TAND TP Hồ Chí Minh và TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên án về xử lý vật chứng trong vụ Hứa Thị Phấn đã gây ra nhiều tranh cãi.
Thời gian qua, các vụ án về vi phạm các quy định về quản lý kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến nhiều bị cáo từng là lãnh đạo, quản lý của các ngân hàng được đưa ra xét xử khá nhiều và được dư luận hết sức quan tâm.
Vụ việc điển hình mới đây nhất là vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm. Qua quá trình xét xử vụ án, các bị cáo đầu vụ là Hứa Thị phấn, Bùi Thị Kim Loan, Ngô Kim Huệ đã bị kết án các tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài việc tuyên hình phạt chính và trách nhiệm dân sự các bị cáo phải gánh chịu, bản án của TAND TP Hồ Chí Minh và TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên về xử lý vật chứng đã gây ra nhiều tranh cãi.
|
Nhiều vấn đề còn gây tranh cãi liên quan vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm. |
Cụ thể, Tòa án hai cấp tuyên về số tiền hơn 5200 tỷ đồng bị cáo Phấn hạch toán thu khống để sử dụng của ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) được xác định là vật chứng vụ án, trong đó có số tiền 200 tỷ đồng bị cáo Hứa Thị Phấn khai đã dùng để chuyển cho Tổng công ty cổ phần xây dựng Điện Việt Nam (VNECO), tuyên buộc Tổng Công tyCổ phần Xây dựng Điện Việt Nam phải hoàn trả lại số tiền 200.000.000.000 (hai trăm tỷ) đồng được xác định là vật chứng vụ án, cho Ngân hàng CB.
Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Với khái niệm “vật chứng” thì trước hết phải là “vật” chứ không thể là cái gì khác. Dưới góc độ ngôn ngữ học thì khái niệm “vật” được hiểu là “cái có hình khối và có thể nhận biết được”. Thông qua định nghĩa về “vật” ta có thể hiểu cái có hình khối tức là có kích thước (dài, rộng, cao) và có trọng lượng mà con người có thể nhận biết được thông qua các giác quan như mắt nhìn, tay sờ, cầm, nắm; thông qua các giác quan đó chúng ta cảm giác được nặng, nhẹ, to, nhỏ. Như vậy, các sự vật, hiện tượng mang tính hữu hình cụ thể đều thuộc khái niệm “vật” và có thể là vật chứng trong vụ án hình sự. Vật chứng có thể bao gồm: Vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có. Tiền bạc là một loại tài sản, là phương tiện thanh toán, tiền bạc có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ; các loại kim khí quý, đá quý, ngân phiếu, cổ phiếu có giá trị thanh toán, trao đổi trên thị trường. Trong một số trường hợp tiền bạc có thể thuộc khái niệm vật là phương tiện phạm tội, vật là đối tượng của tội phạm. |
Như vậy, tiền là vật chứng của vụ án hình sự khi nó hiện hữu, xác định được hiện đang ở đâu và biết rõ số lượng các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi thêm là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số in trên đồng tiền.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, số tiền 200 tỷ đồng Tòa án xác định là vật chứng vụ án và buộc VNECO hoàn trả lại đã được bị cáo Ngô Kim Huệ thanh toán cho VNECO thông qua một giao dịch hợp pháp, đã có hiệu lực pháp luật. VNECO không thể biết được nguồn gốc số tiền này và đây là nguồn tiền bất hợp pháp cũng như không được quyền biết nguồn tiền bà Huệ chuyển trả lấy từ đâu.
Luật sư Cường cũng cho biết, tiền là tài sản vật cùng loại chứ không phải loại vật đặc định, đồng thời vật cùng loại này đã được chuyển giao trong các giao dịch dân sự, nay không thể xác định được số tiền bà Huệ chuyển cho VNECO đang ở đâu nên việc thu giữ tài sản coi là vật chứng vụ án như bản án đã tuyên là không có căn cứ.
Tài sản mà các bị cáo Hứa Thị Phấn, Ngô Kim Huệ, Bùi Thị Thu Loan phạm tội mà có là vật cùng loại, vật đó đã được chuyển giao trong các quan hệ dân sự hợp pháp, sau khi nhận số tiền từ bà Ngô Kim Huệ thì VNECO đã sử dụng, chi trả cho các nghĩa vụ tài chính của mình… Hiện nay không thể xác định được vật (số tiền) đó đang ở đâu, có thể ở Kho bạc nhà nước hoặc do các cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm giữ. Mặt khác không thể xác định được số tiền Ngân hàng CB bị mất là loại tiền gì, đặc điểm như thế nào do đó không thể thu giữ giống như thu giữ đối với các loại vật đặc định được.
Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, đại diện VNECO cho biết, thực tế, sau khi nhận lại tiền từ bà Ngô Kim Huệ, năm 2010-2011 VNECO đã sử dụng toàn bộ số tiền đó để nộp thuế hoặc thanh toán các chi phí cho các dự án công trình điện quốc gia góp phần cấp điện kịp thời cho sự nghiệp CNH HĐH đất nước, mang lại lợi ích cho quốc gia và đã hòa vào dòng tiền kinh doanh của VNECO. Sự việc về các giao dịch này cũng đã hoàn tất cách đây gần 8 năm. Theo phương pháp truy ngược dòng tiền thì bây giờ không biết tiền nào là tiền của bị cáo Ngô Kim Huệ chuyển trả theo biên bản thanh lý HĐ đầu tư.
Do đó người bảo vệ quyền lợi cho VNECO cho rằng bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm chỉ tuyên các bị cáo phải trả số tiền đó và cho thi hành án đối với tài sản của bị cáo thì mới hợp pháp. Việc yêu cầu VNECO phải trả lại số tiền mà VNECO được sở hữu hợp pháp từ giao dịch dân sự hợp pháp, đã có hiệu lực là chưa đúng với quy định pháp luật.
Dư luận đang mong chờ một phán quyết cuối cùng từ tòa án. Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.