Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ngành thuế cần cải cách về thể chế chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực cán bộ.
Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 đã góp phần thay đổi rất lớn đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh trong nước.
Trong năm 2015, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN - 6, đó quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, nhất là trong việc cải cách thủ tục hành chính về thuế.
Vậy, việc triển khai thực hiện Nghị Quyết 19/NQ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực thuế đã đạt được kết quả gì và có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp, Phapluatplus.vn đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế xung quanh vấn đề này.
|
Bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế. |
Thưa bà, theo đánh giá của các chuyên gia, thuế là một trong những ngành đi tiên phong và đạt hiệu quả cao trong cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ. Bà đánh giá về vấn đề này?
Trước hết phải khẳng định Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế đã có một quyết tâm, nỗ lực rất cao trong việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Bộ Tài chính được Chính phủ đánh giá là một trong những Bộ đi đầu trong việc cải cách thủ tục hành chính về thuế.
Nghị quyết 19 đặt ra mục tiêu đưa thời gian của doanh nghiệp ngang bằng với ASEAN - 6, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về thuế của doanh nghiệp của Việt Nam phải giảm được 415,5 giờ, tức là còn 121,5 giờ, cùng với bảo hiểm, làm sao cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm phải giảm xuống được còn 171 giờ.
Trong năm 2014 - 2015, với sự quyết tâm cao trong việc thực hiện cải cách theo Nghị quyết 19, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật sửa 04 luật, Chính phủ ban hành một Nghị định sửa 05 Nghị định và Bộ Tài chính đã ban hành 01 Thông tư sửa 07 Thông tư.
Với sự cải cách về thuể chế, ứng dụng công nghệ thông tin, có thể nói, đến nay, số giờ của doanh nghiệp theo như cách tính của Ngân hàng thế giới đã giảm được 420 giờ. Người dân, doanh nghiệp chính là đối tượng thụ hưởng, được hưởng lợi trên cơ sở những cải cách đó.
Mặc dù những kết quả đạt được trong việc cải cách thủ tục hành chính về thuế đã có tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp của chúng ta vẫn chưa đặt 100% niềm tin vào những cải cách này. Quan điểm của bà như thế nào về nhận định này?
Có thể nói, yêu cầu và đòi hỏi của doanh nghiệp luôn rộng mở hơn rất nhiều. Thực tế, tất cả những cải cách mà cơ quan thuế triển khai thực hiện trong giai đoạn vừa qua đã tương đối rộng so với mục tiêu về giảm giờ của Nghị quyết 19.
|
Ngành thuế cần cắt giảm thủ tục để thu hút môi trường kinh doanh. |
Bởi vì, tất cả những gì liên quan đến thuế, tất cả những thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân và doanh nghiệp, đều đòi hỏi cơ quan thuế phải cải cách, phải thay đổi, làm sao phải nhanh hơn, đơn giản hơn, dễ dàng và minh bạch hơn.
Khi chúng tôi triển khai hình thức kê khai và nộp thuế điện tử đã gặp không ít khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp e ngại, nghi ngờ về tính đảm đảm an toàn, bảo mật thông tin trong việc chuyển tiền nộp thuế. Vì vậy, quá trình cải cách thủ tục hành chính về thuế cũng đòi hỏi một sự hợp tác, ủng hộ tích cực từ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng, một số Bộ, ngành cũng như không ít địa phương còn khá lúng túng, thậm chí thờ ơ với việc triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
Cho đến nay, sau hai năm chúng ta thực hiện Nghị quyết 19 vẫn có những Bộ chưa thực sự coi nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 19 như một trọng tâm của Bộ, ngành.
Trong chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, không phải chỉ tiêu nào cũng liên quan đến một Bộ/ngành mà các chỉ tiêu có thể liên quan đến nhiều Bộ/ngành,. Ví dụ như về chỉ tiêu giao dịch thương mại qua biên giới, chỉ tiêu liên quan đến hải quan...
Nếu như không có sự đồng thuận, quan tâm đúng mức, không có sự ủng hộ tích cực và sự chỉ đạo quyết liệt thì không thể đạt được kết quả đồng đều.
Vậy, để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP trong lĩnh vực thuế, theo Bà, ngành thuế cần có động thái gì?
Để đạt được những mục tiêu đó, tôi cho rằng cần phải dựa vào ba trụ cột chính, đó là cải cách về thể chế chính sách; ứng dụng mạnh mẽ về công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và cải cách bộ máy tổ chức, nâng cao trình độ năng lực của cán bộ, công chức thuế.
Tổng Cục thuế đã xây dựng, sửa đổi toàn bộ hệ thông quy trình, nghiệp vụ, trong đó có 27 quy trình, nghiệp vụ liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính cho người nộp thuế; đồng thời, xây dựng cơ chế thực thi, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ thuế; thực hiện đào tạo cho cán bộ thuế.
Làm sao để tinh thần cải cách, nội dung cải cách, cách thức cải cách không chỉ nằm ở cơ quan Tổng Cục thuế hay Bộ Tài chính mà phải truyền tải được đến 43.000 cán bộ thuế trên cả nước.
Xin cảm ơn bà!