Sông Chu. Ảnh internet |
Trường nằm giữa vùng đất Hai Vua, bên trái là quê hương vua Lê Đại Hành, nhà Tiền Lê. Bên trên là đền đài, miếu mạo, vương triều nhà Hậu Lê, đứng đầu là vua Lê Lợi. Xung quanh trường là khu đồng bãi của người dân hai xã Xuân Yên và Phú Yên huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Quanh năm bốn mùa xanh tốt hoa màu.
Tối qua, cô bạn cùng lớp gọi điện mời về dự nhân dịp Kỷ niệm 40 năm ngày ra trường. Cả đêm tôi không ngủ được vì xốn xang, bồi hồi. Nhớ về ký ức một thời.
Khóa chúng tôi năm 1981 -1984, thời cả nước đều gian khó. Học trò trường quê nên khó khăn gấp bội. Thời đó bạn nào có xe đạp để đi học là “oách” lắm. Mình nhà nghèo nên chỉ cuốc bộ. Tới năm cuối cấp mới trọ lại gần trường.
Cứ sáng sớm hơn 4h sáng bố sẽ gọi tôi dậy. Vệ sinh cá nhân xong là đi học. Nhà tôi cách trường hơn 10 cây số. Cả làng chỉ có mình tôi đi bộ nên sáng nào cũng vậy, bố đều đi cùng cho tới khi gặp được người đi chợ thì ông mới quay về. Xã tôi xưa tên gọi Thọ Trường với ba làng hợp thành. Đó là làng Nội, làng Ngoại và làng Căng. Nhà tôi ở làng Ngoại. Thường đi hết làng, vào địa phận làng Nội, bố tôi sẽ quay về. Có lẽ ông nghĩ có người đi chợ rồi nên tôi sẽ bớt sợ ma hơn, còn ông cũng yên tâm khi con gái có người đi cùng dẫu không quen biết.
Xã thuần nông, mọi chi tiêu đều trông chờ vào hạt lúa. Quanh năm đói kém do mất mùa vì lũ lụt. Trong ba làng, chỉ có làng Nội là đất học, có nhiều người đỗ đạt hơn nữa làng cũng gần chợ nên cuộc sống đỡ hơn làng Ngoại và làng Căng. Nhà tôi nghèo do đông con và các anh chị đều đi học đại học. Nên cái ăn còn chưa đủ nói gì đến cái mặc. Cả năm chỉ đúng một bộ đi học là tươm tất, còn ở nhà là quần áo vá chằng vá đụp. Sáng sớm đi học thường là nhịn đói, trưa tan học là quãng đường đáng sợ nhất vì đói, vì nắng. Sợ nhất là mùa đông mưa phùn, gió bấc. Cái rét của mùa đông miền Bắc lạ lắm. Nó cứ thun thút, lạnh từ trong lạnh ra, buôn buốt các đầu ngón tay, ngón chân. Có bao nhiêu áo rách, áo vá mặc hết vào trong mà vẫn cứ rét, cứ run cầm cập. Vì rét nên rất nhanh đói. Nhiều hôm về tới nhà, vừa đói vừa rét vàng cả mắt.
Dù đói, dù rét, dù khó khăn vất vả nhưng chưa bao giờ tôi có suy nghĩ bỏ học. Vì thương mẹ và sợ bà buồn. Cả cuộc đời mẹ đã lam lũ, tảo tần hy sinh hết vì con. Mùa hè nắng chang chang hay mùa đông mưa phùn gió bấc, cả cánh đồng nhiều khi chỉ còn mình mẹ vẫn cặm cụi công việc. Lúc bé có một lần mải chơi tôi bị cô giáo phê bình, chị gái biết được. Chị không la mắng mà chỉ hỏi rằng: Làm sao em nhận ra mẹ khi mẹ ở ngoài đồng?
Ngây thơ nên tôi nói ngay: sao lại có thể không nhận ra mẹ mình cơ chứ. Chị tôi im lặng rồi nhẹ nhàng nói: Ngốc ạ, cả cánh đồng chỉ có mẹ, lúc nào cũng lam lũ, đầu đội nón mê, quần ống thấp ống cao, tay chân tất bật không hề ngơi nghỉ. Sao em lại làm mẹ buồn?
Lời chị nói và hình ảnh của mẹ dầm mình trong mưa phùn gió bấc theo tôi cùng năm tháng. Sau này và đến tận bây giờ khi cuộc sống đã thảnh thơi hơn, nhiều đêm tôi vẫn giật mình thảng thốt đi tìm mẹ trên cánh đồng xưa.
Nhà nghèo, con đông, đói rét nhưng chị em tôi luôn cố gắng học hành. Vì nếu không cố gắng sợ phụ công lao của mẹ tần tảo sớm hôm. Mẹ luôn nói rằng, mẹ không có gì cho các con, ngoài việc chăm lo để các con đi học, để học được nghề. Nếu không học được nghề thì cũng biết để làm người. Thủa bé nghe vậy, tôi cứ cười, và thấy lạ lắm vì có hiểu gì đâu. Thậm chí còn nghĩ mẹ lẩm cẩm, vì ai sinh ra mà chẳng là người. Rõ là ngô nghê con nít.
Trong suy nghĩ của chị em tôi, mẹ vô cùng vĩ đại. Chồng đi công tác xa biền biệt, một đàn bảy đứa con, lít nhít trứng gà, trứng vịt chỉ mình mẹ vừa đồng áng vừa dạy bảo. Còn đâu sự xuân sắc, khuê các của con gái cụ đồ xưa, hằn trên khuôn mặt mẹ là sự lam lũ và vết rạn của thời gian. Chỉ khi 4 anh chị tôi vào đại học và bố tôi về hưu mới đỡ phần nào cho mẹ.
Dài dòng đôi chút vì những năm học cấp 3 (1981 – 1984) là thời điểm nhà tôi khó khăn nhất, nhưng lúc đó cũng là tình hình chung của đất nước.
Lớp 8A ban đầu không đông lắm, vì là lớp được nhà trường chọn từ cả khóa dựa trên điểm thi trúng tuyển đầu vào. Lớp mới, bạn mới, trường mới và thầy cô cũng mới. Bé giờ tôi chỉ quanh quẩn ở làng, nay được đi xa (dù chỉ cách nhà hơn 10 cây số) và được gặp biết bao người mới nên mỗi ngày đi học là sự háo hức tột cùng. Nên dù nghèo, dù khó khăn, vất vả, chưa bao giờ tôi chùn bước vì điều đó.
Vì là lớp chọn nên nhà trường khá ưu ái, bố trí các thầy, cô giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn đứng lớp. Những giờ toán của thầy Yêng luôn là quá ít. Chỉ khi thầy nói: “buổi truyền thanh đến đây kết thúc…”, lớp mới ồn ào đứng dậy tạm biệt thầy. Hay những giờ văn của thầy Hà Xuân Sâm, tôi tin mọi người trong lớp đều muốn thời gian hãy dừng lại vì thầy dạy quá cuốn hút. Qua lời thầy, các nhân vật trong tác phẩm như bước ra cuộc sống thực. Như câu chuyện vừa mới xảy ra chứ không phải từ trong tác phẩm.
Thầy luôn mang tới cho học trò sự thăng hoa về cảm xúc, vì bản thân thầy khi giảng thầy đã luôn hóa thân thành nhân vật của tác phẩm. Chỉ một tiếng thở dài của chị Dậu (Tắt đèn – Ngô Tất Tố) thôi mà thầy đã cho chúng tôi như thấy rõ không khí căng thẳng làng quê khi tới mùa sưu thuế. Nhân vật qua lời thầy vô cùng sống động, như hiện hữu, như “nhìn“ thấy, và nhiều lúc có cảm giác như “ ngửi “ được mùi cháo hành của chị Nở nấu cho anh Chí.
Cứ thế, con bé nhà quê là tôi, được thầy “tưới” đẫm tâm hồn bằng các tác phẩm, các nhân vật đông, tây, kim, cổ. Từ Leptonxtoi với Chiến tranh và hòa bình hay Anna Karenina cho tới Alexandre Dumas (cha và con), và nhiều gương mặt văn nhân nổi tiếng. Nhìn thầy ai cũng nghĩ thầy giống nhà tu hành khổ hạnh, nhưng khi thầy cất tiếng thì tất cả như dừng lại nhường chỗ cho nhân vật trong tác phẩm mà thầy đang hóa thân. Con nít nhà quê, đã biết yêu là gì nhưng khi nghe thầy nói về tình duyên của cô Kiều, lũ chúng tôi đều ngậm ngùi thương cảm. Tôi và các bạn chắc sẽ không quên mối tình khắc khoải, trong sáng nhưng cũng quá bi thương mà nhà thơ Khổng Văn Đương đã viết trong bài “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng”.
“Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát
Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc thổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?”
Không thể quên được hình ảnh cô gái Romania cô đơn trên tuyết trắng đi tìm người yêu trong vô vọng. Từng câu, từng chữ trong bài thơ như bóp nghẹn trái tim, dù không ai trong chúng ta là nhân vật chính. Sức mạnh của văn học quả thật diệu kỳ. Biết ơn thầy về những trang văn, về cuộc sống tâm hồn mà thầy đã khai mở. Chỉ tiếc tôi không có năng khiếu văn chương, lại không chuyên tâm khi học nên “văn dốt, vũ dát”. Lớn hơn một chút ngẫm lại thấy tiếc và đó là điều nuối tiếc không nguôi. Nhưng trong sâu thẳm tôi biết ơn thầy về sự khai mở tâm hồn đó. Với tôi cũng như các bạn, sự khai mở đó của thầy, với từng cá nhân đã định hình nhân cách.
Văn là người. Sau 40 năm, nhờ sự khai mở của thầy, tôi và các bạn thu nhận được gì khi mưu sinh cuộc sống? Mưu sinh cuộc sống là cơm áo, gạo tiền, là lời và lỗ, là được và mất, là cho và nhận, là vinh hoa, phú quý, là sang hèn, ô trọc, là tất thảy mặt phải, trái ở đời. Nhưng dù là gì, quan trọng nhất thầy đã cho chúng ta biết phân biệt và đứng vững giữa lằn ranh phải, trái, đúng, sai. Đồng thời chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm và sẽ làm. Đó cũng chính là “Văn dĩ tải đạo”. Đạo làm người.
40 năm dời xa mái trường, xa các thầy, cô và bạn cùng lớp. Nhiều khi mệt mỏi quá trên bước đường vô định, hãy cho phép mình mở ký ức xưa, tuổi hoa niên học trò. Để cười, để khóc, và rồi bước tiếp.
Xưa, nay chủ đề trường xưa, lớp cũ, dự họp khóa cũ…. Luôn làm xốn xang, bồi hồi với bất kỳ ai. Vì đó là vùng ký ức của thời hoa niên. Song nhiều người vẫn ngại, không về họp lớp. Và tôi đồ rằng họ ngại vì cứ nghĩ mình chưa thành đạt, rằng mình thua kém nhiều bạn quá, hoặc cũng có người ngại vì gặp lại người xưa… thôi thì có đủ lý do.
Tôi ơi, bạn ơi. Đừng ngại.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng thành đạt. Chỉ là chúng ta chưa nhận ra thôi. Vì trong giới hạn của mình, chúng ta mỗi người đều có thành tựu nhất định mà mình hướng tới. Hay như lời thầy Sâm dạy, chúng ta sống tốt, sống thiện lương thì đó là sự thành công và thành đạt. Và quan trọng nhất, rằng chúng ta về trường là chúng ta về lại mái nhà xưa, về nơi lưu giữ ký ức tuổi hoa niên. Nơi chúng ta được khai mở tâm hồn. Đã là về” nhà “ thì không còn chức, tước. Không còn “ ông to, bà lớn”, bỏ lại sau lưng tất cả, chỉ còn ký ức xưa để thực tại ùa về trong nỗi nhớ. Như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã viết :
“Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?
“Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy”
“Mười chú chứ, nhìn xem trong lớp ấy”
(Ôi những trận cười trong sáng ấy lao xao)
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ, rồi đến mùa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm
Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ…
(Chiếc lá đầu tiên – Hoàng Nhuận Cầm).
Thì cơn cớ gì chúng ta lại ngại không về chỉ vì một lý do lãng nhách!
Về đi, các bạn. Về tìm lại tuổi hoa niên. Về lại nhà xưa với thầy, cô và chúng bạn.
Cuộc sống, không phải cái gì “cũ” cũng mang hàm ý xấu và không tốt. Đồ cũ, nếu có điều kiện chúng ta thay mới nhưng tuy “cũ ta mà mới người”. Vì tuy “cũ” nhưng chưa hư. Nhà cũ, vì nhỏ hoặc kinh tế khá hơn nên chúng ta đổi sang biệt thự, thi thoảng vẫn muấn đi qua chỉ để nhìn chút thôi cho đỡ nhớ.
Nếu “chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ”, vì một lý do gì đó không tương đồng nên phải chia xa, thì cũng không hẳn là xấu. Nên các cụ dạy rằng, duyên chỉ có thế. Thật nhẹ nhàng thấm đẫm nhân văn. Vậy “nhà cũ, trường xưa hay lớp cũ“ luôn đong đầy ký ức. Tin tôi đi, bạn có thể dùng tiền mua được rất nhiều thứ. Nhưng ký ức từ Trường xưa, lớp cũ thì không tiền nào mua được.
Nên về nhé bạn ơi!