Những người xác định làm ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội 3 là phải xác định công việc mình làm là một việc thiện. Bởi nếu trông chờ vào mức lương thỏa đáng có lẽ sẽ không ai muốn gắn bó với công việc này. Lương thấp, trợ cấp không đáng kể mà công việc lại nặng nhọc, trách nhiệm lớn và luôn đòi hỏi tâm, đức phải được đặt lên hàng đầu.
Tin nên đọc
Trung tâm văn hóa quận Bắc Từ Liêm bị "xẻ thịt" dựng quán cafe
Nỗi niềm của những người công tác tại Trung tâm bảo trợ xã hội
Ra mắt Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam
Nghệ An: Cách chức Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong
|
Nhân viên y tế luôn là người trực tiếp gắn bó, chăm lo cho các cụ. |
Trung tâm cũng bị… xù tiền
Ông Võ Thế Ái, một thành viên vào Trung tâm theo hình thức tự nguyện bày tỏ: “Công việc của các nhân viên Trung tâm bảo trợ quá khó nhọc. Họ phải thay quần, áo, làm vệ sinh cho các cụ già bệnh tật, lẫn lộn chẳng còn điều gì mà bám víu vào trên cõi đời này nên nhiều khi sinh tật, nhiều khi “làm mình, làm mẩy” rồi vô cớ chửi mắng cả những nhân viên đã chăm sóc, giúp đỡ mình. Tôi cho rằng, họ làm việc 1 tiếng đồng hồ bằng người khác làm 3 tiếng trong khi đồng lương vô cùng ít ỏi nên tôi phải đấu tranh cho các cô khi có ai đó không hiểu. Thế nhưng xã hội không phải ai cũng hiểu nỗi vất vả của họ đâu”.
Mỗi tháng ông Ái đóng góp vào Trung tâm 5 triệu đồng. Với số tiền này, đáng lẽ ông phải được khẩu phần ăn chất lượng cao hơn nhưng do Trung tâm mới thí điểm hình thức tự nguyện nên ông vẫn chung khẩu phần với mọi người.
Nhiều khi ông cũng khó ăn nhưng được các nhân viên, hộ lý động viên nên cố ăn hết khẩu phần. Nếu biết được rằng, ông Ái vốn là một nhà báo đã trực tiếp tham gia các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau này là chiến tranh biên giới thì mới thấy những sẻ chia, nhận xét của ông rất đáng tin cậy.
Sự khó khăn của những nhân viên trực tiếp phục vụ các cụ cũng được anh Bùi Tiến Thành, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Người già thường khó tính, lẫn nhiều nên gây khó khăn cho nhân viên, hộ lý hoặc nhiều khi không vừa ý là thường to tiếng với nhân viên. Nhưng xác định mình làm nghề dịch vụ nên vẫn phải lựa lời, động viên, chăm sóc các cụ. Trung tâm thường xuyên có khoảng 20 cụ phải nằm một chỗ nên điều dưỡng, hộ lý phải bón ăn, tắm giặt, vệ sinh tại chỗ. Tất cả họ đều xác định vào đây nhận mức lương nhà nước nhưng chất lượng dịch vụ phải bằng hoặc hơn các cơ sở xã hội hóa”.
Hiện Trung tâm có 103 cụ già neo đơn và 96 trẻ em. Giai đoạn trước đây do kinh phí hạn hẹp, mỗi cụ chỉ được trợ cấp 700.000 đồng/tháng nên đời sống cực kỳ khó khăn.
Tuy nhiên, mới đây mức trợ cấp được tăng lên thành 1.400.000 đồng/người nên cuộc sống của các cụ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, mỗi cụ còn được thêm 100.000 đồng chi phí khác.
Không chỉ khó khăn trong việc nuôi dưỡng, Trung tâm cũng gặp khó khăn trong thí điểm việc nuôi dưỡng tự nguyện.
Tính đến nay Trung tâm đã thí điểm được vài năm, dù các cụ vào đây đều có những khó khăn nhất định nhưng mức phí tối thiểu các cụ phải đóng là 3 triệu/tháng.
Tưởng là ổn định nhưng Trung tâm cũng đã bị… xù vài trường hợp, như một vài cụ chỉ đóng được vài tháng, sau đó khất lại vì chưa có tiền, Trung tâm cũng không thể ép các cụ đóng ngay.
Nhưng sau đó, các cụ nợ nhiều tháng nên buộc phải gọi người nhà đến thanh lý hợp đồng rồi đón cụ về.
Gắn với nghề vì “tính thiện” của công việc
Chị Nguyễn Tú Oanh năm nay 33 tuổi nhưng đã có thâm niên 10 năm làm hộ lý chăm sóc các cụ già ở đây. Chồng đi làm xa, chị Oanh có hai con nhỏ nhưng mỗi tuần phải trực một buổi tối.
Chị cho biết: “Các cụ già hay tích trữ giấy báo, túi ni lông, hộp sữa. Mỗi khi mình dọn vệ sinh, nếu cụ nào minh mẫn thì mình xin phép họ, họ đồng ý mới dám thu dọn bỏ đi, còn những người không minh mẫn, họ khó chịu, còn lấy gậy phang cho ấy, nhiều khi chúng tôi phải dùng bài “ù té quyền” để chạy đấy” - chị Oanh đùa vui.
Nhưng nhiều khi những niềm vui đến từ công việc không khỏa lấp được nỗi buồn, sự lo lắng của những nhân viên đã gắn bó với Trung tâm.
Bởi với họ, bên ngoài cánh cổng Trung tâm là nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhiều nhân viên chúng tôi gặp đều khẳng định vì công việc họ đã lựa chọn nên cũng phải vui vẻ mà làm.
Họ đều phải coi các cụ như người nhà thì mới làm được, bởi đồng lương và phụ cấp đều thấp, có người chưa được 3 triệu/tháng; người có thâm niên công tác cũng chỉ được đến 5 triệu/tháng là nhiều.
Chị Lê Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Y tế đã gần 20 năm gắn bó với Trung tâm này chia sẻ, sau chừng ấy năm gắn bó, chị nhận ra một điều, mình rồi cũng sẽ già như các cụ, biết đâu một ngày nào đó mình cũng cô đơn như các cụ thì sao?
Thế nên trong công việc chị luôn cố gắng phục vụ tốt để lấy đức cho mình, cho con. Chị luôn tâm niệm “Yêu trẻ trẻ đến nhà, yêu già già để tuổi cho”.
Không chỉ dặn lòng mình như vậy, mỗi lúc gặp những ca khó, với những nhân viên mới chị cũng tìm mọi cách có thể để động viên, giúp họ đỡ bỡ ngỡ và dần có thiện cảm và gắn bó với nghề.
Là người quản lý về công tác y tế, chăm sóc tinh thần, bệnh tật cho các cụ, chị Thanh cho biết: “Các cụ ở đây thuộc nhiều thành phần khác nhau, ai cũng đều có bệnh tật trong người. Người thì bệnh tim, người thì hen phế quản, người thì bệnh phổi. Do đó phải thuộc bệnh từng cụ để lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe tỉ mỉ, mong các cụ không bị bệnh tật đánh gục. Rồi còn phải để ý cả tính tình từng cụ để sắp xếp các cụ ở cùng phòng cho phù hợp”.
Gắn bó với các cụ gần 20 năm cũng khiến chị Thanh nhận ra tinh thần của mình gần như phụ thuộc vào trạng thái các cụ.
“Hôm nào nghe các cụ hát, yêu đời, thấy các cụ khâu quần khâu áo là yên tâm lắm, còn nếu thấy cụ cứ đờ người ra, ánh mắt xa xăm, vô hồn thì ngày hôm ấy cũng khiến tôi buồn lây vì cứ canh cánh trong lòng hình ảnh các cụ” - chị Thanh chia sẻ.
Khi nhắc đến những lý do quyết định gắn bó với trung tâm này và ra sức động viên anh chị em cũng nên gắn bó, chị cho rằng vì “tính thiện” của công việc và vì khi chị và các anh chị khác làm việc ở đây, con cái của mỗi người cũng học hỏi được sự quan tâm và biết chia sẻ với người khác.
Chị Thanh tự hào cho biết, đứa con lớn đang học lớp 8 của chị rất hay vào chơi và trò chuyện với các em mồ côi và các cụ già ở đây. Khi các em mồ côi trong Trung tâm học cùng trường, bị bắt nạt, cháu chạy về mách mẹ như chính em út của mình. Chị thấy vui vì qua công việc của chị đã lan tỏa và hun đúc lòng nhân hậu tới con trẻ.
“Làm ở đây tuy lương ít nhưng được cái các con ngoan ngoãn, biết yêu thương nên tôi bằng lòng với cuộc sống, với lựa chọn của mình” - chị quả quyết.