Khao khát tình cảm quê hương
Câu lạc bộ (CLB) Thống nhất được thành lập tháng 11/1955, khi có hàng vạn cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. CLB nằm giữa 2 phố Hàng Trống và Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Trụ sở CLB là nhà Khai trí Tiến Đức, nơi vui chơi của giới thượng lưu thời Pháp; đến năm 1946 trở thành Trụ sở của Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Với vị trí đắc địa như thế, Nhà nước đã dành làm nơi để đồng bào miền Nam tập kết gặp gỡ giao lưu, gắn bó tình cảm, với cái tên thật ý nghĩa CLB Thống nhất.
Đứng ở phía CLB phóng tầm mắt nhìn ra hồ Hoàn Kiếm sẽ thấy toàn cảnh cầu Thê Húc, tháp Rùa thơ mộng. Nơi đây như một lẵng hoa lung linh sắc màu giữa lòng Thủ đô. Đặc biệt, ở cuối phố Đinh Tiên Hoàng và cạnh tháp Hòa Phong ngày ấy còn có bến tầu điện, rất thuận lợi cho khách phương xa về đây vãn cảnh và vào CLB sinh hoạt.
Nhớ khi mới thành lập, CLB Thống nhất còn vắng vẻ, chỉ có cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết đến nghe thời sự trong và ngoài nước. Nhưng dần dà được cải tiến, nhất là từ tháng 12/1960, khi Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Không chỉ nghe thời sự chính trị “nóng hổi”, còn có các diễn giả là người từ chiến trường miền Nam ra nói chuyện. Cứ thế chương trình ngày một phong phú hơn, như biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, đọc sách, xem triển lãm,… sau này căng tin còn bán các món ăn miền Nam.
“Tiếng lành đồn xa” người đến ngày một đông. Không riêng gì Hà Nội mà các tỉnh lân cận cũng kéo về, vì ai cũng rất khao khát tình cảm quê hương. Họ đến CLB Thống nhất không chỉ để nghe thời sự hay giải trí, mà còn tìm người thân bị thất lạc khi tập kết từ tháng 10/1954 đến 10/1955 theo Hiệp định Giơnevơ. Không hiếm cảnh cha con, anh chị em khi tập kết ra Bắc mỗi người mỗi ngả, 3-4 năm sau mới tìm được nhau, hay có người đã trở về miền Nam chiến đấu mà người thân không biết.
Khu tập thể Bờ sông nằm ngoài đê sông Hồng thuộc quận Hoàn Kiếm, được xây dựng trước năm 1960. Đây là Khu tập thể của cán bộ, công nhân viên các Bộ, ngành. Mọi người hay nói đùa gọi là khu “Đế vương” (vướng đê). Vì ở ngoài đê nên cứ đến mùa bão lụt tháng 7, tháng 8, nước lũ từ thượng nguồn ồ ạt đổ về có lúc ngập nửa nhà.
Có nhiều người miền Nam tập kết ở đây, có lẽ câu “nói lái” trên xuất phát từ những người vui tính đó (!) Vật chất quá thiếu thốn, lại sống xa quê hương nên từ khi có CLB Thống nhất, bà con miền Nam khu “Đế vương” rất vui. Vì chỉ cần dăm phút đi bộ là đã ra đến ngôi nhà chung.
Sợi dây gắn kết văn hóa các vùng miền
Ngày ấy, ban đầu văn nghệ chỉ là “cây nhà lá vườn” nhưng sau này được sự quan tâm của Vụ 5, Ủy ban Thống nhất Trung ương, Vụ 8, Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa nên nội dung sinh hoạt ngày càng phong phú, hấp dẫn. CLB còn mời được các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đến trình diễn.
Các chị em người miền Bắc, lấy chồng người miền Nam, lần đầu theo chồng đến đây còn bẽn lẽn, e ngại, vì cách ăn mặc hay giọng nói. Nhưng rồi quen dần lại thấy tự hào vì được giới thiệu là “con dâu miền Nam”. Nhiều chị sau này có chồng về Nam chiến đấu vẫn đến CLB đều đều. Bởi đây là món ăn tinh thần không thể thiếu được.
Một kỉ niệm đáng nhớ là một tối, Hội trường đang trật tự bỗng xôn xao hẳn lên khi có sự xuất hiện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Khi ông cất tiếng nói: “Xin chào bà con đồng hương miền Nam và tất cả các bạn là dâu rể miền Nam ruột thịt!”, thì tiếng vỗ tay không ngớt, vì ai cũng thấy được trân trọng gần gũi của Thủ tướng. Khi ông thăm hỏi tất cả mọi người và biểu dương những tấm gương tiêu biểu của đồng bào miền Nam tập kết. Trong không khí ấm áp tình người và những gương sáng đó, Thủ tướng còn nhắc lại câu Bác Hồ nói với các đồng chí lãnh đạo: “Sao các chú không để bớt vũ khí lại, đưa thêm đồng bào miền Nam ra Bắc để sau này về kiến thiết xây dựng quê hương”. Câu nói này đã làm mọi người cùng nhớ lại, năm 1958, Bác Hồ đến CLB vui Trung thu cùng các cháu thiếu nhi miền Nam.
Từ chỗ đến giải trí, tìm kiếm đồng hương, CLB Thống nhất còn là cầu nối cho rất nhiều đôi uyên ương sau một thời gian sinh hoạt ở đây. Khoảng cách địa lí, tập quán vùng miền không gì ngăn cản được những trái tim yêu nhau. Cùng với thời gian ngày càng có nhiều đôi chồng Nam, vợ Bắc hơn, nhất là khi Trung ương có văn bản hướng dẫn việc kết hôn của cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết, mọi sự khúc mắc được giải quyết.
Ở CLB Thống nhất, Hội đồng hương các tỉnh rất có trách nhiệm làm chứng hoàn cảnh của từng đôi và thông báo kịp thời để việc kết hôn không bị coi là” lách luật”. CLB còn là địa điểm lí tưởng để nhiều đôi làm đám cưới. Trong số họ, không ít cặp vợ chồng theo tiếng gọi thiêng liêng cùng nhau về Nam chiến đấu.
CLB Thống nhất còn là sợi dây gắn kết văn hóa các vùng miền với nhau. Họ đến đây không chỉ được nghe các làn điệu dân ca ba miền, mà còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo: Hũ tiếu Nam bộ, mì Quảng, bún bò Huế, bánh bèo, bánh xèo, bánh tộ, xôi đường,… đầy màu sắc và hương vị phương Nam. Bây giờ các món này ở Hà Nội đâu đâu cũng có, nhưng ngày ấy dạo phố tìm “đỏ mắt” không ra. Khách bị thu hút bởi các món chè của Huế.
Còn nhớ không chỉ chè ngon lại rẻ mà nhờ có chị Ba, người Huế tiếng nói nhẹ nhàng không cần chèo kéo, khách vẫn tìm đến xếp hàng mua. Không có bia hơi như bây giờ, ngày ấy chỉ nước chè xanh và nhân trần cũng đủ để mọi người xích lại gần nhau. Năm 1980, CLB mới chính thức đóng cửa, hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong sự bâng khuâng của nhiều người.
Bây giờ qua đây, thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp những cụ già người miền Nam đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, mà một thời họ gọi đùa là “hồ Tìm Kiếm” người thân, đồng hương, bạn bè. Theo thói quen họ vẫn chọn chiếc ghế đá ven hồ trước cổng CLB Thống nhất để thư giãn.
Trong kí ức của họ những kỉ niệm không thể nào quên khi nhìn lên tấm biển bên trái cổng chính ngôi nhà 16 Lê Thái Tổ có khắc dòng chữ: Câu lạc bộ Thống nhất nơi sinh hoạt và hội họp của cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (1955-1975).