Dư luận quan tâm sự đặc biệt nhạy cảm như vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa an ninh - quốc phòng của ba đặc khu đối với đất nước.
Chưa bao giờ “câu chuyện đặc khu” được quan tâm như hiện nay. Dự Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đang được Quốc hội xem xét trước khi bỏ phiếu dự kiến ngày 12/6.
Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang Quốc hội sáng 4/6 chia sẻ vấn đề cho thuê đất đặc khu đến 99 năm đối với trường hợp đặc biệt đã gây ra “làn sóng khủng khiếp”, nhiều ý kiến tâm tư, tin nhắn, cuộc gọi, thư từ gửi đến Thủ tướng.
Một Đại biểu Quốc hội thì lập luận rằng, chúng ta đã làm sai chuẩn khi vẫn lấy mô hình của những đặc khu được coi là thành công của 20 - 30 năm trước, áp dụng các ưu đãi đã lỗi thời như: Ưu đãi thời gian sử dụng đất, nhân công rẻ mạt, casino. “Lấy thành công của quá khứ thành lợi thế của tương lai”, theo đại biểu này cảnh báo, đó là cách nghĩ rất đáng lo ngại.
Ai dám đảm bảo rằng họ nhìn xuyên được thế kỷ và chịu trách nhiệm với tương lai, khi mà tầm nhìn quy hoạch của các ngành, lĩnh vực của đất nước hiện nay chỉ 5 – 10 năm đã lạc hậu; làm một con đường mới chưa quá 5 năm đã phải “xén” trong, “xén” ngoài?
Trở lại với “câu chuyện đặc khu”, đây là một mô hình thu hút đầu tư rất phổ biến trên thế giới, từng tạo ra những phép màu về phát triển kinh tế nhưng không ít trong số đó cũng trở thành nỗi hổ thẹn. Sẽ rất khó để lấy một vài ví dụ thành công lẻ tẻ từ Trung Quốc hay Nhật Bản để khẳng định rằng “mô hình đặc khu” của họ với ưu đãi vượt khung, sẽ thành công trong việc xây dựng đặc khu ở nước ta. Trên thế giới, tỷ lệ thành công của các đặc khu là 50/50. Và giống như mọi thử nghiệm khác, nó có thể thành công hay thất bại, không chỉ có nụ cười mà nước mắt rơi đau đớn.
Liệu trong tư duy của những người “thiết kế chính sách”, xây dựng dự luật trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội như hiện nay có tránh được “bản sao” của các khu công nghiệp hiện hữu? Theo nhìn nhận của ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Đặc khu không phải là một ốc đảo trong nền kinh tế của Việt Nam mà trái lại phải nằm trong tầm chiến lược phát triển công nghiệp với những tầm nhìn, mục tiêu rõ ràng. Kế đó là phải có khuôn khổ theo dõi và đánh giá rất rõ ràng”. Tư duy của những “nhà thiết kế”, trong khi chưa trả lời được, vượt lên được đã bộc lộ nhiều sơ hở. Nếu tư duy làm đặc khu không khác gì cho thuê đất tối đa 99 năm để thể hiện “ưu đãi vượt bậc” cho những doanh nghiệp bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng thì thật buồn cười.
Cũng xin nhắc lại, tại phiên thảo luận ở hội trường hôm 23/5, một đại biểu cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta phải hết sức thận trọng, chúng ta sống đương đại có thể đại diện cho những thế hệ sống 100 năm nữa không?”.
Hy vọng, thế hệ của tương lai không phải nước mắt rơi?.