Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, UBND phường Long Biên không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình nữ sinh gửi tâm thư đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội là trái quy định của pháp luật.
Những ngày vừa qua, sự việc em Lê Thuý Nga (sinh năm 1994, trú tại 123 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) hiện đang là sinh viên trường Học viện Quản lý giáo dục viết tâm thư gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc gia đình em đang sống trong ngôi nhà sập xệ, dột nát, bố mẹ đều mắc bệnh hiểm nghèo, trong khi đó, chính quyền địa phương thì lại làm khó không cho sửa chữa nhà để ở gây xôn xao dư luận.
|
Ngôi nhà sập xệ, có thể sập bất cứ lúc nào. |
Vì chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nên đến nay, gia đình em Lê Thúy Nga vẫn không thể xây được nhà để che mưa nắng. Rõ ràng có sự đúng - sai trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan chức năng đối với gia đình em Nga. Để rộng đường dư luận, phóng viên Pháp luật Plus vừa có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Thái về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định: "Đúng là gia cảnh em Nga rất đáng thương, cần được xã hội quan tâm, giúp đỡ. Theo như thông tin và những hình ảnh mà báo chí đã đưa những ngày qua thì ngôi nhà nơi em đang sống quả thực đã xuống cấp trầm trọng, cần phải được tu sửa để đảm bảo an toàn cho không chỉ gia đình em mà cho cả những người sống xung quanh".
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho rằng, chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến việc chính quyền địa phương gây “khó dễ” trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin phép xây dựng của gia đình em Nga.
|
Luật sư Nguyễn Hồng Thái. |
"Nếu gia đình em Nga đã có đủ điều kiện để cấp các giấy tờ trên mà chính quyền vẫn làm khó, thì chứng tỏ đã có gì đó khuất tất, cần được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, Luật sư Nguyễn Hồng Thái bày tỏ.
Việc UBND Quận Long Biên không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho gia đình em Nga nhiều khả năng là do đơn vị này cho rằng phần đất đó thuộc quyền quản lý của UBND, và không chấp nhận Bản án phúc thẩm 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013 của Toà phúc thẩm – Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, UBND đã gửi đơn đề nghị kháng nghị và đang chờ giải quyết.
Tuy nhiên, bản án trên đây đã có hiệu lực pháp luật, lại không có quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành của người có thẩm quyền ban hành.
Vậy về mặt pháp lý thì liệu gia đình em Nga có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? Nếu có thì căn cứ vào điều nào, khoản nào và trình tự giải quyết ra sao?
Trong quá trình sử dụng mảnh đất nói trên, năm 1990, gia đình em Nga ký hợp đồng thuê đất với Hợp tác xã nông nghiệp Ái Mộ, diện tích thuê là 23 m2. Tháng 1/1991, gia đình em Nga lấn chiếm thêm 70m2 đất ao phía sau nhà và xây dựng nhà ở.
Đến năm 2004, Hợp tác xã Ái Mộ giải thể, giao lại đất cho UBND xã quản lý. Sau đó, UBND quận Long Biên đã 2 lần ra Quyết định thu hồi đất đối với mảnh đất nói trên nhưng đều bị Bản án phúc thẩm số 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013 của Toà phúc thẩm – Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội tuyên hủy.
Từ năm 1990 đến nay, gia đình em Nga không có tranh chấp với bất kỳ cá nhân, hộ gia đình nào khác xung quanh và hiện nay, mảnh đất trên thuộc khu vực được quy hoạch làm đất ở.
Căn cứ vào những thông tin trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, đối với phần đất thuê của gia đình em Nga, do hai bên chưa thanh lý hợp đồng nên đã phát sinh tranh chấp giữa hai bên.
Đây là tranh chấp về hợp đồng thuê đất, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo quy định tại tiểu mục 3.2 Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC hướng dẫn về thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Tòa án sẽ quyết định ai là người có quyền sử dụng đối với 23m2 đất này.
"Đối với phần đất lấn chiếm của gia đình em Nga, gia đình có đầy đủ điều kiện xin cấp giấy chứng nhận quyền sử đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai" - Luật sư Thái khẳng định.
Điều 22. Việc xử lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014.
3. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì thực hiện xử lý như sau:
a) Trường hợp đang sử dụng đất thuộc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi đất trước khi thực hiện dự án, công trình đó.
Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định;
b) Trường hợp đang sử dụng đất không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Việc chính quyền địa phương không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình em Nga khiến dư luận không đồng tình, các chuyên gia khẳng định, UBND quận Long Biên làm trái quy định của pháp luật.
Liệu vụ việc của gia đình nữ sinh nghèo gửi tâm thư lên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ được giải quyết thế nào? Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.