Nhà văn Thạch Lam. Ảnh internet |
Thạch Lam sinh năm 1910, mất năm 1942, tên thật là Nguyễn Tường Lân, quê ở Hải Dương. Ông là nhà văn nổi tiếng với lối viết trữ tình, ghi dấu ấn trong lòng người đọc.
Thạch Lam viết không nhiều, nhưng tác phẩm nào của ông cũng được biết đến rộng rãi, như tập truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa, Nắng trong vườn. “Hà Nội băm sáu phố phường” là tập tuỳ bút, ra đời từ năm 1943.
“Hà Nội băm sáu phố phường” vốn chỉ là những bài đăng báo viết theo kỳ, sau tập hợp lại in thành sách, được đánh giá cao. Qua tác phẩm này, nhà văn Khái Hưng coi Thạch Lam làm một nghệ sĩ, một thi sĩ về khoa thẩm vị. Bởi nhiều bài trong cuốn sách viết về phở, bánh, xôi, hàng ốc… rất tài tình.
Cách miêu tả về ẩm thực làm người đọc phải thèm ăn và xuýt xoa. Về phở, Thạch Lam viết: “Nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt, với hành tây đủ cả”.
“Hà Nội băm sáu phố phường” là cuốn sách không nhiều bài viết, có bài rất ngắn, nhưng đã lột tả được hồn cốt Hà Nội xưa. Cách đặt tên từng bài viết tuy đơn giản nhưng cho ta cảm giác thích thú, như: Người ta viết chữ Tây; Phụ thêm vào phở; “Mìn páo” và “Giầy giò”; Những thứ “Chuyên môn”; Người ta viết chữ Tây… Hà Nội xưa được Thạch Lam viết chân thật, cảm xúc và cũng… tếu táo.
Tả về Hàng Đào, Thạch Lam viết: “Ở đây, có đủ để làm một gánh xiếc. Trước hết có hiệu trâu vàng, đi với hiệu chuông cũng vàng, hẳn thế. Ấy là câu chuyện huyền thoại của ông Khổng Minh Không đã được hình tượng ra bằng hai cái biển. Rồi đến hiệu bò vàng, cá chép vàng (cá chép hoá long thì đúng hơn và con cá này đã trái luật chạy lên Hàng Ngang rồi), con lạc đà không biết đến đây để làm gì/, con gà sống – kim kê hẳn thôi, con hươu sao, con kỳ lân, con phượng (lại hoàng), con rùa rùa (kim quy), con rùa rùa này về núi rồi, con vịt che ô… Con tê giác thì kể là vật dữ, nhưng con tê giác ở Hàng Đào thì lành lắm: nó không cắn ai bao giờ…
Thạch Lam cũng cho biết, vào thời ông thì đã ngoài sáu chục năm người dân nước mình học chữ Pháp, các biển hàng ở Hà Nội thì chiếm đến chín phần mười là viết chữ Pháp. “Nhiều hàng, tuy chỉ giao thiệp với khách hàng Việt Nam thôi, cũng để toàn chữ Pháp”.
Không chỉ viết về phở, Thạch Lam còn viết về bún chả. Thạch Lam cho rằng, bún để làm bún chả thì sợi mảnh và cuộn từng lá mỏng, chả phải là thịt ba chỉ, phải dùng cặp tre tươi nướng mới ngon. Nước chấm thì là loại nước mắm không mặn pha giấm không quá chua, cho thêm mấy giọt chanh. Thạch Lam cũng nhận định rằng, bún chả Hà Nội đặc biệt là vì có rau húng Láng, vì rau húng Láng mới có vị húng.
Qua ngòi bút Thạch Lam, ta thấy một góc Hà Nội xưa hiện lên sắc nét: “Cứ quãng từ chín mười giờ, có khi khuya hơn nữa, trong lúc các sòng bạc, các người đánh đã thua cay, - lúc trong các tiệm hút, các diện tẩu đã có khi nóng xái – là giờ bà hàng ấy đội thúng đi rao”.
Ở một đoạn khác, Hà Nội xưa có gì đó giống với Hà Nội nay: “Đêm khuya nữa… ở các con đường vắng, một bóng người lủi thủi đi, một chấm lửa nhỏ lung lay theo từng bước. Chậm chạp và thong thả, bác hàng quà đi nhẹ như chân ma, thỉnh thoảng cất lên một tiếng rao khe khẽ, ngắn và chóng chìm vào quãng tối. Giầy giò… giầy giò”.
Giọng văn Thạch Lam trong “Hà Nội băm sáu phố phường” cứ nhẩn nha, giản đơn nhưng thật sự sắc nét. Hẳn thế mà tác phẩm này đến nay vẫn được coi là một tác phẩm đặc biệt của Thạch Lam, và được nhiều người ca ngợi, tìm đọc.