Ở xã hội chúng ta lấy “làm theo pháp luật” là tiêu chí hành động, từ chỉ đạo, điều hành đến thực hiện, thực thi đều phải tuân thủ pháp luật.
Tin nên đọc
Thực thi pháp luật: Lỗ kim hay lưới trời?
Nâng cao ý thức của bộ phận “ngoài vòng pháp luật”
Ứng cử đại biểu Quốc hội để làm điều hữu ích
Minh bạch thì nặc danh không còn
|
Ảnh minh họa. |
Gần đây, tổ hợp từ “đúng quy trình” thường xuất hiện trong các biện minh về sự cố xảy ra trong quản lý, điều hành hoặc thực thi công vụ để khẳng định cái sự cố xảy ra ngoài mong muốn, không có gì sai sót của người quản lý cũng như người thực hiện.
Đúng quy trình từ việc xả nước thủy điện đến bổ nhiệm cán bộ, từ cấp phép xây dựng đến bảo vệ rừng, từ bắt giữ người đến thi hành bản án...
Mới đây nhất, vụ gãy chân dẫn đến tử vong hay đấu thầu đường ống gang dẻo dẫn nước sông Đà đều được lý giải là “đúng quy trình”.
Có khi nào thực hiện một việc gì đó “đúng quy trình” mà lại sai pháp luật không? Có, thậm chí nhiều!
Dẫn chứng: Việc bổ nhiệm lại Giám đốc Sở Y tế Cà Mau diễn ra đúng quy trình với đủ căn cứ xác đáng để giữ người nữ cán bộ trên cương vị này vài năm nữa.
Sở xin ý kiến tỉnh, tỉnh “tham khảo” ý kiến Bộ Y tế và ra quyết định, rất đúng quy trình, nhưng sau đó do có phản ứng từ dư luận phải “soát xét lại” thì lúc đó mới thấy việc bổ nhiệm này là trái các quy định pháp luật hiện hành. Quyết định bị hủy bỏ, thế nhưng chẳng ai bị hề hấn gì vì đã thực hiện “đúng quy trình”.
Hoặc, cái việc nhập hơn 9 tấn Salbutamol để làm nguyên liệu chế biệt dược cũng rất “đúng quy trình”. Song, chỉ có 10kg được sử dụng đúng mục đích, số còn lại tuồn ra thị trường chăn nuôi làm chất tạo nạc đầu độc đồng bào.
Giờ thì 2 Bộ có trách nhiệm là Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đổ lỗi cho nhau với lý do là Bộ nào cũng thực hiện chức trách của mình một cách “đúng quy trình” cả!
Tương tự, khi bị phát hiện xăng dầu “móc túi” dân 3.500 tỷ đồng thì Bộ Công Thương “phản pháo” Bộ Tài chính. Bộ nào cũng “đúng quy trình” cả, thế lỗi để dân chịu thiệt, doanh nghiệp làm giàu, đất nước nghèo đi thuộc về ai đây?
Tại một diễn biến khác, quy mô và tầm cỡ hơn là việc quản lý, điều hành của Chính phủ thì việc “đúng quy trình” dường như đã bị bỏ qua. Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương phải định kỳ hàng quý báo cáo việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư.
Thế nhưng, 3 tháng đầu năm 2016, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng có 18 bộ và 50 tỉnh đã “phớt lờ, bỏ qua” quy định này.
Thậm chí, có 4 bộ đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư có nội dung trái thẩm quyền về điều kiện kinh doanh trong khi Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trái luật nhưng chẳng ai thực hiện cả.
Thế là cái tình trạng “trên bảo dưới không nghe” vẫn tiếp diễn và các động thái hành xử sai quy trình, trái pháp luật đang song hành.
Ở xã hội chúng ta lấy “làm theo pháp luật” là tiêu chí hành động, từ chỉ đạo, điều hành đến thực hiện, thực thi đều phải tuân thủ pháp luật.
Còn việc “đúng quy trình” là áp dụng cho sự vận hành công việc, quản lý cũng như thực hiện. Không thể lấy sự “đúng quy trình” để biện minh cho việc làm sai pháp luật, trái đạo lý và thiếu lương tâm.