Kiểm sát viên luận tội Tội ác Vụ án gây rúng động cả vùng quê, nên khi Mười bị TAND tỉnh Vĩnh Long đưa ra xét xử lưu động về tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người, hàng trăm người kéo đến dự chật kín mấy vòng. Chủ tọa thẩm vấn: “Bị cáo 42 tuổi, đứa bé chỉ mới 7 tuổi, bé kêu bị cáo bằng chú, vậy mà bị cáo lại dụ dỗ đứa bé vào nhà để thực hiện ý đồ đồi bại của mình”. Bị cáo bào chữa rằng lúc đó say rượu nên mới hành động như vậy, chứ không say thì không làm như vậy. Chủ tọa: “Bị cáo đừng đổ thừa cho rượu, chính bị cáo có lối sống không lành mạnh, suốt ngày ăn nhậu, rồi xem phim sex mới hành động mất nhân tính như thế”. Chủ tọa thẩm vấn tiếp: “Bị cáo trả lời xem, đứa bé có xin bị cáo tha không? Bé có la hét, vùng vẫy tìm mọi cách thoát khỏi bị cáo để được sống không?”. Bị cáo: “Dạ, có”. Chủ tọa: “Vậy tại sao bị cáo lại nhẫn tâm thực hiện hàng loạt hành vi tàn độc giết chết bé?”. Bị cáo trả lời tại sợ bé đi nói cho mọi người biết về hành vi xấu xa của bị cáo nên bị cáo quýnh quáng, hoảng sợ mới hành động như vậy. Chủ tọa nghiêm giọng: “Chỉ vì sợ hành vi đê hèn của mình bị bại lộ mà bị cáo nhẫn tâm giết chết một đứa trẻ vô tội. Rồi nói tại mình hốt hoảng là không đúng. Từ cách ra tay giết người và hàng loạt các động tác nhằm che đậy tội ác của mình cho thấy bị cáo rất tỉnh táo chứ không hề hốt hoảng, run sợ...”. Trong suốt phiên xử, mẹ của nạn nhân nước mắt giàn giụa, thỉnh thoảng chị đưa tay ôm lấy ngực khi nghe nhắc đến từng hành vi của bị cáo. Người chồng phải đưa tay đỡ lấy vợ. Anh bảo vợ bình tĩnh nhưng khi bị cáo xin lỗi vợ chồng anh, hội đồng xét xử yêu cầu phát biểu thì anh đứng lên nói vài câu rồi nghẹn giọng không nói nổi phải nhường micro cho vợ. Người vợ giọng đứt quãng nhưng vẫn quyết liệt: “Lúc con tôi xin tha... nhưng ông vẫn tàn nhẫn giết con tôi... Giờ cho dù ông có hối hận cách mấy cũng không làm con chúng tôi sống lại...”. Nỗi đau tột cùng Cái chết oan khốc của đứa trẻ 7 tuổi khiến tôi tìm đến gặp cha mẹ của bé. Nhắc đến con, vợ chồng anh Phạm Hùng Cường và chị Trương Thúy Hằng lại khóc rưng rức. Chồng làm nghề thu mua phế liệu, còn vợ làm thuê ở cơ sở làm gối. Vợ chồng họ có hai con, B. là con đầu lòng, ngoan hiền, học giỏi. Cuộc sống tuy vất vả nhưng gia đình họ luôn rộn rã tiếng cười của hai con trẻ. Hai vợ chồng cật lực làm lụng với ước mơ quyết chí nuôi con ăn học thành tài. Nhưng rồi kẻ thủ ác xuất hiện đập nát
tất cả. Chị thổ lộ rằng mình giữ con rất kỹ bởi mai nghe chỗ này có trẻ bị bắt cóc, mốt chỗ kia có trẻ bị xâm hại. Vì vậy, chị từ chối đi làm thuê chỗ xa, chỉ làm ở cơ sở làm gối của người hàng xóm với tiền công tuy chỉ vài chục ngàn đồng/ngày, nhưng được chủ đồng ý cho dẫn theo hai con đến chỗ làm. Vào cái ngày định mệnh đó, cũng giống như bao ngày khác, hai đứa trẻ theo mẹ, khi mẹ ngồi làm, hai đứa chạy giỡn với nhau, đứa chị chạy ra phía sau... Thấy con vắng chừng 15 phút, chị tất tả đi tìm nhưng không thấy. Linh tính chuyện chẳng lành, chị hốt hoảng la lên nhờ mọi người tìm giúp. Đến khi nghe con bị kẻ ác giết chết, người mẹ đáng thương đã ngất xỉu. Thời gian đầu khi con mất, người mẹ trẻ như quẫn trí. Còn người cha tâm sự mỗi khi đi ngang trường con học hoặc thấy đứa trẻ nào trạc tuổi con mình là nỗi nhớ con lại cồn cào dâng lên khiến tim anh như có ai
bóp nghẹt. Dù không phải lỗi của mình nhưng hai vợ chồng cứ sống trong tâm trạng dằn vặt, đau đớn vì đã không bảo vệ được con. Chị nói trong giàn giụa nước mắt: “Hôm dự tòa nghe kiểm sát viên đọc cáo trạng, rồi nghe bị cáo nhận tội, tôi cứ nghĩ đến cảnh con bị giết chết một cách đau đớn mà thở không nổi. Đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi cảnh kêu la đau đớn, cầu cứu tuyệt vọng của con”. Rồi người mẹ tự trách mình: “Con đâu có biết, mẹ lúc đó cũng đang cuống cuồng tìm con. Con ơi! Mẹ có lỗi với con, mẹ đã không cứu
được con”. Tòa tuyên án tử hình Nguyễn Văn Mười. Bị cáo loạng choạng níu lấy vành móng ngựa. Người thân bị cáo òa khóc. Nhìn cảnh ấy, có người thở dài, giờ chắc bị cáo hiểu được cảm giác hoảng loạn cùng cực của bé khi cố vùng chạy, vẫy vùng la hét để tìm đường sống rồi. Sức nặng của bia miệng cộng thêm mức án tử khiến đôi chân bị cáo sụm xuống, cảnh vệ phải dìu lên xe, khuôn mặt của bị cáo nhăn nhúm, méo xệch... Bia miệng Giờ nghị án. Những người dự khán ngồi bình luận các tình tiết có trong hồ sơ vụ án cũng như những chuyện “lần đầu mới kể”. Họ bình phẩm đây là một trong những tội ác man rợ nhất bởi chỉ vì thỏa mãn dục vọng thấp hèn mà khiến những đứa trẻ bị tổn thương, ảnh hưởng đến cả cuộc đời, nhiều bé nghỉ học, nhiều gia đình phải bỏ xứ ra đi, mà tàn độc nhất là kẻ thủ ác sợ hành vi đồi bại bị phát hiện nên giết luôn đứa trẻ bịt miệng. Khoảng cách giữa bị cáo và người dự khán rất gần nên bị cáo đều nghe hết. Bị cáo không dám nhìn về phía sau, đầu cúi gằm. Chị bị cáo nói: “Xấu hổ lắm, ngày xưa nó không đến nông nỗi nhưng rồi nhậu nhẹt, xem phim đồi trụy mới dẫn đến tác tệ như vậy. Sau khi nó gây án, tất cả chúng tôi đi ra đường đều bị thiên hạ chỉ trỏ nặng nhẹ nào là “ác gì mà ác dữ”, “thất đức” nên chúng tôi hạn chế đi ra ngoài đến mấy tháng trời...”. | |