Ngày 21/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp Hội Làm vườn Việt Nam và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức diễn đàn cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng.
Tham dự diễn đàn có ông Lê Thanh Tùng - Phó cục Trưởng Cục trồng trọt, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam; ông Nguyễn Văn Mười - Phó Trưởng Cơ quan phụ trách Chi nhánh phía Nam; ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, các đại diện doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân cùng tham gia.
Hiện nay trái sầu riêng Việt Nam đang được giá và xuất khẩu chính ngạch, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 85% sản lượng, đạt 60.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2023.
Riêng tỉnh Đồng Nai hiện có 6 cơ sở đóng gói và 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích trên 820 ha, sản lượng khoản 20.000 tấn được mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, hiện có vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 1.800 ha với 4 cơ sở đóng gói sầu riêng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) năm 2022 cả nước có 110 nghìn ha. Trong tổng số diện tích trồng cây sầu riêng trên cả nước, hiện có hơn 54 nghìn ha đang thu hoạch, năng suất bình quân 16,5 tấn/ha, sản lượng hơn 849 nghìn tấn. Sầu riêng tập trung tại 4 vùng, gồm: Tây Nguyên chiếm hơn 47% diện tích cả nước; đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 30%; Đông Nam Bộ chiếm gần 19% và duyên hải Nam Trung Bộ chiếm 4,2%.
Trong những năm gần đây diện tích trồng Sầu riêng tăng nhanh, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, thiếu tính liên kết sản xuất, đầu ra chưa thật sự ổn định. Vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát diện tích sầu riêng, xây dựng đề án phát triển sản xuất theo vùng tập trung, gắn với đầu tư khâu đóng gói, chế biến. Đồng thời, quy hoạch toàn diện vùng cây ăn quả tập trung, trong đó, có cây sầu riêng và phát triển thành vùng chuyên canh để thuận lợi cho sản xuất áp dụng cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục Trưởng Cục trồng trọt, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, việc tăng diện tích trồng quá đột ngột, kỹ thuật canh tác và thu hoạch chưa hợp lý, tranh mua tranh bán dẫn đến chất lượng thấp, không đạt hiệu quả kinh tế đã làm ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu sầu riêng trong và ngoài nước. Chặt phá những loại cây khác để trồng mới sầu riêng ở những khu vực đất đai, điều kiện tưới tiêu và thổ nhưỡng không phù hợp cũng là một khó khăn và hạn chế cần có hướng khắc phục.
Hiện nay, vấn đề có nên tăng diện tích hoặc khuyến cáo giảm diện tích trồng cây sầu riêng hay không còn là vấn đề bỏ ngõ, chưa ai có thể trả lời được. Bởi, không biết thị trường xuất khẩu sẽ như thế nào trong những năm tới.
Theo ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai: Sầu riêng là một trong những loại cây trồng chủ lực của địa phương, với diện tích gần 1.400ha, đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ, sản lượng khoảng 70 nghìn tấn. Cùng với phát triển sản xuất, tỉnh Đồng Nai đang tích cực thực hiện theo quy chuẩn của thị trường tiêu thụ để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu quả sầu riêng.
Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong việc canh tác, thu hoạch sầu riêng được mùa được giá trong thời gian tới, các vườn trồng cần áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trong canh tác và thu hoạch, kể cả bảo quản và vận chuyển trong việc tiêu thụ. Qua đó, công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn tỉnh cần được giám sát chặt chẽ để phục vụ xuất khẩu.