Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các Bộ, ngành sớm trình đề xuất hướng quản lý phù hợp, nhưng hiện vẫn chưa có quyết sách cuối cùng đối với thuốc lá mới. Phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 12/11, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh đây là vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau từ các nhà hoạch định chính sách, giới khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.
|
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn (Nguồn: quochoi.vn) |
Ý kiến khác biệt xung quanh thuốc lá mới
Tại Việt Nam, bên cạnh quan điểm cấm từ Bộ Y tế, Bộ Công Thương từng đề xuất nhiều phương án quản lý trong gần 10 năm qua, từ quản lý hoặc thí điểm cả thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử, hoặc chỉ thí điểm thuốc lá nung nóng - vì đây là sản phẩm tương thích với định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Nhìn lại quá trình đề xuất chính sách của Bộ Công Thương, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay: “Trong khi lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan thì nhiều Bộ, ngành đồng thuận với đề xuất của Bộ Công Thương và chỉ đạo của Chính phủ nhưng cũng có những Bộ phản đối, đặc biệt là Bộ Y tế”.
Trong nước, thông qua việc viện dẫn tính độc hại của các sản phẩm này dựa trên số liệu ca nhập viện do sử dụng dung dịch thuốc lá điện tử chứa chất cấm từ thị trường chợ đen, một chuyên gia y tế trong nước nhận định: “Cứ cấm, không cần phải nghiên cứu, đánh giá” .
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh, tình trạng vi phạm đối với thuốc lá truyền thống và thuốc lá mới chủ yếu là hàng nhập lậu. Do vậy, theo các chuyên gia, chính việc bỏ trống khung pháp lý trong thời gian dài đã tạo điều kiện cho vấn nạn này ngày càng biến tướng, tinh vi, gây ra chuỗi hệ lụy lên xã hội như tấn công vào học đường hay ma túy trá hình trong thuốc lá điện tử.
Các chuyên gia đánh giá, việc xem xét một sản phẩm chỉ thông qua hệ lụy từ thị trường chợ đen thay vì kiểm chứng khoa học đối với sản phẩm chính danh, là chưa toàn diện, công bằng. Hiện đã có nhiều bằng chứng khoa học từ các tổ chức y tế quốc tế hoặc Chính phủ của các nước nhưng lại chưa được các cơ quan chuyên môn trong nước kiểm định.
Từ góc nhìn khoa học, TS.BS. Nguyễn Minh Đức - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM nhận định, mặc dù thuốc lá truyền thống, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử đều gây hại cho sức khỏe, song chúng không phải là ma túy. “Hiện nay chưa có nghiên cứu lâu dài để khẳng định cái nào nguy hiểm hơn cái nào, nhưng về mặt cơ bản, thuốc lá truyền thống nguy hiểm hơn”, BS. Đức nêu quan điểm cá nhân.
Sẽ có giải pháp phù hợp với thuốc lá mới trong thời gian tới
Bên cạnh nhận diện những tồn tại, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và các bên liên quan để đưa ra giải pháp tăng cường quản lý với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá khác. Theo đó, Bộ Y tế sẽ chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để báo cáo Quốc hội.
Chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu chính sách toàn diện đối với thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới khác. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng từng nhận định, việc kiểm soát thuốc lá mới là một vấn đề đa chiều, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau, từ y tế, sản xuất, thuế, thương mại đến quản lý nhà nước.
Trong đó, còn có vai trò khoa học, kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ. Được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia cho thuốc lá nung nóng vào năm 2020, khẳng định thuốc lá nung nóng có chất nền (nguyên liệu) là thuốc lá và không có phản ứng đốt cháy như thuốc lá điếu truyền thống.
Theo các chuyên gia, vấn đề quản lý thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử nói riêng, cũng như các lĩnh vực còn khoảng trống pháp lý nói chung, cần được thực thi trên tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới.
Theo đó, cần tránh tư duy cứng nhắc cũng như “không quản được thì cấm”. Các chính sách cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Đồng thời, việc ban hành chính sách cũng cần sớm được thực hiện, bởi thị trường chợ đen không từ mọi thủ đoạn để trục lợi với những lĩnh vực còn khoảng trống pháp lý như thuốc lá mới.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra khái niệm “Mức độ rủi ro tương quan của các sản phẩm thuốc lá”. FDA khẳng định, không có thuốc lá nào là an toàn, nhưng về mặt khoa học, vị trí của các sản phẩm thuốc lá trên chuỗi nguy cơ đối với sức khỏe là khác nhau. Theo đó, những sản phẩm thuốc lá đốt cháy như thuốc lá điếu là nguy hại nhất lên sức khỏe. Trong khi đó, những sản phẩm thuốc lá không đốt cháy nhìn chung thường có mức độ rủi ro đối với sức khỏe thấp hơn so với thuốc lá điếu hay các sản phẩm thuốc lá đốt cháy khác. |
PV