị cuốc một căn không phép nào, chỉ chung chi là xong”. Nhẩm tính, chi phí xây hết 350 triệu đồng, cộng với tiền “lót tay” mới ngoài 400 triệu đã có một căn nhà cấp 4 khoảng 100m2 ở xã Long Phước.
Voi chui lỗ kim
Không riêng Long Thành, nạn xây dựng không phép, trái phép hiện cũng đang hoành hành tại các vùng ven của TP.Biên Hòa. Đến ấp Tân Cang, phường Phước Tân (TP.Biên Hòa), đập vào mắt người đi đường là một căn nhà một trệt một lửng đang vào công đoạn hoàn thiện. Khi biết chúng tôi đang tính xây nhà tại phường Phước Tân, một ông thầu xây dựng tên Thuỷ xuất hiện. Chỉ căn nhà đang xây, ông Thuỷ nhiệt tình giới thiệu hiện bên đội thầu của Thuỷ bao, lo được hết xây dựng. Giá ở Biên Hòa cũng cao hơn Long Thành, theo thầu Thủy, nếu nhà cấp 4 thì hết 80 triệu đồng, gác lửng thì hết 120 triệu đồng, còn một lầu một trệt thì hết 160 triệu đồng.
Tại khu Bà Ký, xã Long Phước, Long Thành, các “cò” đất, ngoài chuyện bán đất vườn phân lô còn bao luôn việc xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. |
Khi chúng tôi hỏi chung tiền trước một nửa còn lại nợ sau có được không, ông Thuỷ nói không thể nợ hay khất được. Khi chung đủ thì địa chính người ta sẽ báo ngày xây. “Bên tôi đã nhận làm được là được. Căn này tôi cũng đã lo xong mới được xây gần xong như thế này đây. Bên tôi sẽ chịu hết cam kết bồi thường hoàn toàn nếu không được xây. Bên địa chính sẽ quyết định cho làm giờ nào là mình xây giờ đấy, mình không coi ngày với quyết định được. Một căn nhà thì bắt buộc phải xây trong vòng một tháng rưỡi, không xong là bị dừng, đình chỉ ngay, kể cả sân, cổng nên bên tôi sẽ xây cả ngày cả đêm luôn”, thầu Thủy vừa chỉ căn nhà vừa nói chắc.
Như để đối tác thêm yên tâm, tin tưởng, thầu Thủy kể, từ đầu năm tới nay đã xây được 4 căn, đây này là căn thứ 5, ba căn gác lửng với hai căn cấp 4. Trong phạm vi ấp Tân Cang “tụi này lo được hết”, ông Thuỷ khẳng định, bao luôn bên khu Vườn Dừa (ấp Hương Phước) “bên nào cũng lo được hết, đảm bảo lo được là lo được”. Chưa dừng lại, ông Thủy còn đề nghị “không tin thì tôi dẫn đi mấy căn tôi mới xây sau như căn gần chùa Quảng Nghiêm (ấp Hương Phước) và một căn ở tổ 13 ấp Miễu”.
Đi tìm trách nhiệm?
Việc chậm phát hiện ngăn chặn xử lý, để tái diễn thường xuyên nạn phân lô và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp địa bàn của chính quyền nhiều địa phương thuộc các huyện Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, TP. Biên Hòa… của tỉnh Đồng Nai vô hình chung đã làm cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng thêm phần phức tạp. Đồng thời tạo ra những hệ lụy lớn đối với việc quản lý về mặt đất đai và xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung.
Tại một thửa đất có diện tích 4.385m2 xã Lộc An, huyện Long Thành, hàng chục căn nhà mọc lên trên thửa đất nông nghiệp đã phân lô với sổ đỏ chung 38 người “đồng sở hữu”. |
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đất nông nghiệp phải được sử dụng đúng mục đích, không được sử dụng để xây nhà công trình để ở. Khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Nếu người dân muốn xây dựng nhà ở trên diện tích đất nông nghiệp thì bạn phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và đây là một trong các trường hợp phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng xây dựng các quy định mới về tách thửa với hi vọng sẽ góp phần ngăn chặn được nạn phân lô tự phát, làm dự án “ma”, xây dựng không phép diễn ra bấy lâu nay. Đó là mong muốn của nhà quản lý, nhưng có ngăn chặn được hay không, đến đâu còn đòi hỏi sự minh bạch, trách nhiệm từ cấp xã, huyện.
Từ nhiều năm trước, khi hàng trăm dự án “ma” như cơn lốc tấn công nhiều huyện thị, làm méo mó thị trường bất động sản Đồng Nai và làm nhiễu loạn công tác quản lý nhà nước, nhưng hầu như phản ứng của chính quyền địa phương (xã, huyện) lại chậm chạp một cách khó hiểu.
Một góc của hồ thủy lợi Lộc An (xã Lộc An, huyện Long Thành) với hàng chục dự án phân lô đất nông nghiệp bao vây quanh lòng hồ, không khác gì một tấm áo vá. |
Việc xử lý doanh nghiệp Alibaba rao bán hàng chục dự án “ma” trước đây, chính quyền đã chủ động ra quyết định tạm ngưng toàn bộ các hoạt động giao dịch chuyển nhượng BĐS ở những khu đất mà Alibaba rao bán, cắm bảng cảnh báo ở một số nơi để người dân biết thông tin... Đồng thời kiến nghị cơ quan điều tra vào cuộc. Nhưng, bên cạnh Alibaba, nhiều doanh nghiệp, cá nhân khác làm ăn kiểu Alibaba, các địa phương đã có động thái nào tương tự? Đây là một câu hỏi mà người có trách nhiệm chưa trả lời rõ.
Thực tế, khó có cơ quan, ban, ngành nào ở tỉnh nắm rõ thực trạng mua bán, sang nhượng đất đai tại một địa phương cụ thể bằng chính quyền xã, huyện đó. Mặt khác, pháp luật về quản lý quy định trách nhiệm cụ thể của chính quyền đến khu phố, ấp, xã, phường nên thật khó “thông cảm” nếu những hệ lụy của sốt đất diễn ra mà địa phương không nắm.
Hơn ai hết, xã, huyện phải thấy được những biến động trong mua bán đất trên địa bàn, những dấu hiệu bất thường diễn ra trên thị trường để có những động thái kịp thời để tránh hậu quả xấu cho cả người dân lẫn chính quyền. Có như vậy, thị trường BĐS bớt méo mó, hỗn loạn, hạn chế phá vỡ quy hoạch đất đai, đội vốn các dự án trên địa bàn, gây nên những hệ lụy rất lâu dài và khó giải quyết.
Báo PLVN tiếp tục phản ánh tình trạng trên đến bạn đọc
Tags: