Quỹ đầu tư quyền lực nhất trên thị trường tiếp tục đổ tiền vào các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam bất chấp xu hướng rút vốn đang diễn ra ồ ạt tại các thị trường mới nổi và cận biên. Các nhà đầu tư ngoại vẫn chớp cơ hội mua vào cổ phiếu Việt.
Nhóm quỹ Dragon Capital vừa thông báo mua vào tổng cộng 813.110 cổ phiếu Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam - Gelex (GEX) để tăng sở hữu lên 13,6 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn nắm giữ 5,05% vốn vào ngày 22/6.
Cụ thể, Grinling International Limited mua thêm 154.100 cổ phiếu và Hanoi Investment Holdings Limited đã mua 659.000 cổ phiếu.
Tại Gelex, Dragon còn có 6 quỹ thành viên khác; trong đó Norges Bank là quỹ nắm giữ nhiều nhất với 4,24 triệu cp (1,58%); Amersham Industries (2,85 triệu cp), Viola Ltd (2 triệu cp), Idris (1,7 triệu cp), Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (668.000 cp) và Aquila SPC (550.000 cp).
Gelex được biết đến là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực dây và cáp điện tại Việt Nam nhưng đang mở rộng thêm sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng khác, trong đó có hạ tầng, logistics, bất động sản và đầu tư thâu qua M&A. Trong đó, công nghiệp là lĩnh vực truyền thống và là thế mạnh của Gelex, chiếm khoảng 70% doanh số.
Trong vài tháng qua, Dragon Capital cũng đã liên tục rót tiền vào các thương hiệu hàng đầu Việt như Vinhomes (VHM), Sabeco (SAB), Masan Group (MSN), PNJ, CEN Land, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)...
Trong năm 2017, Quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) - quỹ đầu tư lớn nhất vào lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam do Dragon Capital quản lý đã có một năm hết sức thành công với mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) lên đến 60% với những cái mã cổ phiếu đã tăng trưởng ấn tượng như: MWG, Vinamilk, VietJet, ACV, ACB, MBB.
Danh mục đầu tư của Dragon Capital tại Việt Nam lên tới hàng tỷ USD với một tỷ trọng lớn đổ vào các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam như: VinHomes, Khang Điền, Đất Xanh, CEN Land, Hải Phát, Kinh Bắc City, Hà Đô...
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn khá lớn. Nhiều cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản giảm khá mạnh. Áp lực chốt lời và thanh khoản thấp khiến một số cổ phiếu đầu ngành như Vàng bạc đá quý PNJ và VGC giảm sàn.
Cổ phiếu đầu ngành sữa Vinamilk cũng giảm. Trong khi đó phần lớn các cổ phiếu ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV,... cũng giảm và ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.
Nhiều CTCK cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn tích lũy và rủi ro điều chỉnh vẫn còn. Theo BVSC, rủi ro điều chỉnh về vùng hỗ trợ sâu hơn đang tăng lên. Áp lực bán tăng trong phiên 28/6 khiến rủi ro thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ sâu hơn (895-915 điểm) đang ngày một tăng lên.
Trong khi đó SHS cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn tích lũy. Thanh khoản khớp lệnh vẫn chưa có sự cải thiện với chỉ 130 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE cho thấy dòng tiền lớn vẫn chưa quay trở lại thị trường. Mặt khác, dòng tiền tiếp tục xu hướng chuyển dịch mạnh hơn sang thị trường phái sinh khi mà kỳ hạn gần nhất lập kỷ lục mới với hơn 140.000 hợp đồng.
BSC nhận định thị trường cần thêm thời gian và động lực rõ ràng hơn để dòng tiền quay trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch 28/6, VN-index giảm 11,56 điểm xuống 957,35 điểm; HNX-Index giảm 2,6 điểm xuống 107,06 điểm. Upcom-Index giảm 0,31 điểm xuống 51,65 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu cổ phần. Giá trị đạt 4,7 ngàn tỷ đồng.