“Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Câu đúc kết dân gian về nón làng Chuông đã ra đời từ lâu lắm nhưng đến ngày nay nó vẫn vẹn nguyên giá trị bởi những nỗ lực giữ nghề của người làng Chuông, mà trong số đó đa phần là phụ nữ. Tương tự, điều đặc biệt ở làng gốm được xem là cổ nhất Đông Nam Á ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận) cũng chính là những sản phẩm hầu hết do phụ nữ làm ra...
|
Hơn 50 năm nay, nghệ nhân gốm Bàu Trúc Đàng Thị Phan, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận vẫn theo nghề truyền thống. |
Những người phụ nữ giữ nghề truyền thống
Nón làng Chuông nổi tiếng với chất lượng dày, bền chắc và mũi đều, mềm mại. Đến làng Chuông, hình ảnh dễ thấy nhất là người già, trẻ em ngồi khâu nón. Để có được một chiếc nón ưng ý như thế phải trải qua rất nhiều bước công phu như chọn lá, làm vòng nón, đặt lá rồi khâu... Khó khăn là vậy, nhưng các cụ già tuổi từ 80 đến 90 ở làng Chuông vẫn làm nón, có cụ khâu được 2 chiếc/ngày, tiền lãi kiếm được khoảng 50.000đ.
Ở làng Chuông nhiều người biết đến bà Phạm Thị Ký người phụ nữ làng Chuông khâu nón từ khi 10 tuổi, năm nay 93 tuổi. Mỗi ngày bà còn khâu được một chiếc nón. Nón làng Chuông cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu chiếc nón mỗi năm. Không chỉ cung cấp nón cho khắp miền Bắc, mà nón làng Chuông những năm trở lại đây đã theo các đoàn khách du lịch, đông nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... ra nước ngoài. Một số du khách nước ngoài yêu quý chiếc nón Việt đã về tận làng Chuông để tham quan và mua những món quà lưu niệm mang về quê hương.
Đến với thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận không ai là không biết nghệ nhân gốm Bàu Trúc Đàng Thị Phan, người đã có 50 năm theo đuổi nghề. Theo lời kể của nghệ nhân, từ năm 18 tuổi bà đã học nghề gốm từ cụ cố nội. Đời bà nội, rồi đến mẹ bà đều gắn bó với gốm Bàu Trúc. Năm 2006, bà tự hào là nghệ nhân gốm Việt Nam duy nhất được sang Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản… trong vòng 2 tháng để thi tay nghề và đoạt giải Nhất.
Khi đó, các nghệ nhân nước ngoài mang tới hội thi nào là những bàn xoay, máy móc cắm điện, thì nghệ nhân Đàng Thị Phan chỉ mang theo đất và chiếc… lược gãy đôi. Thế nhưng, Ban giám khảo và du khách quốc tế vô cùng ngỡ ngàng và thán phục tài trình diễn làm gốm “có một không hai” của người nghệ nhân Bàu Trúc này – tất cả đều làm bằng tay và hoa văn được bà tạo ra từ mẩu lược gãy.
Bà Đàng Thị Phan là một trong số nhiều người phụ nữ đang nỗ lực giữ nghệ gốm Bàu Trúc. Điều đặc biệt ở làng gốm được xem là cổ nhất Đông Nam Á này đó chính là những sản phẩm hầu hết do phụ nữ làm, bởi nghề được truyền theo kiểu “mẫu hệ” của người Chăm. Gốm Bàu Trúc của người Chăm đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và trình UNESCO xét duyệt, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
|
Bà Phạm Thị Ký khâu nón từ khi 10 tuổi, năm nay 93 tuổi mỗi ngày khâu được một chiếc nón. |
Bên cạnh những người phụ nữ như bà Phạm Thị Ký người phụ nữ làng Chuông, nghệ nhân Đàng Thị Phan 50 năm theo đuổi nghề gốm Bàu Trúc mà không hề thấy nản thì vẫn còn rất nhiều người phụ nữ nữa đã và đang nỗ lực từng ngày, từng giờ giữ nghề truyền thông của quê hương. Đó là chị Ngần, 32 tuổi đang làm thợ nhúng hương tại làng Cao Thôn, xã Bảo Khê, Hưng Yên.
Hàng ngày chị đi làm từ 4h sáng ở một nơi rất bụi, nóng nhưng không thể bật quạt với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đó là những người phụ nữ ở làng nghề đúc gang Mỹ Đồng (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Một làng nghề đã có hơn nửa thế kỷ hoạt động, dù môi trường làm việc luôn nóng, bụi nhưng người phụ nữ thực hiện hầu hết các khâu trong qui trình tạo ra sản phẩm...
Tôn vinh cả những giây phút đóng góp, cống hiến cho xã hội
Nhiều người đã biết Nhiếp ảnh gia Lê Bích đam mê chụp ảnh giếng. Bộ sưu tập ảnh giếng cổ trên khắp mọi miền Tổ quốc của anh khá phong phú. Nhưng lần này, nhân vật trong triển lãm ảnh “Sắc màu cuộc sống” (hiện đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đến ngày 30/9) của nhiếp ảnh gia Lê Bích là những người phụ nữ.
Họ là người đang hàng ngày giữ gìn mạch sống của các làng nghề, như: nghề gốm, làm hương, làm muối, nón, dệt thổ cẩm… và cả những người phụ nữ làm việc nặng nhọc như nam giới trong các xưởng đúc gang không khí nóng hơn 40 độ, những phụ nữ làm việc 12 - 13 giờ mỗi ngày tại bãi phế liệu, người phụ nữ trẻ chèo đò ở chùa Hương, ở công ty môi trường đô thị không kịp về nhà cúng giao thừa giữa ca làm việc thông cả hai năm…
Theo chia sẻ của tác giả, anh đã dành trọn 12 năm đi dọc 30 tỉnh, thành của đất nước hình chữ S để trò chuyện, chia sẻ và ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên, rất đời của những người phụ nữ ở mọi miền Tổ quốc.
Ẩn chứa đằng sau hình ảnh đôi bàn tay lấm lem bùn đất, những giọt mồ hôi tuôn rơi, ánh mắt đầy lo toan vất vả hay nụ cười, những thời khắc nghỉ ngơi hiếm có là những thông điệp nhân văn và đầy ý nghĩa. Đó chính là cách chúng ta tôn vinh những cống hiến của họ trong việc gìn giữ, phát triển các làng nghề - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của đất nước.
Thấu hiểu thông điệp này, tại lễ khai mạc triển lãm, ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan cũng chia sẻ suy nghĩ: “Văn hóa Việt Nam cho phép chúng ta tôn vinh những người phụ nữ, không chỉ tôn vinh trong các cuộc thi hoa hậu, các cuộc thi sắc đẹp, hay những gì rất lộng lẫy, mà tôn vinh họ ngay cả những giây phút họ đóng góp, cống hiến cho xã hội”.
Được biết, sau Triển lãm, tác giả Lê Bích tặng lại 40 bức ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để những bức ảnh kèm theo thông điệp mà chúng truyền tải sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam cần mẫn, khéo léo, hiền dịu và sáng tạo với đông đảo công chúng trong và ngoài nước đến tham quan Bảo tàng, cũng như truyền cảm hứng cho công chúng, để mỗi người thêm trân trọng những con người lao động chân chính.