Với tất cả các nước trên thế giới, ngày Quốc khánh luôn là một ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm lịch sử, phong tục, tập quán, ngày Quốc khánh ở các nước cũng có những điểm riêng rất thú vị, điển hình như các nước dưới đây
|
Quốc khánh Mỹ là ngày 4/7. |
Quốc khánh Mỹ lẽ ra là 2/7?
Ngày nước Mỹ giành được độc lập thực chất là ngày 2/7/1776.
Theo sử gia người Mỹ Kenneth C. Davis, vào ngày 3/7/1776, Tổng thống Mỹ John Adams đã viết thư về nhà cho vợ là bà Abigail, trong thư nói rằng ngày 2/7 “sẽ đi vào lịch sử”. Tuy nhiên, phải đến ngày 4/7, Quốc hội Mỹ mới phê chuẩn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ do ông Thomas Jefferson soạn thảo, công nhận cuộc bỏ phiếu hai ngày trước.
Vẫn theo sử gia trên, ban đầu, cụm từ nổi tiếng “mưu cầu hạnh phúc” trong bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ là “mưu cầu tài sản”. Tuy nhiên, ông Thomas Jefferson sau khi suy nghĩ rất nhiều đã quyết định thay đổi từ tài sản thành hạnh phúc, đẩy giá trị và ý nghĩa của bản Tuyên ngôn lên một tầm cao hơn.
Ngày 4/7/1777, nước Mỹ lần đầu tiên tổ chức lễ kỷ niệm Ngày độc lập với 13 loạt đại bác, tương ứng với 13 thuộc địa ban đầu của nước Mỹ. Năm 1870, chính phủ Mỹ mới chính thức quy định ngày 4/7 là ngày nghỉ lễ đối với các nhân viên liên bang nhưng những người này khi đó vẫn không được trả lương cho ngày nghỉ này. Phải đến năm 1938, người lao động ở Mỹ mới bắt đầu được trả lương trong ngày nghỉ này.
Một điểm thú vị khác được mà nhiều người sẽ nghĩ đến ngay khi nhắc tới ngày Quốc khánh Mỹ là sự trùng hợp đến lạ kỳ: chỉ ít năm sau khi Mỹ giành được độc lập thì có đến 3 trong 5 đời tổng thống đầu tiên của nước này qua đời vào đúng ngày 2/9. Đó là các Tổng thống: John Adams - tổng thống thứ 2, Thomas Jefferson - tổng thống thứ 3 và người thứ 3 là James Monroe – tổng thống thứ 5 của nước Mỹ.
Ngày nay, vào dịp Quốc khánh, người Mỹ thường tổ chức diễu hành, các lễ hội ngoài trời và bắn pháo hoa để chào mừng. Đây cũng là lễ hội xúc xích lớn nhất trong năm của người Mỹ.
Theo một số ước tính, trong ngày độc lập mỗi năm, người Mỹ tiêu thụ khoảng 155 triệu chiếc xúc xích. Ngoài ra, trong ngày này, người Mỹ cũng thường tranh thủ đi du lịch, với hàng triệu lượt người đi nghỉ dưỡng trong ngày này.
Quốc khánh Ấn Độ trùng nhiều nước
Quốc khánh của Ấn Độ hiện nay là ngày 15/8/1947 nhưng đây không phải là ngày nước này giành được độc lập.
Năm 1947, trước các cuộc bãi công quy mô lớn của các công nhân Ấn Độ ở nhiều thành phố lớn ở nước này, thực dân Anh đã quyết định đi đến thỏa thuận với giai cấp tư sản Ấn Độ về việc tách Ấn Độ thành 2 nước là Ấn Độ với các công dân theo Ấn Độ giáo và Pakistan của những người Hồi giáo.
Theo thỏa thuận, 2 nước này được hưởng quy chế tự trị và được thành lập chính phủ riêng của mình. Ngày thỏa thuận này được ký kết là ngày 15/8/1947. Tử tước AnhMountbatten chọn ngày 15/8 bởi đây cũng là ngày kỷ niệm 2 năm kể từ khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh.
|
Các hoạt động chào mừng Quốc khánh được tổ chức rầm rộ ở Ấn Độ. |
Ngoài Ấn Độ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Bahrain và Congo cũng có cùng ngày Quốc khánh 15/8. Đặc biệt, ở thời điểm năm 1947, Ấn Độ vẫn không có Quốc ca dù bài Quốc ca hiện nay của nước này “Jana Gana Mana” đã được viết từ năm 1911.
Mãi đến năm 1950, khi Ấn Độ tuyên bố độc lập và chính thức thành lập nước Cộng hòa Ấn Độ thì bài hát này mới trở thành Quốc ca của nước này.
Quốc kỳ của Ấn Độ lần đầu được kéo lên là ngày 7/8/1906 tại Quảng trường Parsee Bagan. Lá cờ khi đó bao gồm các ngang màu đỏ, vàng và xanh lá cây. Còn cờ hiện tại của nước này bao gồm 3 màu. Dải màu vàng nghệ nhạt trên cùng tượng trưng cho lòng dũng cảm và sự hy sinh, phần giữa màu trắng là biểu tượng của hòa bình, sự thực, sự tinh khiết còn dải màu xanh dưới cùng là hiện thân của đức tin, khả năng sinh sản và tinh thần thượng võ.
Trong ngày Quốc khánh, Thủ tướng Ấn Độ sẽ có bài phát biểu ở Pháo Đài Đỏ, New Delhi, trong đó nhấn mạnh những thành tựu và những việc mà nước này đã làm được trong 1 năm cùng những biện pháp để thực hiện những tồn tại trong năm tiếp theo.
Trong ngày Quốc khánh này, nhiều hoạt động tôn giáo và lễ hội được tổ chức tưng bừng ở khắp cả nước. Đặc biệt, vào ngày này, nhiều người ở Ấn Độ cùng làm diều để thi, với nội dung là cố gắng hạ diều đối phương xuống mặt đất.
Chính trò chơi này là nguyên nhân dẫn đến một số vụ chết người do bị dây diều sắc có nguồn gốc từ Trung Quốc cứa cổ xảy ra hồi tháng 8 vừa qua.
Quốc khánh Pháp và giải Tour de France
Quốc khánh Pháp hay còn được gọi là Ngày Bastille được tổ chức vào ngày 14/7 hàng năm.
Ngày Quốc khánh Pháp được tổ chức để kỷ niệm ngày các binh sỹ xông vào nhà ngục Bastille ở Paris để giải cứu các tù nhân chính trị đang bị giam giữ ở đây. Sự kiện này diễn ra vào ngày 14/7/1789, được xem là sự kiện khơi mào cho cuộc Cách mạng Pháp.
Trong ngày Quốc khánh, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trên khắp cả nước này, trong đó hoạt động được tổ chức lâu đời nhất và có quy mô lớn nhất là lễ diễu binh được tổ chức vào ngày 14/7 ở Điện Élysées tại Paris với sự chứng kiến của Tổng thống, các quan chức Pháp cùng các khách mời ngoài.
|
Pháp diễu binh mừng ngày Quốc khánh. |
Ngoài ra, các lễ bắn pháo hoa, tiệc tùng cũng được tổ chức ở khắp nơi. Ngày Quốc khánh của Pháp cũng là dịp giải đua xe đạp danh tiếng Tour de France thường được bắt đầu.
Việc lựa chọn thời điểm này được nhiều người lý giải là để các tay đua có được tinh thần thi đấu mạnh mẽ hơn, giúp họ có khả năng giành được chiến thắng ngay tại nước mình cao hơn.
Bên cạnh đó, theo truyền thống, các nhân viên thuộc lực lượng cứu hỏa Pháp cũng thường tổ chức các bữa tiệc khiêu vũ vào dịp Quốc khánh của nước này.
Quốc khánh Tây Ban Nha
Quốc khánh Tây Ban Nha, trong tiếng Tây Ban Nha là Fiesta Nacional de Espana, được tổ chức vào ngày 12/10 để kỷ niệm ngày Columbus đặt chân tới châu Mỹ vào năm 1906. Đây cũng là ngày kỷ niệm của Các lực lượng vũ trang Tây Ban Nha.
|
Vua Felipe V của Tây Ban Nha cùng vợ là Hoàng hậu Letizia, Công chúa Leonor và Công chúa Sofia thamđự cuộc diễu hành quân sự nhân ngày Quốc khánh Tây Ban Nha tại Madrid (Ảnh: AFP) |
Tây Ban Nha được đánh dấu bằng lễ thượng cờ của nhà vua ở Madrid sau đó là hoạt động diễu binh của, phô diễn các vũ khí và đạn dược của đất nước. Các lực lượng vũ trang Tây Ban Nha trong ngày này cũng thực hiện các buổi trình diễn các hoạt động nhào lộn trên không.
Tuy nhiên, các hoạt động đường phố lại khá yên ắng. Các văn phòng, cửa hàng hầu hết đều đóng cửa còn người dân ở nhà xem diễu binh và trình diễn qua TV.
Quốc khánh Israel không cố định theo Dương lịch
Quốc khánh Israel được tổ chức để kỷ niệm ngày David Ben-Gurion đọc bản Tuyên ngôn độc lập của Israel, chính thức thành lập Nhà nước Israel vào năm 1948.
Hàng năm, ngày Quốc khánh Israel được tổ chức vào ngày 5 tháng 8 theo lịch riêng của Israel là lịch Hebrew. Lịch Hebrew không cố định tương ứng với dương lịch nên ngày Quốc khánh của Israel mỗi năm cũng sẽ thay đổi về ngày dương.
Ngày này cũng sẽ được chuyển dịch lên sớm hoặc muộn hơn để tránh các ngày thứ 2, thứ 6 hoặc 7. Vào năm 1948, ngày này rơi vào ngày 14/5 dương lịch.
Mỗi năm, người Israel sẽ tổ chức nghi lễ mừng Quốc khánh chính thức tại núi Herzl ở Jerusalem vào buổi tối ngày Quốc khánh.
Nghi lễ này bao gồm bài diễn văn của Chủ tịch Quốc hội, biểu diễn nghệ thuật, thượng cờ Israel, một số nghi lễ truyền thống và lễ thắp 12 ngọn đuốc tượng trưng cho 12 tộc người Israel.
Mỗi năm, 12 công dân Israel có những đóng quan trọng cho xã hội trong một số lĩnh vực sẽ được mời để thắp những ngọn đuốc. Các sự kiện ngoài trời như các buổi biểu diễn ca nhạc của các nghệ sỹ nổi tiếng và bắn pháo hoa cũng được tổ chức ở nhiều thành phố.
Trong dịp này, Israel cũng cấm ô tô ở các tuyến phố xung quanh các quản trường để người dân nhảy múa, hát ca trên phố.
Tranh cãi về Quốc khánh Australia
Quốc khánh của Australia được tổ chức vào ngày 26/1 hàng năm để kỷ niệm ngày Hạm đội tàu Anh đầu tiên đặt chân đến cảng Jackson, New South Wales và kéo cờ Anh ở Sydney vào năm 1788.
Hiện nay, ngày Quốc khánh của Australia được tổ chức để thể hiện sự đa dạng của xã hội Australia, những cảnh đẹp của đất nước.
Trong ngày này, người Australia tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng và gia đình, thể hiện lịch sử của Australia, trao các giải thưởng cộng động hay trao quyền công dân cho những người mới gia nhập cộng đồng người Australia.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều người Australia bản địa cho rằng ngày 26/1 thực chất là ngày người châu Âu xâm chiếm vùng đất của họ và bày tỏ sự phản đối việc chọn ngày này làm ngày Quốc khánh của Australia. Những người này cho rằng ngày Quốc khánh hiện nay của Australia phải gọi là Ngày xâm chiếm hay Ngày sống sót và đòi chọn ngày khác làm ngày Quốc khánh.