Trước đó, vào tháng 8/2024, UBND TP HCM có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL xem xét đưa di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Lân Sư Rồng TP HCM” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật Lân Sư Rồng TP HCM thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Chủ thể của di sản này là cộng đồng người Hoa trên địa bàn TP HCM. Trong đó, lâu đời và nổi tiếng nhất từ trước cho đến ngày hôm nay là cộng đồng người Hoa ở Quận 5, Quận 6 và Quận 11.
Múa Lân Sư Rồng, nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Hoa tại TP HCM. |
Nghệ thuật Lân Sư Rồng là một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP HCM. Bên cạnh các yếu tố nghệ thuật, múa Lân Sư Rồng còn mang ý nghĩa tâm linh và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa.
Ba linh vật Lân, Sư, Rồng đều mang tính thần thoại, đại diện cho mong ước thịnh vượng, may mắn, xua đuổi điềm xấu. Nghệ thuật múa Lân Sư Rồng là sự kết hợp trình diễn giữa các bộ môn múa võ, xiếc, đánh trống... Những động tác uyển chuyển, mạnh mẽ và đầy tính nghệ thuật của hình tượng linh vật, kết hợp với âm thanh sôi động của trống, thanh la và trang phục tạo nên một bữa tiệc của thị giác, âm thanh cuốn thu hút người xem.
Hoạt động biểu diễn Lân Sư Rồng thường gắn với các lễ hội như Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu,... và còn xuất hiện trong lễ động thổ, khai trương nhằm cầu mong may mắn, thịnh vượng, công việc hanh thông.
Múa Lân Sư Rồng khai xuân với mong muốn mang lại nhiều may mắn, tài lộc và sự thịnh vượng. |
Nghệ thuật Lân Sư Rồng còn giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần tạo nên của cải vật chất, ổn định và phát triển kinh tế Thành phố. Bên cạnh đó, còn giúp cân bằng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, giải quyết nhu cầu giải trí và hoạt động cộng đồng mà con người trong xã hội hiện đại không thể thiếu.
Ở một góc độ khác, Nghệ thuật Lân Sư Rồng còn mang nhiều yếu tố nhân văn. Nhiều đoàn Lân Sư Rồng đã tập hợp được các trẻ em lang thang, cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn, tạo dựng công ăn việc làm, nhằm hạn chế việc các em rơi vào các tệ nạn xã hội hay nguy cơ vi phạm pháp luật, góp phần ổn định trật tự xã hội…
Không chỉ người Hoa, nhiều người Kinh, Khmer và Chăm tại TP HCM cũng đam mê và tham gia thực hành loại hình nghệ thuật độc đáo này. Sự ra đời của Liên đoàn Lân Sư Rồng TP HCM đã tạo động lực khôi phục và lan tỏa mạnh mẽ phong trào biểu diễn trên khắp các quận, huyện.
Nghệ thuật múa Lân Sư Rồng là sự kết hợp trình diễn giữa các bộ môn múa võ, xiếc, đánh trống... |
Như vậy tính đến nay, TP HCM đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ, Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và Nghệ thuật Lân Sư Rồng TP HCM.
Theo đánh giá của các chuyên gia văn hóa, múa Lân Sư Rồng là một kho tàng văn hóa vô giá, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam. Qua thời gian, giá trị văn hóa và du lịch của nghệ thuật Lân Sư Rồng ngày càng được khẳng định, thu hút du khách khắp nơi, góp phần tạo nên một không khí lễ hội sôi động. Việc duy trì và phát triển nghệ thuật này không chỉ bảo tồn di sản văn hóa mà còn là một cách để thúc đẩy du lịch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế địa phương.
Ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở VHTT TP HCM) chia sẻ, dự kiến Lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa ở TP HCM" sẽ được tổ chức sau Lễ hội Nguyên tiêu năm 2025.
Đây hứa hẹn là sự kiện văn hóa đặc sắc, tôn vinh giá trị di sản và khẳng định vai trò của cộng đồng người Hoa trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.