Có nhiều bằng chứng cho thấy giá thuốc tại Mỹ đã bị đẩy lên mức cao “trên trời” vì tham vọng tối đa hóa lợi nhuận của các nhà sản xuất, tờ The New York Times nhận định.
Theo đó, tờ báo trên cho hay, giá của các loại thuốc ở nước Mỹ trong nhiều trường hợp đã cao hơn rất nhiều so với mức cần thiết để các nhà sản xuất trang trải chi phí nghiên cứu và thử nghiệm. Một số công ty cũng đã tìm cách để thu về lợi nhuận cao dù không phải gánh vác chi phí phát triển thuốc.
Trong thời gian qua, nhiều công ty đã tìm cách thu lời “khủng” bằng cách đơn giản là mua lại những công ty mà họ cho rằng đang bán thuốc với giá thấp hơn giá trị thực, sau đó tăng giá bán lên mức kỷ lục.
|
Biểu tình phản đối chủ công ty dược tăng giá thuốc quá cao. Ảnh: AP |
Điển hình có thể kể đến việc Công ty dược phẩm Turing hồi tháng 8 vừa qua đã tìm cách giành được quyền tiếp thị tại Mỹ một loại thuốc chống tình trạng nhiễm ký sinh trùng đã được bán suốt 62 năm qua để rồi tăng giá 1 viên thuốc từ 13,5 USD lên thành 750 USD.
Việc này đã khiến chi phí một đợt điều trị cho một số bệnh nhân đội lên thành hàng trăm nghìn USD.
Một trường hợp tồi tệ khác là Công ty dược Valeant. Công ty này cũng đã tăng đáng kể một số loại thuốc được họ mua lại, trong đó có 2 loại thuốc được các bệnh viện dùng để điều trị bệnh tim. Hành vi của các công ty trên đã bị chính Hiệp hội các nhà nghiên cứu và sản xuất thuốc tại Mỹ lên tiếng chỉ trích.
Tuy nhiên, theo New York Times, ngay cả một số công ty dược phẩm có thị phần lớn cũng đã áp giá cao ở mức khó có thể biện minh đối với các sản phẩm của mình. Ví dụ, Công ty Eli Lilly cho biết loại thuốc điều trị ung thư phổi mới của công ty này là Portrazza sẽ tiêu tốn đến 11.430 USD cho một tháng điều trị ở Mỹ. Số tiền này cao gấp 6 lần mức giá ước lượng 1.870 USD mà các bác sỹ điều trị ung thư hàng đầu đưa ra mới đây.
Tương tự, Pfizer cũng thông báo chi phí điều trị ung thư vú tiến triển bằng thuốc Ibrance của hãng này sẽ lên đến 9.850 USD/tháng, mức giá vẫn còn rất cao dù đã giảm bớt 20% theo yêu cầu của các hãng bảo hiểm.
Theo phân tích của The Wall Street Journal, mức giá này không dựa trên chi phí sản xuất hay chi phí nghiên cứu. Thay vào đó, Pfizer đã áp đặt mức giá cao nhất có thể nhưng không khiến các bác sỹ và các công ty bảo hiểm chuyển sang dùng các loại thuốc thay thế khác.
Các công ty dược tại Mỹ thường bảo vệ cho mức giá của mình là hợp lý bằng những dẫn chứng như tiền thuốc chỉ chiếm 10% chi tiêu chăm sóc sức khỏe của người dân nước này. Song, các cuộc khảo sát cho thấy nhiều người Mỹ hiện gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả cho những loại thuốc mà họ cần do giá thuốc cao.
Bên cạnh đó, các khảo sát cũng cho thấy các nhà sản xuất thuốc lớn đều đặn mỗi năm khoảng 10% hoặc hơn, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia đã đề xuất một số biện pháp nhằm hạ giá thuốc, như thúc đẩy cạnh tranh giữa các công ty dược hay cho phép chính phủ đàm phán để hạ giá thuốc. Nhưng cho đến nay, giá một số loại thuốc vẫn được giữ ở mức cao “không biện hộ nổi”.