Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau vừa qua đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "200 ngày Tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử".
Đi là thắng lợi, ở là quang vinh
"200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". |
Theo đó, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào năm 1954, Nam Bộ có 3 khu vực được chọn làm điểm tập kết đưa lực lượng cách mạng miền Nam ra miền Bắc.
Đó là các điểm: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh – Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. Trong đó, điểm Tập kết ra Bắc tại tỉnh Cà Mau có thời gian dài nhất, với 200 ngày (từ 21/7/1954 - 10/02/1955) và trung tâm của khu vực tập kết Cà Mau là kênh xáng Chắc Băng (nối ngã ba Sông Trẹm, thị trấn Thới Bình đến ngã ba sông Cái Lớn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: “Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Trung ương Cục niềm Nam, việc bố trí, sắp xếp lực lượng đi tập kết được Tỉnh ủy cân nhắc kỹ lưỡng, chu đáo, coi việc tập kết là một sự bố trí lực lượng để thực nhiệm vụ cách mạng mới, xác định rõ đi hay ở đều là nhiệm vụ cách mạng với tinh thần “đi là thắng lợi, ở là quang vinh”.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Trong thời gian 200 ngày Tập kết ra Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng hoạt động của chính quyền cách mạng tại Cà Mau rất có hiệu quả, đã làm đổi mới các khu vực ta mới tiếp quản trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.
Ngày 8/02/1955, chuyến tàu cuối chuyển quân ở Nam bộ từ khu tập kết rời bến Sông Đốc, kết thúc 200 ngày tập kết tại Cà Mau.
Những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã được Bác Hồ, Trung ương Đảng và đồng bào các tỉnh phía Bắc đón nhận, cưu mang, đùm bọc và tạo mọi điều kiện hỗ trợ sớm ổn định cuộc sống, tạo công ăn, việc làm, học tập, lao động và tham gia chiến đấu, có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, trong đó, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cán bộ cấp cao, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn - nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
“Việc tổ chức Hội thảo này, đặc biệt có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ là dịp để ôn lại những ký ức hào hùng của những ngày tập trung chuẩn bị và về những chuyến tàu tập kết ra Bắc, những năm tháng sinh sống, chiến đấu, lao động, học tập và những ân tình sâu nặng của quân, dân miền Bắc đối với những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh đã từng tham gia tập kết ra Bắc.
Đồng thời, để chúng ta phân tích, khẳng định và làm sâu sắc thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng và rút ra nhiều bài học quý báu của sự kiện tập kết ra Bắc, nhất là những chủ trương, quyết sách sáng suốt, tài tình, mang tầm chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng” - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định.
Tầm nhìn chiến lược
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Lý Việt Quang - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Để kịp thời ứng phó với sự biến đổi của tình hình mới, Trung ương Ðảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết định mang tầm chiến lược, đó là đưa một số đồng bào, chiến sĩ, con em cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam’.
Đại biểu tham quan khu trưng bày sách về sự kiện Tập kết ra Bắc. |
“Đồng chí Lê Duẩn là nhà lãnh đạo luôn nặng lòng với miền Nam, khát khao giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đồng chí cũng là nhà lãnh đạo tiêu biểu của việc sâu sát thực tiễn.
Chính vì vậy, đồng chí đã từ chối tập kết ra Bắc mà xin ở lại miền Nam và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng, giao phó.
Có thể khẳng định, nếu quyết định đưa một số cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc là quyết định mang tầm chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì quyết định phân công đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam cũng là quyết định thể hiện rõ tầm chiến lược đó” - PGS.TS Lý Việt Quang khẳng định.
Chia sẻ tại Hội thảo với chủ đề: "Thanh Hóa tiếp nhận, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 - Sáng mãi nghĩa tình", ông Nguyễn Ngọc Túy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết: “Với tầm nhìn chiến lược, thấy trước dã tâm của kẻ thù quyết phá hoại Hiệp định Giơnevơ và đàn áp, trả thù những người kháng chiến, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc kháng chiến và chuyển hàng vạn đồng bào, con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ vừa phục vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau khi thống nhất hai miền Nam - Bắc”.
Các đại biểu cũng trình bày tham luận đánh giá, vai trò công tác bảo đảm an ninh trật tự, bí mật quân sự trong 200 ngày tập kết ra bắc ở Cà Mau - giá trị và ý nghĩa lịch sử”; tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về sự kiện tập kết ra Bắc nhằm chuẩn bị lực lượng cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước… đồng thời, phân tích đánh giá ý nghĩa, tư liệu lịch sử, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của TW Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc quyết định 200 ngày Tập kết, chuyển quân ra Bắc tại tỉnh Cà Mau; những ký ức về tình đoàn kết quân dân của sự kiện Tập kết ra Bắc 1954 tại Cà Mau.
Tinh thần đoàn kết dân tộc
Bà Đinh Thị Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW, phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, bà Đinh Thị Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW cho biết: “Tỉnh Cà Mau là 1 trong 3 khu vực Nam Bộ được vinh dự chọn làm khu tập kết với thời gian dài nhất để tổ chức lực lượng vũ trang của các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu,...
Việc tổ chức Tập kết ra Bắc và tổ chức Tập kết 200 ngày ở Cà Mau không chỉ thực hiện nội dung Hiệp định Giơnevơ mà là một phần của công cuộc tái lập trật tự ổn định sau chiến tranh. Sự kiện này đã đi vào lịch sử và ghi dấu ấn không thể nào quên trong đồng bào cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai miền Nam - Bắc”.
“Hội thảo khoa học “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử", đặc biệt có ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với Cà Mau mà còn đối với cả nước.
Đây là một trong những hoạt động quan trọng kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc và là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại sự kiện lịch sử ‘tình sâu nghĩa nặng’ của đồng bào chiến sĩ nhân dân hai miền Nam – Bắc trong những ngày kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc” - Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW nhấn mạnh.
Qua đây, để giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên, thông qua các hoạt động tái hiện và Hội thảo 200 ngày Tập kết ra Bắc, giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tầm vóc, ý nghĩa, giá trị lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954, nhất là về 200 ngày xây dựng hình mẫu của một xã hội mới trong tương lai sau khi hòa bình lập lại.
Đồng thời, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam là những nhân tố làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Từ đó, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng nhiệt huyết, trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.