Ngày ngày, nghệ nhân Mấu Hồng Thái người đồng bào Raglai ( 77 tuổi; trú tại xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) vẫn chăm chút và mải mê bên những nhạc cụ truyền thống như: Đàn chapi, đàn đá, chiêng mã la, khèn bầu… Với ông những nhạc cụ đó có linh hồn, món ăn tinh thần không thể thiếu của người Raglai.
Nhạc cụ truyền thống có “linh hồn”
Người Raglai xưa luôn quan niệm những nhạc cụ như: Chiêng mã la, đàn đá, đàn Chapi, khèn bầu là của quý, là vật thiêng, là người bạn không thể thiếu.
Những dụng cụ này được sử dụng trong nhưng ngày vui như: Mừng lúa mới, tiệc cưới hỏi cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt. Với nghệ nhân Mấu Hồng Thái lưu giữ những nhạc cụ truyền thống đó là trăn trở, là ước nguyện và là khát vọng.
Ngày ngày, nghệ nhân Thái vẫn mải miết bên những nhạc cụ truyền thống như: Đàn chapi, đàn đá, chiêng mã la, khèn bầu… ông Thái chia sẻ: “Mỗi nhạc cụ với tôi đều có “linh hồn”, ai đó mới nhìn tưởng như vật vô tri, nhưng khi có bàn tay con người tác động nó phát ra thứ âm thanh mê hoặc, nhạc cụ trở thành vật thể sống”.
|
Nghệ nhân Mấu Hồng Thái với cây đàn Chapi. |
Theo nghệ nhân, trên vùng đất Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà từ nhiều đời nay đã lưu truyền nhiều loại nhạc cụ độc đáo, đó là những giá trị không có gì thay thế được, nó là món ăn tình thần không thể thiếu trong đời sống người Raglai.
Nói về nhạc cụ, ông Thái cho biết những nhạc cụ của đồng bào Raglai được phát hiện tình cờ khi người đồng bào này tìm thấy những phiến đá phát ra tiếng kêu. Ban đầu người Raglai dùng đá kêu để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng.
Sau này họ chế tác thành bộ đàn đá phục vụ trong các sinh hoạt lễ hội văn hóa cộng đồng, đàn đá xuất hiện đến nay đã được khoảng 3000 -5000 năm.
Chỉ với những phiến đá thô, tưởng như vô tri vô giác, nhưng người xưa lại chế tác ra những bộ đàn đá cất lên âm hưởng thanh thót như tiếng vọng của đại ngàn, đi sâu vào lòng người mãi không quên.
Nghệ nhân Mấu Hồng Thái cho biết thêm, một nhạc cụ không thể thiếu trong mọi sinh hoạt cộng đồng người Raglai đó là mã la (bộ chiêng bằng đồng). Mã la không có núm và quai xách, khi trình tấu, người chơi nắm bàn tay gõ vào mặt chiêng. Một bộ mã la thường có 5, 7 hoặc 9 chiếc tùy thuộc quan niệm của từng vùng.
|
Nghệ nhân Thái say mê với đàn bầu. |
Chiếc mã la có âm trầm nhất được gọi là mẹ, rồi đến cha, kế tiếp là các con từ con cả đến con út. Âm thanh mã la nghe trầm bổng như hơi thở, nhịp tim của con người, khi sâu lắng, lúc rộn ràng.
Nhắc về đàn chapi (đàn koq t’lơr), giọng nghệ nhân Thái như chứa đầy cảm xúc, đàn chapi được làm từ một mắt cây tre (hay lồ ô) có chiều dài chừng hơn 30 cm và đường kính dưới 10 cm. Người ta tách vỏ ống tre để làm dây, sau đó vót thật nhẵn miếng tre nhét vào giữa hai sợi dây song song để làm ngựa cho dây đàn, cứ thế sẽ tạo ra từ 5 đến 8 dây.
Khi chơi đàn, nghệ nhân áp một đầu ống tre vào bụng, hai tay nâng đàn và dùng ngón tay để bật những sợi dây tạo ra những âm sắc thật độc đáo. Tiếng đàn Chapi là âm thanh của sự tự do, của lòng tự hào về cộng đồng dân tộc.
Khát vọng bảo tồn nhạc cụ truyền thống
Hiện tại, nghệ nhân Mấu Hồng Thái đã 77 tuổi, 20 năm qua ông là nghệ nhân tiêu biểu, là người con ưu tú của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn, ông luôn đau đáu tìm cách lưu giữ những nhạc cụ của đồng bào mình.
Là người yêu thích nhạc cụ, nên trong nhà ông có rất nhiều những nhạc cụ của người Raglai xưa, ông đã sưu tầm và chế tác hàng chục nhạc cụ.
|
Thanh niên Raglai tìm hiểu về đàn đá Khánh Sơn. |
Nghệ nhân Thái nói: “Người Raglai xưa, gia đình nào cũng có đàn chapi, có khèn bầu, có đàn đá, trong làng thì có chiêng Mã la, do cuộc sống thay đổi, nên những nhạc cụ xưa người dân cũng ít quan tâm tới, rồi mai một, thất lạc…Thanh niên thì mải miết làm kinh tế lo cuộc sống, số người biết và sử dụng các loại nhạc cụ trên cũng hạn chế dần”.
Hiện nay, cứ có thời gian nghệ nhân Thái thường dạy cho con cháu mình về lịch sử của các nhạc cụ dân tộc, nhiều thanh niên đam mê nhạc cụ ông sẵn sàng chỉ dạy cách sử dụng, cách chế tác. Nếu có các chương trình hội thảo, lưu diễn nghệ thuật do Nhà nước tổ chức ông lại tìm mọi cách để được tham gia.
Thông qua đó, ông giới thiệu để nhiều người biết về những nhạc cụ của dân tộc mình và tìm cách bảo tồn chúng. Cứ đến dịp tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa tổ chức, nghệ nhân Thái lại đưa đến ngày hội bộ khèn bầu, đàn chapi, đàn đá biểu diễn và trưng bày.
|
Bộ Mã La 7 chiếc vô cùng quý giá của người Raglai. |
Thời gian sắp tới ông Thái cho rằng: “Để du khách trong nước và quốc tế biết đến những nhạc cụ của người Raglai nhiều hơn, trong các dịp festival biển Nha Trang, Khánh Hòa tổ chức 2 năm một lần theo định kỳ, tôi sẽ đưa đến festival biển nhiều bộ nhạc cụ giá trị để trưng bày, giới thiệu cho mọi người cùng thưởng thức”.
Chính vì những cố gắng để lưu giữ những nhạc cụ truyền thống là một hình ảnh đẹp, ông được buôn làng đặt cho biệt danh trìu mến “Người giữ hồn cho nhạc cụ Raglai”.