Câu chuyện hội nhập, hợp tác “win – win cùng thắng” không hề xa xôi mà hiện diện sinh động qua từng hạt giống, từng hội thảo đầu bờ.
Không ồn ào, nhiều tập đoàn nước ngoài đang tiếp cận nông dân Việt Nam một cách rất hiệu quả. Câu chuyện hội nhập, hợp tác “win – win cùng thắng” không hề xa xôi mà hiện diện sinh động qua từng hạt giống, từng hội thảo đầu bờ.
Bắt đầu từ hạt giống
Hộ gia đình ông Đoàn Trắc Mến, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã mạnh dạn đưa giống dưa leo lai F1 HMT 356 của Cty Hai Mũi Tên Đỏ (East West Seed – Hà Lan) vào trồng thử nghiệm từ hồi đầu năm nay và bước đầu đã đem lại nhiều tín hiệu khởi sắc.
|
Ông Trần Thiện Kiên – Giám đốc kinh doanh miền Bắc Cty Hai Mũi Tên Đỏ và ông Đoàn Trắc Mến, Chủ nhiệm HTX Nhân Thắng đang hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tại thôn Lê Lợi, xã Nhân Thắng (Gia Bình, Bắc Ninh). |
Vốn là một nông dân cần cù chịu khó, nhiều năm làm Chủ nhiệm HTX nên ông thường xuyên đọc báo, nghe đài, tiếp thu cái mới và luôn cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Sau khi được cán bộ khuyến nông huyện và nhân viên của Cty Hai Mũi Tên Đỏ tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật, ông Mến đã trồng thử giống dưa leo 356 trên phần đất ruộng nhà mình.
Theo ông Mến, dưa leo 356 là giống dưa chịu mát, dễ trồng, leo giàn khỏe và đẻ nhánh tốt. Đặc biệt, dưa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thu hoạch muộn hơn các giống dưa khác khoảng 10 ngày nhưng cho thời gian thu hoạch dài hơn, năng suất hơn cao hơn khoảng 15 - 20%, mẫu mã đẹp hơn.
Ngay vụ đầu tiên, giống dưa mới đã mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao so với các giống dưa khác, với giá bán buôn tại ruộng là 8.000 đồng/kg, bán lẻ 10 – 11 nghìn đồng/kg.
“Dưa cùng loại cũng chỉ bán được khoảng 6 nghìn/kg, nhưng dưa 356 nhà tôi lúc nào cũng bán được 10 nghìn. Nhìn quả dưa xanh thẫm, ruột đặc hơn, ăn ngọt và giòn nên nhiều người thích, vụ đầu thu hoạch được hơn chục triệu/sào. Vụ này đang thu hoạch, chắc sẽ khá hơn vụ trước”, ông Đoàn Trắc Mến phấn khởi chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Hữu là thương lái xã Nhân Thắng, Gia Bình, Bắc Ninh với kinh nghiệm nhiều năm đi thu mua nông sản cũng chung nhận định: “Cùng giống chịu mát thì giống dưa 356 của Cty Hai Mũi Tên Đỏ quả dài hơn, mẫu mã đẹp hơn, nhìn vỏ xanh thẫm, cầm nặng tay ăn rất giòn nên cũng dễ bán dù giá có cao hơn một chút so với dưa leo khác”.
Sát cánh cùng nông dân
Tham dự buổi hội thảo đầu bờ về giống dưa này hôm 11/10, có hàng chục hộ dân đến tham quan mô hình trồng dưa leo F1 356 của gia đình ông Đoàn Trắc Mến.
Theo nhận định của người dân nơi đây, dưa leo là loại dễ trồng, thời vụ ngắn, từ ngày xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 40 ngày. Việc chăm sóc cũng khá đơn giản.
Tuy nhiên, chị Phạm Thị Thúy, cán bộ khuyến nông huyện Gia Bình cũng lưu ý: “Diễn biến thời tiết năm nay có nhiều bất thường, một số hộ dân trồng dưa leo như gia đình ông Mến nhưng không đạt được năng suất cao do họ trồng với mật độ rất dày, lại không tuân thủ chặt chẽ về kỹ thuật và những khuyến cáo của công ty giống”.
Ông Trần Thiện Kiên - Giám đốc kinh doanh miền Bắc Cty Hai Mũi Tên Đỏ cho biết: “Chúng tôi luôn cam kết cung cấp những sản phẩm tốt, an toàn ra thị trường, mỗi vùng sản xuất đều có nhân viên thị trường phụ trách, kết hợp với cán bộ khuyến nông địa bàn trực tiếp hỗ trợ tư vấn người dân về kỹ thuật”.
Không phải tới bây giờ, từ lâu nay Cty Hai Mũi Tên Đỏ đã đồng hành, hợp tác “cùng thắng” với bà con nông dân trên khắp các cánh đồng.
Ông Đặng Văn Niên, Giám đốc kinh doanh Cty Hai Mũi Tên Đỏ cho biết: “Từ đầu năm tới nay, chúng tôi đã tiệm cận được gần 10.000 lượt nông dân để chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, đặc biệt là kỹ thuật trồng trọt những cây trồng mới”.
Với sự kiện gia nhập TPP mới đây, ông Niên tự tin rằng nền nông nghiệp Việt Nam sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực và vị thế của nông sản Việt trên thương trường quốc tế sẽ ngày được nâng cao.
“Là tập đoàn đa quốc gia hàng đầu về cung ứng các sản phẩm giống rau ở khu vực châu Á, Cty Hai Mũi Tên Đỏ hoạt động dựa trên tiêu chí “Một hạt giống tốt có thể làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu con người”. Do đó chúng tôi luôn có ý thức đầu tư vào nghiên cứu phát triển để tạo ra các giống cây trồng tốt nhất, có tính thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh và điều kiện khắc nghiệt, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân” - ông Niên nói.