Ngày 24/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đồng ý chủ trương mở rộng KCN Phú Mỹ II. Ngay sau đó, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) đã ký những hợp đồng giao khoán đất cho “người lạ” trên phần đất bị thu hồi thuộc dự án mở rộng KCN Phú Mỹ II.
Những bản hợp đồng “trơn tru” bất thường
Theo đó, ngày 24/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1163/TTg-CN (công văn số 1163) gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc chủ trương đầu tư và mở rộng các KCN tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại công văn số 1163, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau: “Đồng ý chủ trương đầu tư các khu công nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu sau đây: khu công nghiệp Phú Mỹ III với diện tích 800ha, khu công nghiệp Đất Đỏ I với diện tích 500ha, mở rộng khu công nghiệp Phú Mỹ II với diện tích 400 ha, bổ sung các khu công nghiệp này vào Danh mục các KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới và mở rộng đến năm 2015 được ban hành kèm theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ”.
|
Công văn số 1163/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mở rộng KCN Phú Mỹ II (nguồn Công thông tin điện tử Chính phủ). |
Sau khi Thủ tướng có công văn đồng ý chủ trương mở rộng KCN Phú Mỹ II, ngày 5/11/2007, bà Ngô Thị Ngọc (SN 1987, ngụ phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM) đã làm “Đơn xin nhận đất để trồng rừng phòng hộ, nhận rừng tự nhiên để khoanh nuôi bảo vệ” gửi Ban quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BQL RPH).
Sau khi xem xét đơn của bà Ngọc, ngày 27/11/2007, BQL RPH đã ký với bà Ngọc hợp đồng khoán số 220/07/HĐK (HĐK số 220) bảo vệ rừng, gây trồng rừng phòng hộ.
Theo HĐK số 220 thì bà Ngọc được BQL RPH giao 16,5 ha rừng được trồng bằng vốn ngân sách Nhà nước thuộc lô 1,3,7 khoảnh VIII tiểu khu Tân Phước.
|
Hợp đồng khoán số 220/7/HĐK của BQL RPH giao cho bà Ngọc 16,5ha rừng sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mở rộng KCN Phú Mỹ II. |
Tương tự như trường hợp của bà Ngọc là trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Tuấn ký hợp đồng khoán ngày 16/5/2008, ông Trần Nam Anh ký hợp đồng khoán ngày 16/5/2008, bà Trần Thị Tý ký hợp đồng khoán ngày 17/3/2008. Tất cả các hộ này đều được ký hợp đồng giao khoán sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mở rộng KCN Phú Mỹ II và Phú Mỹ III.
Có hay không thỏa thuận “ngầm”?
Đáng lưu ý, trong hợp đồng giao khoán của những hộ nhận khoán trên đều thể hiện, phần lớn đất giao có rừng được trồng bằng ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, đến năm 2009, khi kiểm kê thu hồi đất, một số phần diện tích rừng trong hợp đồng khoán của các hộ trên bỗng dưng “không cánh mà bay”.
Và đáng nói hơn, hiện trạng sử dụng đất này đột nhiên lại trùng đúng phần đất mà nhiều hộ dân tại địa phương canh tác làm muối và đùng nuôi tôm từ hàng chục năm qua có xác nhận của chính quyền địa phương.
|
Hiện trạng những cánh rừng được giao khoán lại chính là ruộng muối được người dân canh tác từ nhiều năm trước. |
Trước những mâu thuẫn của vụ việc, dư luận đang đặt câu hỏi liệu có phải khi có chủ trương mở rộng KCN trên địa bàn, một số cá nhân câu kết luồn lách lập hợp đồng khoán, khái khống diện tích rưng chiếm đất canh tác của người dân lấy tiền đền bù hay không?
Người dân thì không hiểu vì sao đất của mình đang canh tác bỗng dưng lại thành rừng phòng hộ trong hợp đồng khoán của những người “lạ” mà không hề hay biết.
Như vậy, bằng những chứng cứ trên, có thể thấy những người “lạ” được giao rừng, và những người có trách nhiệm ký các văn bản đồng ý giao đất rừng có dấu hiệu bất minh, mờ ám để trục lợi.
Đất bị “bí mật" giao khóan do dân canh tác lâu năm và là ruộng muối
Như Pháp luật Plus đã thông tin, theo phản ánh của các hộ dân là bà Võ Thị Minh (ấp Tân Lộc, xã Tân Phước), ông Bùi Văn Riêm (ấp Phước Long, xã Tân Hòa), ông Ngô Trọng Hiếu (ấp Tân Lâp, xã Phước Hòa), bà Trần Nam Phương (ấp Tân Lộc, xã Tân Phước), cùng nhiều hộ khác có đất nằm trong quy hoạch dự án KCN Phú Mỹ II mở rộng. Đất của các hộ dân đều là đất canh tác sử dụng hợp pháp nhiều năm nay.
|
Người dân khẳng định mình đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế trong quá trình canh tác làm ruộng muối. |
Các hộ dân cho biết trong quá trình sử dụng đất, người dân có thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, việc sử dụng đất được chính quyền địa phương công nhận.
Thế nhưng, khi thu hồi đất của các hộ dân để giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị KCN Việt Nam IDICO (chủ đầu tư dự án KCN Phú Mỹ II), chính quyền địa phương đã không ban hành quyết định thu hồi đất, không bồi thường thiệt hại về đất. Qua đó, quyền sở hữu đất của các hộ dân đã không được chính quyền địa phương xem xét.
Tiếp đó, các phần đất của người dân bỗng được thông báo là đất của BQL RPH Bà Rịa – Vũng Tàu. Bất ngờ hơn, những phần đất này đã được BQL RPH ký hợp đồng giao khoán cho những người “lạ” mà người dân canh tác bao năm qua không hề hay biết.
Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào cuộc thanh kiểm tra toàn diện giao dịch các hợp đồng giao khoán rừng bất thường trên. Đảm bảo quyền lợi người dân và thực thi pháp luật công bằng, nghiêm minh.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.