Đây là phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Đại hội của Hội Khoa học Lịch sử đã chính thức diễn ra. Tham dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nhiều lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà Nước, Quốc Hội… cùng sự góp mặt của 270 đại biểu đại diện cho giới Sử học toàn quốc. Khó hiểu là đại diện Bộ GD và ĐT không có mặt tại Đại hội?
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng. Nhưng cũng trên chặng đường dài hàng chục thế kỷ ấy, chúng ta cũng từng nếm trải biết bao nỗi đắng cay, gian truân. Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là thầy dạy cho chúng ta hiểu hiện tại và giúp chúng ta dự báo cả tương lai”.
“Hội phải có trách nhiệm làm cho các cơ quan quản lí và xã hội thấy được tầm quan trọng đặc biệt của môn lịch sử trong hệ thống giáo dục quốc dân và có những đóng góp thiết thực trong nâng cao chất lượng dạy học lịch sử nước nhà”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Dangcongsan.vn |
Ngõ cụt hay...
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu lại quan điểm của Hội là ủng hộ tích hợp môn Lịch sử trong bộ môn "Cuộc sống quanh ta và tìm hiểu xã hội" ở bậc tiểu học. Nhưng phản đối tích hợp môn này vào bộ môn Khoa học xã hội ở THCS và Công dân với Tổ quốc ở bậc THPT.
Làm như vậy là tùy tiện, không có cơ sở khoa học. Lịch sử bị xé nhỏ, thực tế bị xóa sổ với vị thế và yêu cầu của nó. Hậu quả khôn lường khi xóa môn Lịch sử, đặc biệt Lịch sử dân tộc trong giáo dục phổ thông.", GS.TS.NGND Quang Ngọc nhận định.
Để chắc chắn hơn cho luận điểm của mình GS Ngọc đưa dẫn chứng về thực tế nóng bỏng hiện nay: “Vấn đề về chủ quyền biển đảo nhiều lần được hội có khuyến cáo cần có trong SGK Lịch sử, Địa lí nhưng không được tiếp thu”.
Theo ông, sự yếu kém của sách giáo khoa lịch sử phổ thông đang lưu hành chính là do quá coi trọng kiến thức lịch sử, đặc biệt là lịch sử phục vụ tuyên truyền chính trị mà ít quan tâm Lịch sử là môn khoa học trong tính tổng thể và toàn diện.
"Đây là vấn đề lí ra cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc thì các vị cố tình lẩn tránh và đổ lỗi cho giới sử học”, GS Ngọc nói.
|
Đại hội vắng mặt đại diện của Bộ GD và ĐT |
Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Dương Trung Quốc, cho rằng: “Rất cần đổi mới chương trình, SGK, phương pháp dạy môn Lịch sử. Hội luôn đứng sau ủng hộ, sẵn sàng hợp tác với Bộ GD và ĐT. Chúng tôi chỉ không tán thành cách làm dường như thiếu thận trọng, thiếu dân chủ của Bộ. Tôi có cảm giác trong trường hợp này Bộ đang triển khai một dự án nhiều hơn xây dựng một mục tiêu đưa tri thức lịch sử đi vào đời sống học đường”.
Loay hoay đổi mới
Rõ ràng hiện nay khi chúng ta có nhiều thành tựu khoa học công nghệ mới, thông tin tư liệu nhiều - có thể kiểm tra, kiểm chứng thì việc dạy và học môn Lịch sử có nhiều thuận lợi. Nhưng trên thực tế những năm vừa qua mặc dù đã có sự nỗ lực đổi mới từ Bộ GD và ĐT và các nhà chuyên môn, đáng tiếc sự đổi mới này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
GS Ngọc đưa ra giải pháp cho tình thế hiện nay cho: “Chúng ta phải tìm mọi cách khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử, đổi mới căn bản toàn diện hệ thống môn học, xây dựng lại chương trình, biên soạn SGK theo hướng tỏng hợp, liên ngành, đa ngành. Đây chính là tích hợp trong giảng dạy. Bên cạnh đó cần nâng chất lượng đào tạo giáo viên. Và được tiến hành trên cơ sở coi Lịch sử là môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ THCS lên THPT ngang hàng với các môn khoa học khác.”
|
Bên lề Đại hội, vấn đề tích hợp môn Lịch sử vẫn là "điểm nóng". |
"Việc viết SGK là vô cùng quan trọng, chúng tôi nhiều lần kiến nghị nhưng chưa bao giờ Bộ GD và ĐT thực hiện theo. Thầy cô muốn dạy cái mới cũng không được, vì nhiều nơi SGK được coi như là pháp lệnh, thầy cô nói cái bên ngoài có thể bị kỉ luật. Hội muốn tham gia nhưng "vào nhà mà không có chìa khóa cửa thì sao vào được?", GS Ngọc chia sẻ.
Lý giải về khó khăn trong việc tích hợp môn Lịch sử GS Ngọc cho rằng: “Bản thân khoa học lịch sử đã không phải đơn ngành mà có nhiều chuyên môn khác nhau như: kinh tế, văn hóa, địa lí,... Ví dụ dạy về kinh tế thời Trần phải liên hệ các vấn đề về kinh tế, văn hóa thời Nguyễn phải có các kiến thức về văn hóa. Tích hợp khi giảng bài trận đánh Bạch Đằng phải nghiên cứu về địa mạo cửa biển Bạch Đằng ra sao, bố trí thế nào, thủy triều thế nào,...để tích hợp dạy Lịch sử, chứ không phải là cách tách nó ra, biến thành một mẩu của môn học khác”.
GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ hy vọng: “Với Nghị quyết của Quốc hội vừa được thông qua, chúng ta chờ đợi việc thực hiện của Bộ GD và ĐT trong tinh thần vừa hợp tác vừa phản biện nhằm mục tiêu trả lại vị thế xứng đáng của môn Lịch sử trong nền giáo dục và đào tạo.”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tiến hành bầu và mắt Ban chấp hành, Ban Ban Thường vụ, Ban kiểm tra và các chức năng lãnh đạo của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (nhiệm kỳ 2015 – 2020). Theo đó, GS.NGND Phan Huy Lê tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học và Lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, Đại hội cũng đã bầu ra 7 Phó chủ tịch, Tổng thứ ký và các Phó tổng ký của Hội. |