Thấy con gái 7 tuổi có biểu hiện bất thường: Ngực phát triển, vùng kín có dịch màu trắng đục, mùi hôi... chị Bùi Thị Thu Hiền, ngụ tại Bù Đăng (Bình Phước), không giấu được hoang mang khi bác sĩ kết luận con dậy thì sớm.
Tin nên đọc
Những thực phẩm khiến trẻ dậy thì sớm
Cảnh báo: Sữa tươi có thể gây dậy thì sớm cho trẻ?
Tác hại khôn lường của dậy thì sớm
Dậy thì sớm – kìm hãm sự phát triển chiều cao
Tại khoa Nội tiết, BV Nhi Đồng 2, TP HCM, chị Hiền dắt cô con gái đến gặp y tá để được chích thuốc theo phác đồ điều trị, công việc mà chị vẫn luôn thực hiện trong suốt những ngày qua.
Theo lời kể của chị, từ sau Tết 2016, chị thấy ngực con phát triển không bình thường, đặc biệt là ngực trái. “Ngực bé nhô hẳn lên, nhấn vào bé kêu đau. Sợ quá, tôi đưa bé lên BV Đa khoa Bình Phước khám, bác sĩ nói cháu bị rối loạn nội tiết, cho thuốc uống là hết”, chị Hiền kể.
Hết đợt uống thuốc, chị cũng “bỏ quên” sự phát triển bất thường đó, nhưng khoảng hơn 1 tháng gần đây, bé thường xuyên kêu đau ngực, đặc biệt là khi chạm vào. Hơn nữa, ở vùng kín của con gái còn xuất hiện dịch màu trắng đục, mùi hôi giống như huyết trắng.
Quá hoang mang, chị Hiền đưa con đến BV Nhi Đồng 2, bác sĩ kết luận, con gái chị bị dậy thì sớm. “Mẹ con tôi ở BV 3 ngày rồi, ngày nào bác sĩ cũng chích và cho bé uống thuốc. Tình trạng huyết trắng của con cũng đỡ hơn”, chị Hiền nói.
Theo ThS. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, khoa Thận – Nội tiết, BV Nhi Đồng 2, giảng viên bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP HCM, dậy thì sớm là tình trạng trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát như vú, lông mu, lông nách, nổi mụn, kinh nguyệt... trước 8 tuổi ở nữ, hay phát triển tinh hoàn, dương vật, lông mu, lông nách... trước 9 tuổi ở nam. Trẻ nữ có kinh trước 10 tuổi cũng gọi là dậy thì sớm.
|
Trẻ nữ xuất hiện kinh nguyệt trước 8 tuổi là dậy thì sớm. |
Cũng theo ThS Quỳnh, dậy thì sớm chia làm 2 nhóm:
Nhóm thứ 1, dậy thì sớm không hoàn toàn, trẻ chỉ phát triển 1 đặc tính sinh dục như vú to đơn thuần, không kèm theo bất cứ triệu chứng gì khác thì thường lành tính; dậy thì sớm ngoại biên, ví dụ trẻ có u buồng trứng, bất thường tuyến thượng thận...
Nhóm thứ 2 là dậy thì sớm trung ương, đây là nhóm thường gặp nhất, thường gặp ở nữ, trẻ phát triển tuyến vú, lông mu, lông nách, kinh nguyệt sớm và có chiều cao phát triển hơn so với các bạn cùng lứa. Đa số trẻ không có nguyên nhân (80-90%), một số nhỏ có bất thường ở não như u não, nhiễm trùng...
“Điều trị dậy thì sớm tùy theo nguyên nhân. Đối với nhóm dậy thì sớm không hoàn toàn, chỉ cần theo dõi định kỳ mỗi 3-6 tháng; nhóm dậy thì sớm ngoại biên, trẻ cần được điều trị cắt u đối với u buồng trứng hoặc điều trị nội tiết tố đối với bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh gây dậy thì sớm.
Với nhóm dậy thì sớm trung ương, nếu bác sĩ đánh giá đây là dậy thì sớm trung ương tiến triển, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành thì sẽ điều trị bằng nội tiết tố để ức chế quá trình dậy thì”, ThS. Quỳnh cho biết.
Dậy thì sớm ở trẻ có thể gây ảnh hưởng về tâm lý như mặc cảm vì khác biệt so với các bạn cùng lứa, có kinh quá sớm hay tâm lý lo sợ, hoang mang; trẻ có thể bị lạm dụng tình dục.
Một số trẻ sẽ bị giới hạn về chiều cao khi trưởng thành vì các nội tiết tố sinh dục sẽ làm trẻ tăng chiều cao nhanh nhưng cũng làm đóng các đầu xương nên trẻ sẽ ngừng cao sớm.
“Khi phát hiện trẻ có một trong các dấu hiệu trên trước 8 tuổi ở trẻ nữ hay trước 9 tuổi ở trẻ nam, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám ngay tại các BV hoặc phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, tư vấn về hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra, trẻ cần có lối sống tích cực, tránh béo phì, vì đây là 1 yếu tố gây nguy cơ của dậy thì sớm”, ThS. Quỳnh khuyến cáo.