Nhìn cảnh bạt ngàn những dãy nhà liền kề, khu biệt thự ở hai đô thị lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hoang phế, trơ gan cùng tuế nguyệt mà người dân thấy xót của, vì sự lãng phí. Tính ra không biết là bao nhiêu tỷ đồng bị hoang phí.
VietnamNet mới đưa tin về khu đô thị Xuân Phương ( Từ Liêm, Hà Nội) đã xây dựng 227 căn nhà cao 4 tầng, phục vụ cán bộ câp thứ trưởng và tương đương, hiện công tác trong các cơ quan của Quốc hội. Tổng mức đầu tư dự án này trên 411 tỷ đồng.
Nhà thì đã xây xong, hạ tầng đã hoàn thiện, ấy thế mà khu đô thị hơn bốn trăm tỷ này vẫn chỉ có lác đác vài căn nhà sáng đèn, cỏ dại thi nhau mọc.Vòng qua Cầu Giấy, Hà Đông, Hoài Đức, sang Gia Lâm, Long Biên… là thấy cảnh nhà xây xong để đó.
TPHCM, rảo bước sang quận 2, quận 9, quận 7 thì cũng chỉ thấy những dãy biệt thự, nhà liền kề tiền tỷ bỏ hoang.Không người ở, không hoàn thiện thủ tục pháp lý căn nhà, nhà nước thì thất thu thuế. Người nước ngoài đến Hà Nội, TPHCM thì chắc ai ai cũng phải tặc lưỡi tấm tắc khen, rằng Việt Nam giàu thật, nhà xây vài chục tỷ xong rồi bỏ đó.
Thử hỏi có nước nào lại hoang phí nhà ở như nước mình? Những ngôi nhà xây xong không có người ở đã là chuyện “biết rồi, nói mãi” trong nhiều năm qua. Nhưng trong thực tế thì người cần nhà lại không có nhà để ở. Nhiều phương án được đưa ra để “xử lý” nhà bỏ hoang, nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại là đề xuất.Dư luận thì nguyên nhân chính là cái “tội” vung tay quá trán.
Vung tay quá trán không chỉ minh chứng ở những khu đô thị nghìn tỷ bỏ hoang, mà còn được minh chứng ở “cán cân” giữa ngân sách các địa phương và dự toan xây trụ sở.Thời báo Ngân hàng đưa ra cảnh báo. Nghệ An thu NNSN dự toán năm 2014 là 6.420 tỷ, kinh phí dự toán xây trụ sở là 2.200 tỷ, chiếm 34% tổng thu NSNN; Thái Bình nổi tiếng “đất ăn chơi”, dự toán thu NSNN là 2.840 tỷ đồng, kinh phí xây dựng trụ sở dự kiến là 2.000 tỷ, chiếm 70%...
Sóc Trăng còn bạo chi hơn, trong khi dự toán thu NSNN chỉ là con số nhỏ nhoi là 930 tỷ đồng, nhưng dự chi xây trụ sở lên tới 2.200 tỷ đồng…Một tỉnh ở miền núi phía bắc, về Hà Nội thấy nhà cao tầng nhìn cũng lạ là, thế là cũng xây nhà cao tầng cho “bằng chị, bằng anh”, để rồi chẳng thấy ai đến ở.Chưa hết, chuyện xây tượng đài mà địa phương nào cũng đang “trình sớ” xin phê duyệt.
Theo báo Giao thông thì ở huyện nghèo Lộc Hà ( Hà Tĩnh) mới thành lập chưa đầy chục năm,cũng đã mạnh tay chi tới 240 tỷ làm làm đường rộng 10 làn xe. Đường thì đẹp, người thì thưa thớt, chẳng phải trục đường giao thông chính, nên chỉ lác đác người đi.Những cây cầu vượt cho người đi bộ ở Hà Nội làm xong, dân vẫn cứ thói quen băng đường. Vỉa hè lát vài năm lại bóc đi lát lại…
Tốn kém tiền của nhà nước lắm, chẳng thấy ai tiếc, ai xót.Nhưng, có một cây cầu được người dân đặt tên một cô giáo cắm bản, đăng tải trên báo Lao động Nghệ An, ra đúng ngày Nhà giáo Việt Nam, thật ý nghĩa.
Đó là cô giáo Đặng Thị Oanh, 21 tuổi đã xung phong lên dạy ở Na Ngoi ( Kỳ Sơn, Nghệ An)- nơi lưng chừng đỉnh núi Phu Xai Lai Leng. Thương học sinh miền núi nghèo khó, vất vả đến trường, cô giáo Oanh san sẻ đồng lương, mua gạo nấu cháo để học sinh không đói bụng những ngày giáp hạt, học sinh của cô Oanh không mấy vắng mặt. Người dân yêu cô giáo, thương cô giáo, coi cô là người con của bản.
Cô giáo về lại miền xuôi, con suối mà học sinh, người dân mong có một cây cầu, nay cũng đã có, chính quyền tìm tên để đặt cho cây cầu, người dân bản Na Ngoi đồng lòng xin đặt tên cô giáo Oanh.
Dân bản nhớ cô giáo và chiếc cầu mang tên cô là tấm lòng tri ân với cô giáo, người đã đem con chữ cho con cái họ, để đổi đời.Tiền chi đúng nơi, đúng chỗ dân yên lòng, cho hoang phí dân xót. Tất cả cũng từ tiền ở dân mà ra.